Xung quanh vụ việc người chồng đâm chết người để giải cứu vợ bị nhóm người “bắt cóc” xảy ra tại xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, một số luật sư cho rằng trong tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Vụ việc có tính chất nghiêm trọng
Liên quan đến vụ người chồng đâm chết người để giải cứu vợ bị nhóm người lạ mặt "bắt cóc", chiều 16/11, Công an tỉnh Vĩnh Long Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tạm giữ hình sự Trần Ngoại Giao (30 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) điều tra về hành vi "Giết người".
Bên cạnh đó, nhiều nghi can trong nhóm người đi ôtô biển số tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng bị tạm giữ để điều tra hành vi "Bắt giữ người trái pháp luật".
Theo điều tra ban đầu, khoảng 10 giờ ngày 15/11/2020, một nhóm thanh niên gồm 6 người đi trên xe ô tô 7 chỗ biển kiểm soát 72A-215.22 xuất hiện tại nhà Trần Ngoại Giao (SN 1990, ngụ ấp An Hiệp, xã Long An- Long Hồ) và dùng bình xịt hơi cay khống chế vợ Giao là chị Võ Thị Thúy H. (SN 1991) đưa lên xe ô tô.
Thấy vậy, Giao và người thân chạy ra ngăn cản. Trong lúc xô xát, Giao dùng thanh sắt dài khoảng 1,5m đâm Nguyễn Minh Tuấn (chưa rõ năm sinh, nơi cư trú) tử vong tại chỗ, Nguyễn Văn Dũng (SN 1991, ngụ TX Phú Mỹ- tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) bị thương hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Sau khi xảy ra sự việc, Trần Ngoại Giao đến cơ quan công an đầu thú.
Đáng chú, tại cơ quan điều tra, ban đầu nhóm người có hành vi “bắt cóc” khai nhận được bà Võ Thị Kim C. (mẹ ruột của chị H., SN 1967, ngụ xã Long An, huyện Long Hồ, hiện đang tạm trú phường Hắc Dịch, TX Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu) là người đã thuê nhóm thanh niên trên đến Vĩnh Long để bắt con gái đưa về Vũng Tàu.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật) đánh giá vụ việc có tình chất nghiêm trọng. Bởi vậy, cơ quan điều tra cần làm rõ hành vi của nhóm đối tượng bắt giữ người trái pháp luật, những hung khí, vũ khí mà nhóm đối tượng này sử dụng, mục đích bắt giữ người và việc tấn công lại người chồng này thực hiện như thế nào.
Đối với người chồng, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ hành vi, ý thức chủ quan, tương quan lực lượng và hậu quả để xác định hành vi của người chồng giải cứu vợ có phải là phòng vệ chính đáng hay không. Ngoài ra, cần phải làm rõ trong tình huống lúc đó người vợ có thật sự bị đe dọa tính mạng hay không, người chồng có thể tìm giải pháp nào khác không để làm căn cứ xác định có phai tình thế cấp thiết hay phòng vệ chính đáng.
"Từ đó cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định hành vi này có phải là tình thế cấp thiết và phòng vệ chính đáng hay không”, luật sư Bình nhấn mạnh.
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật)
Luật sư Bình phân tích thêm, theo quy định của pháp luật tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng được loại trừ trách nhiệm hình sự. Bởi tình thế cấp thiết là tình thế của một người đứng trước sự đe doạ đến một lợi ích được pháp luật bảo vệ, đồng thời muốn bảo vệ lợi ích này, người ta không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại cho một lợi ích khác nhỏ hơn cũng được pháp luật bảo vệ để ngăn ngừa thiệt hại lớn hơn. Chính vì tính hợp lý này mà về mặt xã hội, hành động trong tình thế cấp thiết là hành động có ích. Còn về mặt hình sự hành động này không bị coi là tội phạm. Thiệt hại gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần khắc phục. Nếu thiệt hại gây ra lớn hơn hoặc bằng thiệt hại được khắc phục thì mục đích của tình thế cấp thiết không đạt được nên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
“Khi thấy vợ mình bị bắt cóc thì việc người chồng đứng ra giải cứu cho vợ là hoàn toàn hợp tình, hợp lý. Nếu các đối tượng này quay sang tấn công Giao buộc giao phải chống trả lại thì đây được xem là phòng vệ chính đáng. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích chính đáng”, ông Bình nói.
Theo luật sư Đặng VănCường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, pháp luật quy định, hành vi bắt người phạm tội quả tang, phòng vệ chính đáng được loại trừ trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp nhóm đối tượng đến bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của người vợ, khi Giao yêu cầu nhóm đối tượng trả người, các đối tượng không những không trả mà lại còn sử dụng công cụ hỗ trợ tấn công lại người đàn ông này. Theo quy định, pháp luật cho phép, người chồng có quyền chống trả một cách cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho bản thân mình và cho vợ mình.
Người thuê nhóm đối tượng "bắt cóc" có phạm tội?
Đối với hành vi thuê nhóm người đến "bắt cóc" chị H, luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm: Nếu quá trình điều tra chứng minh người mẹ chị H. thuê mướn nhóm người này tham gia bắt giữ thì có dấu hiệu của hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện và Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, tùy thuộc mức độ nguy hiểm của hành vi, người phạm tội sẽ phải chịu khung hình phạt khác nhau, cụ thể:
Khung thứ nhất: Người nào bắt, giữ người trái pháp luật nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 (Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi) hoặc Điều 377 (Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm. Khung thứ hai: Phạt tù từ 02 - 07 năm nếu phạm tội trong các trường hợp: Có tổ chức.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ mối quan hệ hôn nhân giữa chị H. và anh Giao. Nếu mối quan hệ này là hôn nhân hợp pháp, tự nguyện, tiến bộ và những người cản trở đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 181 BLHS 2015 với mức án tù cao nhất là 3 năm.