Việt Nam và năm APEC 2017

Lan Trần| 25/01/2017 08:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 được coi như một cơ hội vàng, một cú hích mang tầm chiến lược với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Năm APEC 2017 với nhiều kỳ vọng

Thành lập tháng 11/1989, Diễn đàn APEC đã trải qua 4 lần mở rộng thành viên và ngày nay hội tụ 21 nền kinh tế năng động nhất của châu Á - Thái Bình Dương. APEC hiện đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu. Trong thời gian qua, các thỏa thuận của APEC đã góp phần giảm gần 3 lần mức thuế quan trung bình ở khu vực và tăng 7 lần thương mại hàng hóa nội khối.

Kể từ khi trở thành thành viên của Diễn đàn APEC ngày 15/11/1998, Việt Nam đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong quá trình hợp tác với các thành viên APEC thông qua việc đưa ra các sáng kiến mới thuộc 3 trụ cột chính của APEC về tự do hoá thương mại, đầu tư; thuận lợi hoá thương mại và hợp tác kinh tế kỹ thuật. Việt Nam cũng đã có nhiều đóng góp thiết thực, nổi bật là đăng cai thành công Hội nghị cấp cao và các hoạt động APEC năm 2006, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực APEC lần thứ 14 tháng 9/2014, đề xuất và triển khai hơn 80 sáng kiến, dự án trên nhiều lĩnh vực hợp tác.

Hiện các thành viên của APEC đem lại 78% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 79% tổng giá trị thương mại quốc tế và 70% lượng khách du lịch đến Việt Nam. 13 trong 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán là đối tác của APEC. Theo đánh giá của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 được coi như một cơ hội vàng, một cú hích mang tầm chiến lược với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2017) có trọng tâm là Tuần lễ cấp cao tổ chức tại TP Đà Nẵng dự kiến trong tháng 11/2017 với sự tham dự của đại diện các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên. Tuần lễ cấp cao APEC 2017 có khoảng 10.000 người tham dự, trong đó có 2.000 đại biểu chính thức, 3.000 phóng viên báo chí, 5.000 nhà doanh nghiệp và các đại biểu không chính thức.

Quá trình hội nghị sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ song phương, đa phương của nguyên thủ một số nước với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và giữa đoàn tham dự APEC 2017.

Trên cương vị chủ nhà của Năm APEC 2017, phát biểu bế mạc Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 24 tại Peru hồi tháng 11/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Năm APEC 2017 là một ưu tiên đối ngoại hàng đầu của Việt Nam, thể hiện mong muốn của chúng tôi tích cực góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng”.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Chúng ta đang ở thời khắc then chốt trong một thế giới đầy biến động và một châu Á - Thái Bình Dương đang chuyển mình mạnh mẽ”.

Thời cơ và thách thức đặt ra chưa từng có. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc triển khai Chương trình nghị sự đến năm 2030 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tạo ra nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững, bao trùm và công bằng của nhân loại.

Tuy nhiên, sự trì trệ kéo dài của kinh tế thế giới, làn sóng mới của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa khủng bố, xung đột khu vực, biến đổi khí hậu gia tăng cùng các nguy cơ an ninh phi truyền thống khác ngày càng đan xen, phức tạp, gây nên nhiều hệ lụy sâu rộng đối với từng nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Việt Nam và năm APEC 2017

Khai mạc Hội thảo về các ưu tiên của năm APEC 2017

Hơn bao giờ hết, APEC cần tiếp tục chứng tỏ khả năng dẫn dắt và vai trò tiên phong, tạo động lực mới để xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và phát triển bền vững. Vì vậy, tôi đề nghị chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Các thành viên tham dự APEC lần thứ 24 cũng hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Việt Nam về chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, hướng ưu tiên cũng như kế hoạch tổ chức các hoạt động trong cả năm. Điều này phản ánh kỳ vọng chung của các thành viên cùng nỗ lực để năm 2017 sẽ tạo động lực mới giúp APEC lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và thương mại, mở rộng hợp tác sang những lĩnh vực mới và làm sâu rộng hơn liên kết khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển mới của các thành viên.

Ngày 2/12/2016, tại buổi gặp mặt giới thiệu về Năm APEC 2017 với các cơ quan đại diện các nền kinh tế thành viên APEC tại Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017 nói: “Trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững, toàn diện và công bằng cho nhân loại”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài, làn sóng mới của chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu… và hàng loạt các thách thức an ninh phi truyền thống khác đang tác động sâu rộng và đe dọa đến mọi nền kinh tế, doanh nghiệp và cá nhân trên toàn cầu. “Theo đó, chúng tôi vững tin rằng, APEC cần một "động lực mới" cho sự phát triển kinh tế và hội nhập. Điều này là rất quan trọng vì "tương lai chung" của chúng ta về hòa bình, ổn định, phát triển, hội nhập và thịnh vượng”, Thứ trưởng nói.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 được coi như một cơ hội vàng, một cú hích mang tầm chiến lược với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Lý do là APEC đang đóng góp 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu, với những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật. 12 trong số 21 nền kinh tế APEC cũng tham gia TPP.

Trong các Tuần lễ cấp cao APEC, bên cạnh cuộc gặp của các nguyên thủ - các nhà lãnh đạo chính trị, thì một sự kiện cũng rất quan trọng là cuộc gặp của các Tổng Giám đốc, lãnh đạo giới kinh doanh APEC. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định APEC 2017 tại Việt Nam, nhất là Hội nghị Thượng đỉnh APEC tổ chức tại Đà Nẵng, sẽ là sự kiện quảng bá có tầm quan trọng bậc nhất với doanh nghiệp nước ta.

Từ quan điểm như vậy, VCCI đề xuất tổ chức một số sự kiện đặc biệt, bên cạnh những sự kiện mang tính chất “khuôn mẫu” lâu nay như Hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC và Hội nghị thượng đỉnh các Tổng giám đốc doanh nghiệp APEC.

Sự kiện thứ nhất là Hội nghị về Doing Business Việt Nam, lấy cảm hứng từ bản báo cáo về môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới. “Tại sao Việt Nam?” sẽ là chủ đề của sự kiện này, với hàm ý tại sao Việt Nam nên được lựa chọn là nơi để đầu tư, kinh doanh.

Việt Nam và năm APEC 2017

Giải thích về sáng kiến tổ chức hội nghị này, Chủ tịch VCCI cho biết Việt Nam đang bước vào giai đoạn đổi mới mạnh mẽ với Chính phủ nhiệm kỳ mới, một chương trình cải cách đầy tham vọng đã được phát động, tinh thần phấn khích đầu tư kinh doanh đã được khơi dậy. Đây là thời điểm thích hợp để mời bạn bè quốc tế đến làm ăn tại Việt Nam, tận dụng cơ hội đang rộng mở với một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ, hành động.

“"Tận dụng “cơ hội vàng” từ APEC, sự kiện này sẽ được tiến hành như một chiến dịch tổng lực về xúc tiến thương mại và đầu tư của Việt Nam trong thế kỷ 21. Với thông điệp mạnh mẽ rằng dù có TPP hay không, có sớm hay muộn, thì Việt Nam cũng vẫn tiếp tục đổi mới, hội nhập và châu Á - Thái Bình Dương sẽ vẫn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam”, Chủ tịch VCCI bày tỏ. 

Sự kiện thứ hai, theo sáng kiến của VCCI là Diễn đàn Khởi nghiệp APEC sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM. Đây sẽ là nơi gặp gỡ của các nhà khởi nghiệp hàng đầu trong khu vực. VCCI đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ trong APEC về tổ chức các sự kiện này.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, các sự kiện nói trên trước hết sẽ là dịp để giới thiệu về quyết tâm đổi mới và hội nhập của Việt Nam, về đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng mà Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua.

Trong khi đó, ông Diego Garcia Gonzalez, Giám đốc Chương trình Phụ trách Hải quan, Ban Thư ký APEC quốc tế khi nói về cơ hội của Việt Nam là Chủ tịch tổ chức Năm APEC 2017 nhận xét: “Sau 20 năm gia nhập APEC, đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức APEC và là cơ hội để Việt Nam đưa ra ưu tiên của mình và học hỏi kinh nghiệm các nền kinh tế lớn sau 10 năm Việt Nam tổ chức lần thứ nhất”.

Rõ ràng Năm APEC 2017 sẽ mang đến cho cộng đồng doanh nghiệp Việt những cơ hội hiếm có, nhưng để nắm bắt và tận dụng tốt những cơ hội này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tích cực tham gia, đóng góp vào quá trình chuẩn bị và tổ chức các hoạt động APEC, qua đó quảng bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam thân thiện, đổi mới, phát triển năng động và tích cực hội nhập quốc tế.

Tất cả đã sẵn sàng cho APEC 2017

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trước những chuyển biến sâu sắc trên thế giới và xu thế liên kết ở khu vực và trong APEC ngày càng sâu rộng, việc tổ chức Năm APEC 2017 cần thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về châu Á - Thái Bình Dương đang chuyển biến mạnh mẽ và sự trưởng thành của đối ngoại đa phương nước ta.

Năm 2017, các hoạt động phong phú, đa dạng của APEC sẽ được tổ chức trên phạm vi cả nước, với các sự kiện quan trọng của APEC diễn ra tại Hà Nội, Hạ Long, Cần Thơ, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… Trọng tâm là Tuần lễ cấp cao tổ chức tại TP Đà Nẵng dự kiến trong tháng 11/2017.

Với tầm quan trọng của Năm APEC 2017, Việt Nam đã có công tác chuẩn bị từ rất sớm, khởi động ngay khi Hội nghị cấp cao APEC 2013 tại Indonesia thông qua chính thức việc Việt Nam sẽ đăng cai hội nghị này. Từ cuối năm 2013, đầu năm 2014 trở đi, nước ta đã có công tác liên ngành. Từ tháng 7/2015  đến nay, nước ta đã có Ủy ban quốc gia trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị Năm APEC 2017.

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017, trong Năm APEC 2017, Việt Nam sẽ tổ chức 200 hội nghị lớn, nhỏ, trong đó có 20 hội nghị cấp Bộ trưởng trở lên và một Tuần lễ cấp cao. Do vậy, theo Đại sứ, sự chuẩn bị phải thật chu đáo, trên khắp cả nước, từ Bắc vào Nam, vừa là quảng bá đất nước, vừa tạo cơ hội hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước, vừa để cho bạn bè tiếp cận, kết nối với doanh nghiệp và người dân.

Từ cuối tháng 7/2016, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, một số công trình như dự án trung tâm hội nghị, nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng đạt tiến độ đề ra. Tất cả các công việc từ đi lại, ăn ở, nghỉ ngơi, an ninh, y tế… của đại biểu đã được chuẩn bị hết sức công phu, chu đáo. Hạ tầng kỹ thuật nhiều tuyến đường được đầu tư nâng cấp, một số tuyến đường đã triển khai trồng cây xanh... Ban Tổ chức cũng đã khảo sát để dành 13.000 phòng tại các khách sạn, resort ven biển có tiêu chuẩn từ 4-5 sao phục vụ cho hoạt động này.

Mọi công tác chuẩn bị cho Năm APEC 2017 đã sẵn sàng để chào đón các vị khách quý đến với Việt Nam dự sự kiện Năm APEC 2017, như Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định tại APEC 24: “Việt Nam đã chuẩn bị về mọi mặt để năm 2017 là một thành công nữa của Diễn đàn APEC. Chúng tôi sẵn sàng chào đón các bạn đến với Việt Nam và tham dự các hoạt động tổ chức trải khắp đất nước”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam và năm APEC 2017