Vỡ nát tình anh em vì những bản di chúc

Theo Tâm Lụa/Tuổi trẻ| 19/12/2016 07:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Di nguyện cuối cùng của người mẹ trước khi qua đời là tài sản bà để lại được chia đều cho các con để mấy anh em sống với nhau hòa thuận.

Có lẽ bản thân bà cũng không thể ngờ khối tài sản mình chắt chiu cả đời lại là khởi nguồn để các con tranh giành lẫn nhau.

Mất 2/3 thời gian của phiên tòa, hội đồng xét xử ra sức khuyên nhủ các đương sự nên thỏa thuận để giữ tình cảm gia đình. Đó là phiên xét xử vụ tranh chấp di sản thừa kế được TAND TP.HCM mở một ngày đầu tháng 12.

Tài sản là căn nhà ngay tại trung tâm thành phố đã được định giá hơn 15 tỉ đồng. Ông mất năm 1992, bà mất năm 2012. Họ có 9 người con chung. Căn nhà do người con trai út quản lý.

Họ bảo ngay sau khi người mẹ qua đời thì mấy anh chị em đã nảy sinh tranh chấp. Vì không phân chia được, một người chị trong 9 anh chị em đã khởi kiện em trai út ra tòa.

Vỡ nát tình anh em vì những bản di chúc

Vỡ nát tình thâm

Trình bày trước tòa, nguyên đơn nói trước khi qua đời, cha bà không để lại di chúc nên bà đề nghị tòa chia theo pháp luật nửa căn nhà là tài sản của ông. Mẹ bà trước khi qua đời đã lập di chúc năm 2008 tại một phòng công chứng ở Đồng Nai.

Di chúc thể hiện người đã khuất chia đều căn nhà cho 9 người con. Bà đã đề nghị người em út thực hiện di chúc nhưng em không chịu. Vì vậy bà đề nghị tòa chia nhà theo di chúc.

“Tôi không biết gì về di chúc năm 2008. Năm 2005, má tôi đã lập di chúc tại UBND phường nơi tôi cư trú, trong đó má để lại một nửa căn nhà cho tôi làm nơi thờ cúng.

Năm 2000, má tôi cũng có di chúc viết tay nói phần nhà của chồng thì chia theo pháp luật, phần của bà chia thì cho con trai út. Di chúc này có xác nhận của 4 người bà con” - bị đơn trình bày.

“Tôi không biết hai bản di chúc năm 2000 và 2005, đề nghị tòa chỉ công nhận di chúc năm 2008 vì nó được lập hợp pháp” - nguyên đơn, người anh trai cả và mấy người cháu (thừa kế của người con đã mất) đứng về một phía, đồng loạt trả lời khi được tòa hỏi.

Vị chủ tọa thuyết phục nguyên đơn: “Bà có nên chia sẻ với em trai không? Các anh chị mỗi người nhường nhau một chút thêm phần cho bị đơn. Nếu thỏa thuận được thì tòa công nhận. Án phí hòa giải sẽ thấp hơn án phí xét xử, thi hành án cũng nhanh hơn. Nhưng cái lợi lớn hơn là tình cảm chị em, dù có sứt mẻ nhưng đừng để vỡ nát”.

Nguyên đơn bảo muốn căn nhà được chia đều 9 phần. Tuy nhiên nếu được chia ít hơn 1/9 một chút, bà cũng đồng ý vì tình cảm chị em là quan trọng.

Tòa hỏi: “Căn nhà 15 tỉ đồng chia làm 9 phần, mỗi người sẽ được gần 1,7 tỉ đồng. Vậy mỗi người sẽ bớt phần mình cho bị đơn bao nhiêu?”.

Hỏi một lượt các đồng thừa kế, nguyên đơn nhất trí mỗi người sẽ bớt 100 triệu đồng, 8 người được 800 triệu đồng để đưa cho bị đơn.

Theo phương án này thì ngoài khoản chia nhà gần 1,7 tỉ đồng, bị đơn còn được thêm 800 triệu đồng. Thuyết phục được các đương sự nhưng có lúc họ lại tỏ ra chần chừ nên tòa cho nghỉ 15 phút để các bên bàn bạc với nhau...

Bao nhiêu cho vừa?

Vị luật sư khuyên nguyên đơn: “Giờ hòa giải thành, cho bị đơn 100 triệu đồng nhưng sẽ được lấy tiền sớm.

Nếu xét xử thì còn phúc thẩm, giám đốc thẩm, phải đi thưa kiện mấy năm nữa cũng chưa xong. Rồi còn phí luật sư, án phí xét xử ai cũng phải chịu, phí thi hành án. Cộng các khoản ấy lại chắc chắn hơn 100 triệu đồng...”.

Nguyên đơn nghe vậy thì có vẻ đồng tình. Lúc sau bà lại bảo: “Hay mỗi người cho nó 50 triệu đồng thôi?”. Luật sư nói: “Giờ nó đang ở trong nhà, trực tiếp quản lý tài sản. Nó nắm đằng cán, em nắm đằng lưỡi, có quay cán dao thì em đứt tay”... Nguyên đơn gật đầu đồng ý.

Sau khi bàn bạc, phía nguyên đơn đều đồng ý với phương án như thỏa thuận nhưng bị đơn lại bất ngờ phản đối.

“Căn nhà trị giá 15 tỉ đồng, tôi muốn được hưởng 5 tỉ đồng, 10 tỉ còn lại chia cho 8 người” - bị đơn trình bày. Đại diện viện kiểm sát bảo: “Đó là phương án hòa giải, nếu xét xử thì chưa chắc anh được phần nhiều như thỏa thuận”.

Sau mọi lời khuyên nhủ của tòa, của luật sư, bị đơn vẫn cương quyết: “Tôi là người phụng dưỡng má từ khi má còn khỏe cho đến khi má qua đời. Tôi lấy tài sản theo ý nguyện của má chứ không phải của tôi”.

Trước khi tòa tiếp tục, đại diện viện kiểm sát hỏi nguyên đơn nếu xét xử thì bà và các anh em có đồng ý cho bị đơn 800 triệu nữa không? Nguyên đơn cương quyết: “Hòa giải mới cho, xét xử thì nhất định không cho”.

Ý nguyện dở dang...

Luật sư của bị đơn nêu rất nhiều căn cứ để cho rằng di chúc năm 2008 không có giá trị: thời điểm đó chứng minh nhân dân của người mẹ đã hết thời hiệu, người mẹ không biết chữ tại sao có tên bà cuối bản di chúc kèm dấu lăn tay, năm 2007 bị đơn đã thế chấp giấy tờ nhà cho người quen để vay tiền, người mẹ lấy đâu ra giấy tờ nhà để làm di chúc?

Bị đơn cho rằng di chúc năm 2008 là giả mạo nên đề nghị tòa công nhận di chúc năm 2005.

Pháp luật đã có quy định một người để lại nhiều bản di chúc với cùng một tài sản thì bản di chúc sau cùng có hiệu lực. Tòa nhận định di chúc năm 2008 có đầy đủ tính pháp lý, có người làm chứng ký tên, thể hiện nguyện vọng của người đã khuất.

Vì vậy căn nhà bị tuyên phát mãi bán đấu giá để chia đều cho 9 người con. Mỗi người được 1/9 giá trị tài sản, cũng phải chịu hơn 60 triệu đồng tiền án phí.

Bị đơn nghe tuyên án liền bảo sẽ kháng cáo trong 3 ngày rồi rời phòng xử. Mấy người cháu nói với theo: “Tham thì thâm, 2,5 tỉ đồng không muốn giờ còn có 1,5 tỉ”.

Nguyên đơn thắng kiện mà cả gia đình họ không ai cười nổi. Bà kể đã tự nguyện chịu tiền định giá tài sản, phí ủy thác tư pháp mất gần 100 triệu đồng. Cộng cả án phí, phí thi hành án, phí thuê luật sư đã mất hơn 300 triệu đồng. Nếu anh em thỏa thuận được với nhau, họ đâu mất đi số tiền ấy.

Rồi bà kể em trai đã ép mẹ phải làm di chúc để lại nhà cho mình. Năm 2008, trong một lần về Đồng Nai thăm con gái, bà đã âm thầm đi làm lại di chúc và giấu kín không nói với ai.

Sự thật thế nào chỉ người trong cuộc mới hiểu. Nhưng có một sự thật mà ai cũng biết là trong cả 3 bản di chúc, dẫu ý chí về tài sản khác nhau nhưng người mẹ đều thể hiện mong muốn các con mình sống hòa thuận, không ai tranh chấp với ai.

Tiếc thay, di nguyện ấy của người đã khuất mãi mãi không thể trở thành sự thật!

Căn nhà đang tranh chấp hiện gia đình người anh trai cả và bị đơn đang sinh sống. “Không có điều kiện phải ở chung chứ bức bối lắm!” - người anh cả bảo. Ông kể có lần bị đơn rủ rê: “Anh về phe em, em đòi được nửa căn nhà em chia cho anh”.

Nghe thế ông bảo: “Sao tao lại về phe mày? Tao chỉ đứng giữa. Má có chia nhiều hơn tao cũng không lấy vì anh em ai cũng vất vả như nhau. Đều là con do má sinh ra mà sao mày cứ muốn được chia phần nhiều?”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vỡ nát tình anh em vì những bản di chúc