Không chỉ đóng góp lớn vào kết quả ứng dụng IPv6 chung của Việt Nam, VNPT còn là doanh nghiệp tiên phong thực hiện chuyển đổi IPv6 cho mạng 4G LTE.
Đó là nhận định của ông Trần Minh Tân - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Phó trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia tại buổi làm việc mới đây với VNPT về tình hình và kết quả triển khai IPv6.
Góp 63% trong tổng kết quả ứng dụng IPv6 của Việt Nam
Dựa trên kế hoạch triển khai của cơ quan quản lý, Tập đoàn VNPT đã nhanh chóng ban hành Quyết định về nguyên tắc và kế hoạch triển khai IPv6 giai đoạn 2016 - 2020. Cho đến nay, toàn bộ hạ tầng mạng IP, kết nối trong nước, kết nối quốc tế CDN (Google Cache, Facebook Cache…) đều đã sẵn sàng phục vụ lưu lượng IPv6. Tất cả các kết nối internet trong nước, quốc tế và tất cả các hệ thống CDN đã được kích hoạt IPv6.
Từ cuối năm 2016 đến nay, VNPT đã cung cấp dịch vụ IPv6 cho các thuê bao FiberVNN. Thực hiện đúng kế hoạch đã đặt ra trước đó, VNPT tiếp tục mở rộng cung cấp dịch vụ cho các thuê bao băng rộng và hiện tổng số thuê bao FTTH của VNPT online vào giờ cao điểm sử dụng IPv6 lên tới hơn 2,7 triệu thuê bao. VNPT hiện cũng đã sẵn sàng hạ tầng cung cấp dịch vụ IPv6 cho các khách hàng sử dụng dịch vụ internet Leasedline và IP transit trên toàn quốc. Trong số 85 khách hàng doanh nghiệp sử dụng IPv6 của VNPT có nhiều doanh nghiệp lớn như VNPT Data, Hanel, SCTV, Tổng công ty MobiFone, Cục Tin học Ngân hàng nhà nước, Cục Bưu điện TW…
Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia làm việc với VNPT vào chiều ngày 14/11/2018.
Tổng lưu lượng IPv6 trao đổi ra quốc tế của VNPT hiện đạt khoảng 456 Gbps, tỷ lệ lưu lượng IPv6 so với IPv4 khoảng 35%. Tổng dung lượng các kênh kết nối quốc tế đã kích hoạt IPv6 đạt khoảng 2.775 Gbps. Tổng dung lượng IPv6 trong nước đạt 2.412 Gbps bao gồm lưu lượng peering và lưu lượng IPv6 của các hệ thống CDN.
Theo Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam trong thời gian qua tiếp tục có bước tăng trưởng tốt. Trong 10 tháng đầu năm, tỉ lệ IPv6 Việt Nam đã tăng từ 10% lên 21% (theo số liệu của Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương - APNIC), giúp Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 7 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (sau Ấn Độ, Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan và Canada). Việt Nam đã vượt qua Australia và New Zealand để lên vị trí thứ 20 trên toàn thế giới (theo công bố của APNIC), với hơn 11.000.000 người sử dụng IPv6 (số liệu thống kê của Cisco).
Theo Ban công tác, VNPT là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào kết quả triển khai IPv6 của Việt Nam, với tỷ lệ gần 63%. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của 2 đơn vị khác cũng đang tích cực triển khai chuyển đổi IPv4/IPv6 là FPT Telecom và Viettel lần lượt là 26,1% và gần 11%.
Đơn vị tiên phong triển khai IPv6 cho mạng 4G
Tại buổi làm việc, ông Trần Minh Tân - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Phó trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đánh giá cao những kết quả VNPT đã đạt được. Ngoài việc nỗ lực mở rộng phạm vi triển khai cho dịch vụ FTTH, VNPT còn là đơn vị tiên phong của Việt Nam chuyển đổi IPv6 cho mạng di động 4G LTE.
Từ cuối năm 2016 đến nay VNPT đã thực hiện cấu hình kích hoạt IPv6 trên các phần tử mạng 4G LTE và chính thức cung cấp IPv6 cho thuê bao 4G. Tính đến tháng 10/2018, đã có khoảng 470.000 thuê bao di động 4G VinaPhone thường xuyên sử dụng IPv6.
Dự kiến trong nửa đầu năm 2019, VNPT sẽ thử nghiệm và hoàn thiện mô hình triển khai IPv6 only cho mạng di động và mạng băng rộng cố định. Nửa cuối năm 2019 sẽ lập kế hoạch triển khai chi tiết trên diện rộng. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục mở rộng triển khai cho các thuê bao FTTH, hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ cho 4 triệu thuê bao cáp quang và xây dựng các chính sác ưu đãi, khuyến khích khách hàng sử dụng phiên bản địa chỉ internet mới này.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, ông Trần Minh Tân đề nghị VNPT phấn đấu đến năm 2019 đạt tỷ lệ ứng dụng IPv6 là 50%, vươn lên đứng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ngang bằng với Ấn Độ, Mỹ.