VinaCapital đã hạ dự báo tăng trưởng GDP 1% xuống còn 6,5% trong năm 2022 do có nhiều cản trở đối với nền kinh tế Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, ông Michael Kokalari cho hay, giao tranh giữa Nga và Ukraine đã tạo ra làn sóng chấn động trên thị trường tài chính quốc tế, đồng thời có tác động đáng kể đến giá cả hàng hoá. Song, cuộc xung đột này lại ảnh hưởng không đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam.
Vị chuyên gia nhận định: "Rủi ro lớn nhất trước mắt là giá dầu và giá hàng hoá tăng cao có thể làm tăng lạm phát của Việt Nam lên 1-2 điểm phần trăm. Chúng tôi cũng lo ngại về giá trị đồng USD tăng đột ngột, có thể khiến VND mất giá 1-2% so với USD".
Nhìn chung, quan hệ kinh tế trực tiếp giữa Việt Nam và Nga tương đối nhỏ. Quan hệ thương mại song phương giữa hai nước chiếm chưa đến 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam (khoảng 3,2 tỷ USD). Bên cạnh đó, giai đoạn trước COVID-19, dưới 4% khách du lịch Nga đến Việt Nam.
Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 145 triệu phân bón từ Nga. Ước tính, con số này chưa đến 10% lượng phân bón được sử dụng tại Việt Nam. Trong khi đó, ngành phân bón của Việt Nam khá phát triển, với hai công ty niêm yết lớn là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau có tổng doanh thu gần 1 tỷ USD vào năm ngoái.
Ngoài ra, khoảng 10% lượng than nhập khẩu của Việt Nam là từ Nga. Đây là nhà cung cấp than lớn thứ 3 cho Việt Nam, sau Australia và Indonesia.
Mặc dù Việt Nam sản xuất một lượng đáng kể dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá, song vẫn là một quốc gia nhập khẩu ròng. Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, chi tiêu của người dân cũng sẽ chuyển từ hàng tiêu dùng sang xăng dầu. Báo cáo nhấn mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng phần nào đến tăng trưởng GDP trong năm nay.
VinaCapital ước tính, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt mức 6,5%, giảm 1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.