Sáng 8/10, tại Hà Nội, VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011-2015.
Trong 5 năm, VKSND các cấp đã khởi tố 1.192 vụ án tham nhũng xảy ra nhiều trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, quản lý đất đai, đầu tư dự án. Cụ thể, đã khởi tố 16.963 vụ/19.352 bị can về sở hữu, trật tự quản lý kinh tế, chức vụ với thủ đoạn ngày càng tinh vi; khởi tố 114.712 vụ liên quan đến tội phạm trật tự, an toàn xã hội và 66.105 vụ về tội phạm ma túy… VKSND các cấp đã thụ lý thực hiện quyền công tố và kiểm sát điều tra 351.080 vụ/559.127 bị can, số vụ thụ lý năm sau cao hơn năm trước. VKS đã truy tố 291.234 vụ/521.488 bị can, tỷ lệ truy tố đúng người, đúng tội đạt 98% (nhiều đơn vị đạt 100%).
Lễ tổng kết 5 năm thực hiện mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm.
Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC Nguyễn Hải Phong cho biết, sau 5 năm thực hiện Kế hoạch về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011-2015, VKS các cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để nắm bắt tình hình tội phạm, đề ra các giải pháp… hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015; thực hiện vượt 4/4 chỉ tiêu cơ bản của Nghị quyết số 37/2012/QH13 Quốc hội; tình hình tội phạm bước đầu đã được kiềm chế; chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ngày càng tốt hơn.
Để đạt được kết quả đó, lãnh đạo VKSNDTC và VKS các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết hơn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình theo luật định nhằm chống oan sai và bỏ lọt tội phạm; tổ chức Ban chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm được kiện toàn từ VKSNDTC đến VKS cấp huyện…
Tại Hội nghị, các ý kiến đánh giá trong thời gian tới, tội phạm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm tính chất ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn hoạt động tội phạm tinh vi… Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2020, đề nghị Ban chỉ đạo cần chỉ đạo thường xuyên, liên tục đấu tranh phòng, chống tội phạm. Quan tâm đề xuất chế độ, chính sách, điều kiện làm việc cho lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm.