Vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Số liệu giám định đảm bảo công bằng

Mạnh Hùng| 01/12/2021 19:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước việc các luật sư bào chữa và nhiều bị cáo nêu băn khoăn về việc kết luận giám định cũng như hậu quả thiệt hại vụ án sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đại diện Viện Kiểm sát đã đưa ra đối đáp.

cao-toc-dn-qn-vks.jpg
Đại diện VKS tại phiên toà xét xử

Ngày 1/12, phiên toà xét xử 36 bị cáo trong vụ án sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bước sang ngày làm việc thứ 8, tiếp tục được diễn ra ở phần tranh luận.

Theo đó, trong phiên toà xét xử ngày hôm nay, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã đưa ra quan điểm đối đáp đối với các luật sư.

Số liệu giám định đảm bảo công bằng

Một vấn đề được nhiều luật sư trình bày là việc ban hành kết luận giám định có đảm bảo nội dung, hình thức? Nữ kiểm sát viên cho hay, việc thực hiện đó theo Luật giám định tư pháp. Những người tham gia giám định gồm các tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư… có đầy đủ chứng chỉ thí nghiệm.

Trong Luật giám định tư pháp không có ban hành kiểu mẫu, ban hành kết quả giám định nên cơ quan giám định đã thực hiện đúng yêu cầu, được thể hiện trong đề cương giám định tư pháp, trình cơ quan trưng cầu giám định và cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Đại diện Viện Kiểm sát cũng cho hay, khi đào hố, khoan ở các đoạn đường thực hiện giám định, các giám định viên đã thực hiện theo quy trình, quy phạm.

76984309-7e5d-4b4c-8c65-8c779c807afa.jpeg
Một góc phiên toà xét xử

Trước băn khoăn về việc đoạn đường đưa vào khai thác sau đó mới giám định có khách quan, cơ quan công tố cho hay, thời điểm giám định là tháng 4/2019. Đoạn từ km 00 đến km 65 đã đưa vào khai thác ngày 2/8/2017 là khoảng 1 năm 7 tháng. "Đo độ modum đàn hồi không thay đổi, các số liệu về bề dày, chỉ tiêu cơ lý, các lớp kết cấu thay đổi không đáng kể… Do đó các số liệu giám định là đảm bảo công bằng", nữ kiểm sát viên nêu quan điểm.

Mặt khác, việc xác định hậu quả thiệt hại, cơ quan tố tụng đã xác định giá trị lớp vật liệu không đảm bảo thi công theo tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra trong dự án này.

Các bị cáo và luật sư cho rằng, không có cơ quan chuyên môn nào đánh giá thiệt hại. Viện Kiểm sát thấy, việc truy tố các bị cáo theo Điều 224, khoản 3, nổi lên nhất là việc thi công, nghiệm thu và đã vi phạm.

Quyết định 581 về thi công dự án cũng đã nêu rõ: Quá trình thi công xây dựng, VEC phải kiểm tra, nghiệm thu chất lượng tại hiện trường trước khi sử dụng công trình.

Phải kiểm tra ngay khi đang thi công, đến khi hoàn thành. Khi chưa được kiểm tra, chấp nhận nghiệm thu của đơn vị giám sát thi công xây dựng, của chủ đầu tư, nhà thầu không được thi công công trình tiếp theo… đại diện Viện Kiểm sát cho hay: "Chỉ được phép đưa bộ phận công trình, hạng mục công trình sau khi thi hành nghiệm thu xong vào sử dụng". Như vậy các quy định pháp luật đều quy định nghiệm thu phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.

56374920-7928-473f-9bc8-821f3c99a4d9.jpeg
Các bị cáo tại phiên toà

Gói thầu chưa hoàn thành vẫn nghiệm thu

Trong dự án này, đoạn đường 65km chủ đầu tư đã thanh toán với giá trị 12.000 tỉ, song cơ quan tố tụng xác định trên cơ sở kết luận giám định, xác định các hạng mục không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, công trình không được nghiệm thu thì không được thanh toán. Việc thanh toán hơn 811 tỉ đã gây hậu quả. Như vậy cơ quan tố tụng đã sử dụng các hạng mục không đảm bảo chất lượng và các hạng mục này là nguyên nhân dẫn đến hậu quả thiệt hại. Điều này thể hiện hành vi đó đã trái quy định Luật Xây dựng và văn bản của dự án này sử dụng để thi công.

Luật sư của đại diện Tổng Công ty Sông Đà nêu ý kiến, VEC thanh toán cho các hạng mục không đảm bảo số tiền 811 tỉ, nếu cộng lên thì số tiền sẽ hơn rất nhiều.

Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, cơ quan công tố không thực hiện việc cộng cơ học như vậy. Số tiền quy kết cho các bị cáo chỉ là giá trị các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng xảy ra trong quá trình các bị cáo thực hiện thi công, quản lý thực hiện dự án này, đại diện Viện Kiểm sát nêu: "Chính vì thế, cáo trạng mới cáo buộc bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, cựu Phó Tổng Giám đốc VEC và đồng phạm chịu trách nhiệm hơn 420 tỉ; Bị cáo Lê Quang Hào, cựu Phó Tổng Giám đốc VEC và đồng phạm chịu trách nhiệm gần 390 tỉ".

b81afbc2-ea4f-4b34-ac30-0c9905816b50.jpeg
Các bị cáo được tại ngoại trong vụ án

Trong dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, với tư cách Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở, bị cáo Hùng phải tổ chức nghiệm thu rồi mới chuyển sang giai đoạn thi công tiếp theo. Quá trình nghiệm thu như vậy thì mới biết được những gì còn tồn tại. Còn nếu không nghiệm thu được thì cũng phải tổ chức nghiệm thu. Song, bị cáo vẫn cho thi công, đắp lên các lớp tiếp theo. Điều này là trái quy định.

Trong khi đó, bị cáo còn ký đại diện cho VEC về việc hoàn thành giai đoạn 1 dự án (ngày 18/4/2018) đánh giá công trình đảm bảo chất lượng, Đây là hành vi cố ý, biết là sai, không đúng vẫn tiến hành nghiệm thu, trái quy định.

Đối với bị cáo Lê Quang Hào, Viện Kiểm sát nhận thấy, quá trình nghiệm thu cơ sở có thấy 5/7 gói thầu chưa hoàn thành vẫn nghiệm thu. Thực tế các gói thầu này đều không đảm bảo chất lượng.

Song khi báo cáo lên Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, bị cáo đã không nêu lên những tồn tại đó, cho nên không đánh giá được thiệt hại, hỏng hóc của các đoạn thi công.

Đặc biệt, trong thời gian phụ trách dự án, bị cáo Hào đã cho chuyển đổi thi công từ lớp VTO sang Novachip và đã không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, đại diện Viện Kiểm sát nêu: "Điều này cho thấy bị cáo có vi phạm".

Phiên toà sẽ tiếp tục được làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (2/12/2021).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Số liệu giám định đảm bảo công bằng