Vừa qua, Bộ TT&TT đã tổ chức họp về phương án thúc đẩy việc sử dụng văn bản điện tử và chỉ đạo điều hành trên mạng. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã chủ trì buổi họp và đại diện cho VNPT có Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Huỳnh Quang Liêm tham dự.
Các đại biểu tham dự đã báo cáo tình hình hệ thống quản lý văn bản và điều hành (e-Office) của VNPT mới được triển khai tại Bộ TT&TT từ ngày 1/1/2018.
Theo đánh giá của các đại biểu, hệ thống đang hoạt động tốt và việc sử dụng chung một giải pháp duy nhất trên toàn quốc đối với các cơ quan nhà nước là một quyết định đúng đắn, ít tốn kém không chỉ riêng với Bộ TT&TT, góp phần xóa bỏ những khó khăn về kết nối, liên thông sau này. Tuy nhiên trong quá trình mới triển khai cũng phát sinh một số vướng mắc, trục trặc không tránh khỏi.
Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Quang Liêm thay mặt Tập đoàn đã trực tiếp giải đáp, tháo gỡ các vấn đề phát sinh và cam kết VNPT sẽ tiếp tục hoàn thiện giải pháp để đáp ứng các yêu cầu từ phía Bộ TT&TT.
Tổng đài tìm kiếm cứu nạn 112 sẽ được thử nghiệm vào cuối 2018
Triển khai đề án Tổ chức thông tin liên lạc khẩn cấp dùng chung cho các tình huống tìm kiếm, cứu nạn theo Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 04/2/2016, Tổng Công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net) thuộc Tập đoàn VNPT vừa có buổi làm việc với các cơ quan quản lý liên quan để thống nhất lộ trình triển khai đề án.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đặt ra các yêu cầu mới trong đề án 112
Ngay từ khi triển khai đề án, các đơn vi thuộc VNPT đã phối hợp với Cục Viễnthông và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để tìm hiểu quy mô, quy trình điều hành tìm kiếm cứu nạn hiện hành cũng như nghiên cứu xây dựng phương án kỹ thuật nhằm đảm bảo tất cả người dân, tổ chức với các công cụ thông tin liên lạc hiện tại đều có thể kết nối tới số 112 để báo tin. Tháng 6/2016, VNPT-Net đã hoàn thành phương án kỹ thuật cho đề án 112.
Đến nay, tiếp nhận các yêu cầu mới của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn qua cuộc họp ngày 6/1/2018, các bên thống nhất tiếp tục phối hợp xây dựng quy trình, quy mô, hoàn thiện lại phương án kỹ thuật và từng bước triển khai dự án. Dự kiến vào cuối năm 2018, sẽ tiến hành thử nghiệm tại Hà Nội và Tp.HCM. Hiện, VNPT-Net cũng đã nghiên cứu các công nghệ, xây dựng phương án kỹ thuật về mô hình hệ thống sẵn sàng triển khai hệ thống khi đề án được Chính phủ phê duyệt.
VNPT mở rộng hệ thống truyền dẫn liên tỉnh khu vực miền Trung
Sau một thời gian nghiên cứu cùng với sự tham góp của các nhà thầu, VNPT nhận thấy cần thiết phải mở hệ thống truyền dẫn liên tỉnh khu vực miền Trung. Dự án với tổng đầu tư khoảng 121 tỷ đồng sẽ mở rộng cơ sở hạ tầng đảm bảo cho các hệ thống chuyển mạch, truyền số liệu và các mạng khác phát triển.
Hệ thống sử dụng bước sóng tốc độ 100Gb/s, cấu hình Mesh, chuyển mạch bảo vệ tự động ASON/GMPLS trên lớp OTN (Layer 1) với dung lượng tăng thêm 410 Gb/s, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao FTTH theo định hướng của VNPT, đồng thời đảm bảo chất lượng dịch vụ trên mạng lưới cho 13 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung gồm: Đà Nẵng, Bình Định, Đắc Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Huế, Khánh Hòa, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị.