Vụ án gây rối trật tự tại trạm BOT-QL6 Hòa Bình: Bản án của sự khoan hồng

Minh Khang| 18/08/2017 18:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thấy được sự ăn năn và hối hận của các bị cáo, tòa phúc thẩm đã cho hưởng án treo để làm lại cuộc đời…

Ngày 8-8/2017, TAND tỉnh Hòa Bình với thẩm phán Nguyễn Thị Đoàn làm chủ tọa, đã đưa ra xét xử và tuyên án phiên tòa phúc thẩm vụ án Gây rối trật tự công cộng tại trạm thu phí BOT-QL6 Hòa Lạc-Hòa Bình, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Tại phiên tòa phúc thẩm cũng như phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo: Nguyễn Thanh Trì, Nguyễn Quang Thử, Nguyễn Xuân Lâm, Đỗ Văn Lép (tức Đỗ Văn Lâm) và Nguyễn Hoàng Tùng đều khai nhận lúc 8 giờ 00 phút 07-8-2016 đã có hành vi cản trở gia thông, không cho các phương tiện lưu thông qua trạm thu phí của Công ty TNHH BOT-QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình đặt tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình Các bị cáo đã nhiều lần tập trung cùng với rất đông người tại trạm thu phí này để cản trở hoạt động thu phí giao thông theo đúng quy định và pháp luật của trạm.

Tranh tụng tại phiên tòa, 2 luật sư bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Thanh Trì đã đưa ra một số luận điểm, luận cứ để bào chữa cho hành vi Gây rối trật tự công cộng của bị cáo Nguyễn Thanh Trì, bị cáo Trì bị cáo buộc là người đứng đầu, xúi giục các bị cáo khác và người dân xung quanh gây cản trở hoạt động bình thường của trạm thu phí, gây ách tách giao thông. Tuy nhiên, những lý lẽ này của luật sư thiếu tính thuyết phục và không đủ cơ sở để bác lại lời buộc tội của viện kiểm sát.

Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định: Căn cứ vào các chính sách quản lý về hoạt động của các trạm thu phí BOT, Trạm thu phí BOT-QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình có quyền sử dụng hợp pháp trạm thu phí và các công trình phục vụ việc thu phí và quản lý trạm. Mặc dù vậy, các bị cáo dưới sự xúi giục của một số người, bất chấp pháp luật, cho rằng diện tích đất này chưa được cấp phép, nên đã cố tình cản trở các phương tiện giao thông lưu thông qua trạm và gây rối hoạt động thu phí tại trạm. Hành vi nêu trên của các bị cáo đã cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điểm, c, khoản 2 – Điều 46, Điều 33, Điều 53, của Bộ luật hình sự, đối với bị cáo Nguyễn Thanh Trì;  Áp dụng điểm c, khoản 2 Điều 245, điểm b, p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 20, Điều 33, Điều 47 của Bộ luật Hình sự, đối với bị cáo Nguyễn Quang Thử; Áp dụng điểm c, khoản 2 Điều 245, điểm b,p khoản 1 Điều 46, Điều 47, Điều 20, Điều 53 và Điều 60 của Bộ luật Hình sự, đối với bị cáo Nguyễn Xuân Lâm, Đỗ Văn Lép, Nguyễn Hoàng Tùng. Do đó, bản án sơ thẩm tuyên bố 5 bị cáo trên phạm tội Gây rối trật tự công cộng là có căn cứ và đúng pháp luật.

Vụ án gây rối trật tự tại trạm BOT-QL6 Hòa Bình: Bản án của sự khoan hồng

Các bị cáo đang trả lời hội đồng xét xử

Về hành vi Gây rối trật tự công cộng, tòa cấp phúc thẩm cho rằng: Các bị cáo không chỉ một lần mà rất nhiều lần đến trạm thu phí BOT-QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình để cùng hàng chục người khác cản trở các phương tiện giao thông và hoạt động bình thường, đúng pháp luật của trạm thu phí.

Trước đó, vào khoảng 08 giờ 00 phút ngày 07/08/2016, bị cáo Nguyễn Thanh Trì, sinh năm 1957; Nguyễn Xuân Lâm, sinh năm 1975; Nguyễn Quang Thử sinh năm 1971; Nguyễn Hoàng Tùng, sinh năm 1982, đều có HKTT: Tiểu khu 3, TT Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; Đỗ Văn Lép (tức Đỗ Văn Lâm), sinh năm 1969, HKTT: Xõm Kẽm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và nhiều người dân ở Tiểu khu 1-2-3 – TT Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, và các xã lân cận gồm xã Tân Vinh, Trương Sơn, Lâm Sơn – huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã kéo đến trạm thu phí BOT QL6, yêu cầu gặp lãnh đạo Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc-Hòa Bình để giải quyết quyền lợi cho người dân địa phương. Tuy nhiên, lúc này tại Trạm thu phí chỉ có ông Đậu Sỹ Hùng là Trạm phó, là người trực ca nên đã trả lời người dân không có thẩm quyền giải quyết. Nguyễn Thanh Trì cùng số đông người dân vẫn yêu cầu được gặp lãnh đạo Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình để giải quyết những khúc mắc của người dân. Ông Đậu Sỹ Hùng có giải thích với người dân “Hôm nay không có lãnh đạo ở đây do bà con không có hẹn trước. Nghe vậy, Nguyễn Thanh Trì nói với người dân “Xe bà con bị chặn ở trạm không cho đi, con khóc mẹ mới cho bú” và bảo người dân đi ra đường. Sau đó, Nguyễn Thanh Trì đi từ nhà điều hành ra làn đường dành cho xe máy, đi sau gồm Nguyễn Xuân Lâm, Nguyễn Quang Thử, Nguyễn Hoàng Tùng, Đỗ Văn Lép và nhiều người dân nữa...

Hành vi này của các bị cáo đã gây mất trật tự trị an xã hội, gây thiệt hại cho hoạt động thu phí của Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình, gây ách tắc giao thông... Do đó, tòa cấp sơ thẩm kết tội 5 bị cáo phạm tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245-BLHS là có cơ sở pháp lý và đúng quy định pháp luật.

Dường như thấu hiểu sự cố gắng làm người lương thiện của bị cáo Nguyễn Thanh Trì và Nguyễn Quang Thử và các bị cáo khác, cả đại diện VKS lẫn HĐXX đều đặt ra nhiều câu hỏi theo hướng có lợi, giảm nhẹ cho các bị cáo. Đại diện VKS phân tích: Tòa sơ thẩm phạt bị cáo Trì 24 tháng tù giam, Nguyễn Quang Thử 18 tháng tù giam và các bị cáo khác cho hưởng án treo là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi phạm tội và khi đứng trước tòa, các bị cáo đã thành khẩn nhận tội, nhận rõ hành vi sai trái của mình, đang bị bệnh hiểm nghèo, có con nhỏ và đã bồi thường những thiệt hại gây ra cho Công ty TNHH BOT-QL6 Hòa Lạc- Hòa Bình. Trong thời gian bị giam, các bị cáo đã biết hối lỗi, nỗ lực hướng thiện. 

Trên cơ sở đó và căn cứ vào đơn kháng cáo xin giảm án của các bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định chấp nhận một phần đơn kháng cáo của các bị cáo. Theo đó, bị cáo Nguyễn Quang Thử bị tuyên 18 tháng tù treo về tội Gây rối trật tự công cộng (Mức án sơ thẩm là 18 tháng tù giam). Bị cáo Nguyễn Thanh Trì bị tuyên 24 tháng tù treo về tội gây rối trật tự công cộng (Mức án sơ thẩm là 24 tháng tù giam).

3 bị cáo còn lại đều không có đơn kháng cáo nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án gây rối trật tự tại trạm BOT-QL6 Hòa Bình: Bản án của sự khoan hồng