Theo số liệu từ Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương năm 2019, Việt Nam tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng công khai minh bạch ngân sách.
Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố Chỉ số Công khai ngân sách quốc gia (OBI) của Việt Nam và Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) năm 2019. Đây là lần thứ 7 chỉ số OBI được công bố trên toàn cầu và ở Việt Nam và là lần thứ 2 chỉ số MOBI được công bố.
Ảnh minh họa
Khảo sát công khai ngân sách (OBI) 2019 được đánh giá trên 3 trụ cột: Minh bạch, sự tham gia và giám sát ngân sách. Ở trụ cột công khai ngân sách, Việt Nam đạt 38 điểm trên tổng điểm 100, tăng 23 điểm so với kỳ đánh giá 2017.
Sự tăng điểm mạnh ở trụ cột công khai ngân sách đã góp phần giúp Việt Nam tăng 14 bậc và xếp thứ 77 trên 117 nước tham gia công khai minh bạch ngân sách.
Kết quả OBI 2019 cho thấy, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có nhiều cải cách về pháp luật và thể chế quản trị ngân sách theo hướng minh bạch hơn. Điều này đã góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về công khai thông tin quản lý và sử dụng nguồn lực công và để người dân có thể tham gia nhiều hơn vào thảo luận ngân sách.
Không những vậy, nhờ kết quả OBI 2019, Việt Nam lần đầu tiên được nhóm Chính phủ Mở quốc tế công nhận đủ điều kiện tham gia, từ đó nâng mức tín nhiệm và vị thế quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong xếp hạng MOBI 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thứ hạng cao nhất với 73 điểm. Đây là đơn vị đạt điểm cao nhất về tính đầy đủ và tính thuận tiện của 5 trên 6 loại tài liệu được công khai; đó là dự toán năm 2020, báo cáo tình hình thực hiện dự toán quý 1, 6 tháng, 9 tháng năm 2019 và quyết toán năm 2018.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, mới có 31 trên tổng số 44 Bộ, cơ quan Trung ương có điểm khảo sát của kỳ MOBI 2019, chiếm tỉ lệ 70%. Tuy tỷ lệ này cao hơn năm khảo sát MOBI 2018, nhưng cũng chứng tỏ còn rất nhiều dư địa cải cách nâng cao công khai minh bạch ngân sách ở các Bộ, cơ quan Trung ương.