Formosa chính là thủ phạm gây ra vụ cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung và công ty này đã buộc phải thừa nhận sai phạm và chấp nhận bồi thường 500 triệu USD.
Rồi đây, chắc chắn việc vi phạm luật bảo vệ môi trường của Formosa sẽ phải xử lý theo pháp luật.
Theo lời cổ nhân trước khi trách người hãy tự trách mình trước đã. Mình ở đây là Bộ Tài nguyên - Môi trường. Trách nhiệm giám sát của Bộ chuyên ngành này đối với bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường. Thật quá ngạc nhiên khi nghe Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời rằng Bộ ông không có lỗi mà lỗi là do Luật Bảo vệ môi trường có lỗ hổng nên để xảy ra tình trạng không có sự giám sát đối với quá trình vận hành thử nghiệm xả thải của Formosa.
Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra vụ cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung
Bộ trưởng dẫn giải theo Quy chuẩn quốc gia có 2 quy chuẩn: Quy chuẩn 40 đối với nước thải công nghiệp. Trên thực tế Quy chuẩn 40 có kiểm soát nhiều thông số hơn. Còn Quy chuẩn 52 kiểm soát nước thải đối với ngành công nghiệp gang thép, ở phạm vi 12 thông số, tức là yêu cầu thấp hơn và một số thông số như kim loại nặng … thì chưa kiểm soát. Bộ trưởng thừa nhận về mặt quy chuẩn, ngay từ đầu ta chưa tiên lượng được đối với ngành công nghiệp gang thép với lượng nước thải lớn, cần phải tính toán xây dựng như thế nào cho hợp lý và phải bao quát được các thông số nhưng Quy chuẩn 52 không thể bao quát được. Như vậy phải áp dụng đồng thời cả Quy chuẩn 40 và 52 mới đúng.
Bạn đọc đặt câu hỏi ai là người soạn thảo Dự án Luật Bảo vệ môi trường? Xin thưa chính là Bộ Tài nguyên - Môi trường. Và cũng chính Thứ trưởng Bộ này ký giấy phép cho Fomorsa xây lắp đường ống ngầm khổng lồ xả thải ra biển. Ông Phó cấp phép nhưng ông Trưởng lại khẳng định không được cho phép xả thải xuống biển. “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” người dân biết tin ai? Rồi đang điều tra nguyên nhân cá chết, một quan chức của bộ này gợi mở nguyên nhân có thể do thủy triều đỏ làm lệch hướng điều tra.
Thực chất của vấn đề Fomorsa lại ở khâu giám sát nguồn nước thải sinh hóa từ sản xuất bao gồm nhiều chất độc hại như xyanua, phenol và các kim loại nặng đã bị “buông”, bị lãng quên để Formosa tự tung tự tác trong giai đoạn chạy thử. Formosa cứ vô tư xả thải chất độc xuống biển mà không có cơ quan nào của Bộ hay của tỉnh giám sát .
Môi trường biển và ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế còn phải chịu cái giá quá đắt vì “lỗ hổng chết người” này với hệ lụy không thể tính bằng tiền. Mà thực ra người ta đã tổng kiểm tra thiệt hại đâu. Cả 4 tỉnh đều án binh bất động chờ Chính phủ. Thông tin cho biết mới chỉ có Quảng Bình bắt đầu động thái này mấy ngày sau khi có việc Formosa chấp nhận bồi thường 500 triệu USD. Khoản đền bù 11.500 tỷ đã được Thủ tướng quyết định dành phần lớn cho người dân các tỉnh này. Tuy nhiên nếu hôm nay có tiền về, các tỉnh cũng bó tay không biết chi cho dân thế nào?
Sự cố cá chết hàng loạt xảy ra, câu hỏi của dư luận và người dân địa phương được đặt ra đó là trách nhiệm của chính quyền Hà Tĩnh như thế nào trong việc doanh nghiệp ngang nhiên xả thải độc hại xuống biển?
Trả lời những vấn đề này lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đổ thừa rằng dự án Formosa là dự án lớn, đã được tất cả các bộ, ngành tham gia và nhiều việc vượt ra ngoài khả năng của Hà Tĩnh.
Lãnh đạo tỉnh này đã vào cuộc quá chậm chạp. Tỉnh cũng không tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn thành tra đầu tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc. Ai cũng biết việc ông trưởng đoàn phải thở hắt ra mà thốt lên rằng đây là DN có yếu tố nước ngoài chúng tôi không vào được!? Ô hay, đất có Thổ công, sông có Hà Bá, vậy Thổ công, Hà bá Hà Tĩnh ở đâu mà không giúp thanh tra hoạt động?
Nôn nóng phát triển, hình như Hà Tĩnh đã “chọn thép mà không chọn tôm cá” nên đã quá ưu ái Formosa dẫn đến bỏ qua nhiều sai phạm của doanh nghiệp này. Cái giá phải trả với tỉnh này là quá đắt. Rồi đây việc xé rào ưu ái Formosa sẽ được làm rõ trách nhiệm của cá nhân tập thể, người đứng đầu.
“Hậu Fomorsa” còn rất nhiều việc phải làm, nhất là ở 4 tỉnh miền Trung. Việc cần làm ngay bây giờ là điều tra cụ thể tổn thất thiệt hại, có phương án “cứu” ngư dân chuyển nghề, đổi nghề, vươn khơi bám biển, sử dụng minh bạch, hiệu quả khoản tiền bồi thường, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống cho bà con và cùng các cơ quan khoa học tiến hành cứu biển!