Sau 2 ngày tạm nghỉ, sáng nay (14/9), phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm tiếp tục được làm việc trở lại, bắt đầu với phần tranh luận.
Mở đầu phần tranh luận, vị đại diện Viện KSND đã đưa ra quan điểm luận tội. Theo đó, trong quá trình hoạt động, tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc huy động tiền gửi, chi lãi ngoài hợp đồng cho khách hàng.
Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trong thời gian được PVN cử sang Oceanbank tham gia quản lý với chức vụ Tổng Giám đốc, đồng thời là người đại diện phần góp vốn của PVN tại Oceanbank, đã lợi dụng vị thế của PVN là đối tác chiến lược có lượng tiền gửi lớn, với mục đích, động cơ cá nhân, bị cáo Sơn đã lạm dụng chức vụ quyền hạn được giao để đưa ra yêu cầu của bị cáo Hà Văn Thắm về việc chi thêm tiền chăm sóc khách hàng ngoài lãi suất theo hợp đồng đối với tiền gửi của PVN và giao cho Sơn toàn bộ.
Vị đại diện Viện KSND xác định, Công ty BSC là công ty sân sau của bị cáo Hà Văn Thắm. Hoạt động của Công ty BSC được biến tướng để thu tiền của khách hàng. Số tiền thu được hơn 69 tỷ đồng đưa cho Nguyễn Xuân Sơn sử dụng. Hành vi đã lạm dụng chức vụ được giao đề ra chủ trương chi lãi ngoài…. Hành vi này của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Viện KSND cũng xác định, Sơn là người chủ mưu khởi xướng, mặc dù khai số tiền này chi quà lễ, Tết nhưng không có gì chứng minh, nên bị cáo Sơn phải chịu trách nhiệm về số tiền đã nhận là 69 tỷ đồng.
Với chức vụ là CT HĐQT của Ngân hàng Đại Dương, Hà Văn Thắm đã triển khai tích cực việc chi tiền lãi ngoài hợp đồng. Thắm được xác định giữ vai trò đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn.
Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn - Phó Tổng Giám đốc của Oceanbank giữ vai trò giúp sức tích cực cho Sơn và Thắm.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sáng nay
Bị cáo Nguyễn Minh Thu chỉ đạo khối nguồn vốn và các chi nhánh ký hơn 200 hợp đồng dịch vụ với Công ty BSC, để Thắm có tiền chi cho Sơn. Thu tiền ngoài hợp đồng là trái pháp luật. Bị cáo Thu được xác định giữ vai trò đồng phạm tích cực.
Bị cáo Phạm Hoàng Giang – cựu Tổng GĐ của BSC không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, bị cáo cho rằng làm đúng hợp đồng lao động, tuy nhiên VKS có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của Giang.
Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ cán bộ tại Oceanbank, không có trình độ, không điều hành, không có vốn góp nhưng được giao ký một số hợp đồng dịch vụ, trực tiếp ký 98 hợp đồng, giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt.
Về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo công tố, việc chi lãi ngoài của các bị cáo đã để lại hậu quả là tiền đề cho tham nhũng phát triển, hậu quả nghiêm trọng hơn là đánh mất niềm tin của người dân đối với các chính sách của Nhà nước và tổ chức tín dụng khi tiền huy động từ khách hàng lại rơi vào túi một số đối tượng.
Việc chi lãi ngoài gây thất thoát cho Oceanbank hơn 1.500 tỉ đồng, đẩy nợ xấu Oceanbank chiếm 84% tổng dư nợ, kết quả là Oceanbank bị NHNN mua lại với giá 0 đồng. Nhà nước phải gánh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho Oceanbank. Trong đó PVN mất 800 tỉ đồng vốn đã góp vào Oceanbank.
Phía VKS nhận định hành vi nêu trên của các bị cáo đã phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hà Văn Thắm là người đề ra chủ trương chi lãi ngoài nên phải chịu trách nhiệm về số tiền thất thoát của Oceanbank.
Trong số hơn 1.500 tỷ đồng, Oceanbank đã chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt 246 tỉ đồng. Hành vi của Nguyễn Xuân Sơn đã phạm vào tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Vì vậy Nguyễn Xuân Sơn phải liên đới chịu trách nhiệm về việc chi lãi ngoài hợp đồng.
Đối với tội tham ô 49 tỷ đồng, Viện Kiểm sát xác định, tổng số tiền Oceanbank chi lãi ngoài là hơn 1.576 tỷ đồng. Số tiền thuộc sở hữu của ngân hàng và nguồn sở hữu của cổ đông. Việc các bị cáo vi phạm pháp luật đã gây thiệt hại cho ngân hàng và cổ đông.
Trong số tiền thiệt hại có hơn 246 tỷ đồng được chi cho Nguyễn Xuân Sơn và bị Sơn chiếm đoạt. Trong số tiền 246 tỷ đồng này xác định tiền của PVN bị Sơn chiếm đoạt là 49 tỷ đồng theo tỉ lệ góp vốn.
Viện KSND luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo
Dù khi chiếm đoạt không còn là TGĐ Oceanbank, nhưng với cương vị Phó TGĐ PVN, Nguyễn Xuân Sơn chịu trách nhiệm quản lý nguồn tiền của PVN trong đó có nguồn tiền đầu tư vào Oceanbank. Sơn lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt 49 tỷ đồng. Hành vi của Sơn cấu thành tội Tham ô tài sản.
Hà Văn Thắm đã chi cho Sơn hơn 246 tỷ đồng để chi chăm sóc khách hàng của PVN nên hành vi của Thắm giúp sức cho Sơn chiếm đoạt số tiền trên.
Tại tòa, Sơn khai đưa cho Ninh Văn Quỳnh toàn bộ số tiền 246 tỷ đồng, nhưng ngoài lời khai không có tài liệu chứng minh. Quỳnh khai, nhận 20 tỷ đồng của Sơn với tư cách cá nhân.
Về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo VKS, các bị cáo đã thực hiện cho vay không đúng thủ tục, không đúng quy trình cho vay gây thiệt hại hơn 500 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi cho Ngân hàng Đại Dương.
Bị cáo Thắm biết rõ số tiền này để giúp Phạm Công Danh tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín chứ không phải để đầu tư vào tổ hợp thương mại ở Đà Nẵng.
Đối với bị cáo Hà Văn Thắm, do xuất phát từ động cơ cá nhân, chịu áp lực từ PVN, Thắm đã thực hiện chủ mưu khởi xướng việc chi lãi ngoài, hành vi của bị cáo rất tinh vi thông qua hoạt động kế toán. Thắm là người giúp sức cho Sơn thực hiện hành vi tham nhũng. Tại phiên tòa bị cáo không thành khẩn khai báo. VKS đề nghị một mức án nghiêm khắc đối với Thắm.
Đối với bị cáo Nguyễn Minh Thu, VKS cho rằng, bị cáo biết chi lãi ngoài là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện việc chi lãi ngoài theo chỉ đạo của Thắm và Sơn. Tại tòa và cơ quan điều tra, bị cáo ăn năn hối cải nên cần xem xét mức án đối với Thu.
Từ những phân tích trên, Viện KSND đề nghị HĐXX xử phạt các bị cáo mức án như sau:
1. Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank): 16-18 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; chung thân tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tử hình tội Tham ô tài sản. Tổng mức hình phạt bị đề nghị là tử hình.
2. Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank): 19-20 năm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 18-20 năm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; chung thân tội Tham ô. Tổng mức hình phạt bị đề nghị là chung thân.
3. Nguyễn Minh Thu (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank): 14-15 năm tù về Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 10-12 năm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng mức hình phạt bị đề nghị từ 24-27 năm.
4. Lê Thị Thu Thủy (cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank): đề nghị 11-12 năm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
5. Phạm Hoàng Giang (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BSC Việt Nam): đề nghị 8-9 năm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
6. Hoàng Thị Hồng Tứ (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BSC Việt Nam): đề nghị 30-36 tháng tù tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
7. Nguyễn Văn Hoàn (cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank): 10-12 năm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 10-12 năm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng mức hình phạt bị đề nghị là 20-24 năm.
8. Trần Văn Bình (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung): đề nghị 5-6 năm tù tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
9. Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ): đề nghị 17-18 năm tù tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
10. Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh): đề nghị 16-17 năm tù tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Với 41 bị cáo còn lại là các giám đốc khối, kế toán, giám đốc chi nhánh các tỉnh, giám đốc và phó giám đốc phòng giao dịch các tỉnh bị đề nghị từ 3-10 năm tù, 18-36 tháng treo.