Vụ án buôn lậu gỗ ở Quảng Trị: Hồ sơ nhập khẩu lô hàng bị làm giả

Mai Thoa| 08/11/2022 20:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuối giờ chiều 8/11, sau phần thảo luận về công tác tư pháp, lãnh đạo các cơ quan tư pháp đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung đại biểu nêu.

081120220456-z3864493341769_2eb38e3ea0b398ff7d208bef7a46659b.jpg

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy các đại biểu cơ bản đồng tình nhận định với đánh giá của báo cáo nhất là những kết quả đạt được, đông thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế giải pháp nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, Bộ Công an với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo và là cơ quan thực thi công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, trong năm 2022, những biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đã đặt ra yêu cầu nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, phức tạp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Mặc dù tình hình tội phạm vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, có lúc, có nơi Nhân dân còn lo lắng, bất an nhưng nhìn chung tổng thể Việt Nam là đất nước an ninh, an toàn so với mặt bằng chung trên thế giới. Có được kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cơ quan trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan tư pháp, nhất là lực lượng Công an nhân dân.

Trong phần phát biểu của mình, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu về nhiều nội dung trong Báo cáo công tác của ngành. Cụ thể là: vấn đề nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hành chính, tăng cường hiệu quả việc triển khai các phiên tòa trực tuyến, việc hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ, giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, nâng cao chất lượng xét xử...

Hồ sơ liên quan đến lô hàng bị làm giả

Liên quan đến một số ý kiến đề nghị cung cấp thông tin về vụ án Công ty Ngọc Hưng trong vụ án buôn lậu gỗ ở Quảng Trị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết đã thông tin vụ việc rất nhiều lần.

Trên cơ sở hồ sơ của cơ quan điều tra Bộ Công an, VKSNDTC và kết quả xét xử của phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm tại Đà Nẵng, Chánh án sẽ thông tin thêm lần nữa.

081120220452-chanh-an-nguyen-hoa-binh.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thông tin về vụ án buôn lậu gỗ ở Quảng Trị.

Chánh án cho biết, theo quy định của pháp luật, trước khi thụ lý vụ án thì các Thẩm phán, kể cả Chánh án TANDTC không được phát biểu quan điểm của mình về vụ án trước khi tuyên án.

Công ty Ngọc Hưng nhập một lô hàng trên hồ sơ là 535 khối (làm tròn) vào Việt Nam, gỗ có xuất xứ từ Lào, sau đó bán cho phía Hồng Kông toàn bộ lô gỗ này. Quá trình xuất, nhập khẩu cơ quan chống buôn lậu Hải quan phát hiện có vấn đề, nên đã bắt giữ lô hàng này và chuyển giao cho cơ quan điều tra Bộ Công an. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tiến hành điều tra rất lâu và chuyển hồ sơ vụ việc sang VKSNDTC. Sau đó, VKSNDTC đã ban hành quyết định truy tố về Tội buôn lậu.

Lý do CQĐT Bộ Công an và VKSNDTC truy tố về tội buôn lậu, bởi vì toàn bộ hồ sơ nhập khẩu của lô hàng này đều là giả mạo: Hợp đồng giả, công ty bán gỗ bên Lào không có thật, chữ ký, vận đơn đều được làm giả; 3 giấy kiểm dịch thực vật thì được phía Lào cấp cho hai công ty khác, không phải cấp cho công ty Ngọc Hưng…

Để làm rõ thêm vấn đề này, VKSNDTC đã nhờ sự hỗ trợ tương trợ tư pháp hình sự phía VKSNDTC Lào và cơ quan này cũng khẳng định là Công ty này không có thật. Trên cơ sở đó, Bộ Công an và VKSNDTC kết luận là toàn bộ lô hàng này là hàng buôn lậu.

Vụ án đã qua hai cấp xét xử, căn cứ việc khai báo tại tòa và hồ sơ khai là 535 khối nhập khẩu nhưng hồ sơ giám định là 614 khối, chênh lệch là 78 khối. Tòa án cấp phúc thẩm tuyên là buôn lậu phần không khai báo là 78 khối. Không đồng tình với bản án của Tòa án, VKSNDTC đã kháng nghị yêu cầu phải tăng nặng hình phạt, với lý do công ty có hành vi buôn lậu toàn lô chứ không phải buôn lậu 78 khối.

Phía Công ty Ngọc Hưng và ông Trương Huy Liệu sau đó có đơn kêu oan, đề nghị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm với lý do cơ quan giám định là một Viện của Bộ Nông nghiệp ở Đà Nẵng giám định, không đủ tư cách pháp nhân và không đúng phương pháp. Tuy nhiên, trong đơn, Công ty Ngọc Hưng hoàn toàn không nói đến hành vi làm hồ sơ giả. Trong khi Cơ quan điều tra đã chứng minh hồ sơ nhập khẩu là giả mạo. Thậm chí, Hồ sơ xuất khẩu cho công ty ở Hồng Kông cũng là hồ sơ giả, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Về Kết luận giám định số 783 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật hiện đang có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, Bộ Công an, VKSNDTC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tư cách là cơ quan quản lý của Viện này và Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp đều khẳng định là đúng. Vụ án sẽ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, Chánh án TANDTC cho biết.

Không có căn cứ kháng nghị

Phát biểu sau đó, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết thêm, đây là vụ án kéo dài 11 năm và các cơ quan chức năng đã tốn nhiều công sức, thời gian để thu thập chứng cứ và để có căn cứ, có cơ sở để kết luận điều tra, truy tố và xét xử đến nay đã qua 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

081120220423-le-minh-tri.jpg
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trong phiên họp chiều nay 8/11.

Theo Viện trưởng VKSNDTC, quá trình điều tra, xác minh của vụ án thì các cơ quan chức năng có một số sai phạm, tuy nhiên đã được phát hiện, xử lý và đang xử lý theo quy định của pháp luật. Những sai phạm này không làm thay đổi hành vi buôn lậu nhưng thiếu trách nhiệm của các bị can, bị cáo trong vụ án.

Còn về ý kiến của UBTP về kết quả giám định của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, VKSNDTC đã có báo cáo dài 8 trang gửi UBTP ngày 3/11.

Theo Viện trưởng VKSNDTC, kết quả giám định của Viện sinh thái là một trong những chứng cứ buộc tội chứ không phải là chứng cứ quyết định. Bởi vì ngoại trừ kết luận giám định ra thì còn có lời khai của 8 lái xe liên quan đến hành vi buôn lậu gom gỗ từ Lào về, việc làm hồ sơ giả; lời khai của 3 đại diện của nhà máy chế biến gỗ của Lào và kết quả giám định hồ sơ, chữ ký, con dấu và sự mâu thuẫn trong 3 giấy kiểm dịch thực vật. Đặc biệt, những lời khai của Trương Huy Liệu, Trần Thị Dung và 3 bị can khác trong quá trình xét hỏi cũng đã thừa nhận vấn đề này.

Căn cứ hồ sơ vụ án, Viện trưởng VKSNDTC cho biết, ông thấy chưa có cơ sở và căn cứ kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm các bản án này. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC có thẩm quyền kháng nghị vụ án theo thủ tục trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án buôn lậu gỗ ở Quảng Trị: Hồ sơ nhập khẩu lô hàng bị làm giả