Vụ cháy gần 500 xe máy của công nhân ở Nam Định: Căn cứ bồi thường thế nào?

Hà An| 12/10/2022 09:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một vụ cháy lớn mới xảy ra tại tại một doanh nghiệp ở Nam Định đã thiêu rụi gần 500 chiếc xe máy của công nhân. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do một xe máy cũ trong lán tự phát ra lửa và bốc cháy. Vậy trách nhiệm của những người liên quan thế nào, chủ phương tiện có được bồi thường thiệt hại?

Như Báo Công lý đã thông tin, sáng 10/10, một vụ cháy lớn đã xảy ra ở nhà để xe của Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam (khu công nghiệp Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), thiêu rụi hàng trăm xe máy của công nhân.

Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Nam Định  huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp khống chế đám cháy. Sau một thời gian ngắn, vụ hỏa hoạn đã được dập tắt.

Được biết, Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư từ Hồng Kông (Trung Quốc), hoạt động tại Nam Định từ nhiều năm nay chuyên sản xuất hàng may mặc, có nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh với cả chục nghìn lao động.

vu-chay-xe-o-nam-dinh.jpg
Vụ hỏa hoạn khiến gần 500 xe máy của công nhân bị thiêu rụi

Theo báo cáo của Công ty Youngor Smart Shirts Việt Nam, tổng số xe máy của công nhân bị cháy khoảng 500. Phần lớn xe bị cháy là xe ga, xe số và một phần nhỏ xe máy điện, trong đó có 70 xe bị hư hỏng một phần, còn lại là hư hỏng toàn bộ. Tổng thiệt hại quy ra tiền khoảng trên 10 tỷ đồng.

Nguyên nhân cháy ban đầu, theo báo cáo của doanh nghiệp là do một xe máy cũ trong số các xe trên tự phát cháy sau đó lan rộng ra.

Cũng theo báo cáo của Công ty THHH May Youngor Smart Shirts Vietnam, trước khi hỏa hoạn xảy ra, doanh nghiệp này có mua bảo hiểm cháy nổ nhà xưởng, tài sản của công ty và tài sản cá nhân cho cán bộ công nhân viên.

Liên quan đến thông tin gần 500 xe máy bị cháy hử hỏng nặng, rất nhiều độc giả quan tâm, trách nhiệm của những người liên quan thế nào, căn cứ bồi thường ra sao?

Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên, (đoàn luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, đây là vụ hỏa hoạn có tính chất nghiêm trọng khi phương tiện là tài sản của hàng trăm công nhân bị thiêu rụi, ước tính thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

Bởi vậy, để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy. Nếu đám cháy bắt nguồn từ một xe máy sau đó lan rộng ra toàn bộ nhà xe gây cháy nhưng do hành vi chủ ý đốt, chủ ý gây hỏa hoạn của một người nào đó thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại tài sản theo Điều 178 BLHS 2015 và người chủ ý đốt, chủ ý gây hỏa hoạn sẽ phải bồi thường thiệt hại đối với toàn bộ tài sản là phương tiện bị cháy, cơ sở vật chất bị thiệt hại.

luat-su-ha-thi-khuyen.jpg
Luật sư Hà Thị Khuyên

Đối với trường hợp đám cháy bắt nguồn từ việc nhà xe của Công ty may không đảm bảo các điều về phòng cháy chữa cháy, xác định thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 313 BLHS 2015 về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Trường hợp này phía doanh nghiệp có công nhân đang làm việc và đơn vị trông giữ xe sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với toàn bộ tài sản là phương tiện của công nhân bị cháy theo quy định.

“Nếu Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam là bên trực tiếp trông coi phương tiện cho công nhân thì việc bồi thường là khá rõ ràng. Lý do khi gửi xe tại nhà xe của công ty công nhân có lấy vé (thẻ xe) là thực hiện một giao dịch dân sự, tức thực hiện loại hợp đồng gửi giữ tài sản theo Điều 554 BLDS 2015”, luật sư Khuyên phân tích.

Cũng theo luật sư Khuyên, trong trường hợp Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam có thuê đơn vị khác làm nhiệm vụ trông coi tài sản là phương tiện của công nhân, thì giữa công ty và đơn vị nhận trông coi phương tiện (nhận gửi giữ tài sản) tồn tại hợp đồng gửi giữ tài sản, lúc này sẽ áp dụng quy định tại Điều 554 BLSD 2015 về quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản giữa công ty may và đơn vị nhận giữ tài sản là phương tiện để giải quyết.

Nếu đơn vị nhận giữ tài sản có lỗi trong quá trình nhận giữ phương tiện thì phía doanh nghiệp có quyền yêu cầu đơn vị nhận giữ tài sản phải bồi thường thiệt hại đối với phương tiện của công nhân bị cháy theo quy định tại khoản 4, Điều 557 BLDS 2015.

Căn cứ bồi thường dựa vào chiếc vé gửi xe (thẻ xe), nhưng chiếc vé gửi xe (thẻ xe) không hề thể hiện tình trạng tài sản được gửi ra sao, nên người có xe bị cháy phải xác định được giá trị tài sản gửi thông qua giấy tờ đăng ký xe, để biết loại xe và thời gian sử dụng để tính chi phí khấu hao đối với tài sản cố định là xe máy từ đó có căn cứ đền bù thiệt hại.

Căn cứ tính khấu hao để bồi thường thiệt hại đối với tài sản cố định là xe máy được xác định theo quy định tại khoản 2, Điều 10 Thông tư 45/2013/TT-BTC Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định.

“Nếu doanh nghiệp mua bảo hiểm cháy nổ nhà xưởng, tài sản của công ty và tài sản cá nhân cho cán bộ công nhân nằm trong phạm vi hợp đồng bảo hiểm thì phía bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp người lao động đang làm việc tại công ty may không được giải quyết, không được đền bù một cách thỏa đáng thì có quyền khiếu nại, khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, để yêu cầu đơn vị quản lý, trông giữ đền bù một cách hợp lý nhất”, luật sư Khuyên nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ cháy gần 500 xe máy của công nhân ở Nam Định: Căn cứ bồi thường thế nào?