Chiều 16/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông, phản bác những luận điệu sai trái của Trung Quốc và cung cấp những thông tin thực tiễn về tình hình trên thực địa hiện nay.
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc họp báo.
Phản bác các luận điểm thiếu căn cứ của Trung Quốc, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia nêu rõ: Việt Nam đã nỗ lực và thiện chí giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam gây ra, thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình nhưng Trung Quốc phản ứng thiếu tính xây dựng.
Trung Quốc không những không đáp ứng lại thiện chí của Việt Nam mà còn đưa ra các lời cáo buộc vô căn cứ, bóp méo sự thật, vu cáo Việt Nam đâm các tàu của Trung Quốc hơn 1.500 lần. Trung Quốc hoàn toàn không đưa ra bằng chứng thực sự nào về các cáo buộc thiếu căn cứ này. Trong khi đó, Việt Nam đã công bố nhiều bằng chứng dưới dạng băng hình, hình ảnh về hành động hung hăng và bạo lực của Trung Quốc như đâm va, bắn vòi rồng vào các tàu của Việt Nam , đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam và làm hàng chục người Việt Nam bị thương- ông Trần Duy Hải nhấn mạnh.
Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, ngay lập tức chấm dứt các hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, rút giàn khoan và các phương tiện khác khỏi vùng biển của Việt Nam và không tái diễn các hành động tương tự trong tương lai. Việt Nam tiếp tục yêu cầu Trung Quốc giải quyết tất cả các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982.
Trình bày phản bác một số nội dung sai trái do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẳng định: Trung Quốc đã dựa vào yêu sách “ đường lưỡi bò phi lý, mà cả thế giới đều không công nhận, để nói rằng 57 lô dầu khí của Việt Nam ở trong vùng biển tranh chấp, điều này là hoàn toàn không có cơ sở và không có giá trị. Trung Quốc đang cố tình, có chủ ý biến những vùng biển không có tranh chấp thành tranh chấp với các đòi hỏi phi lý. Thực tế khu vực này nằm hoàn toàn trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam .
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành các hoạt động phi pháp, vi phạm vùng biển của Việt Nam. Trong các lần vi phạm trước đây của Trung Quốc, Việt Nam đã phản đối qua đường ngoại giao, đấu tranh và tuyên truyền trên thực địa để Trung Quốc thấy rõ lẽ phải, không vi phạm vùng biển Việt Nam.
Thông báo về tình hình thực địa, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam cho biết: Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam không hề sử dụng lực lượng người nhái tại khu vực hiện trường. Về một số lưới đánh cá và một số vật trôi nổi Trung Quốc vớt được, nguyên nhân đây là vùng đánh cá truyền thống của Việt Nam khi ngư dân của Việt Nam tiến hành đánh bắt cá các tàu của Trung Quốc ngăn cản, đâm va và phun nước nên tàu cá Việt Nam buộc phải bỏ lưới, di chuyển tàu tránh sự truy cản của tàu Trung Quốc; tàu Trung Quốc đã tiến hành thu mất lưới của ngư dân Việt Nam. Những vật trôi nổi Trung Quốc vớt được trên biển là do tàu Trung Quốc đâm va vào các tàu của Việt Nam và sử dụng vòi rồng công suất lớn phun sang các tàu Việt Nam làm cho các tàu Việt Nam bị đâm vỡ và các vật này bị văng xuống biển. Phía Trung Quốc vớt lên coi là vật chứng là hoàn toàn sai sự thật.
Mặc dù các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động ngăn chặn, cản phá quyết liệt, sẵn sàng đâm va, phun nước; song lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì, kiềm chế, không mắc mưu khiêu khích, chủ động cơ động, vòng tránh trước hành động khiêu khích đâm va của các tàu Trung Quốc. Các tàu Việt Nam không phun nước và đâm vào các tàu bảo vệ, tàu cá của Trung Quốc, chỉ phát loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Thông báo thêm về tình hình hoạt động khai thác hải sản của ngư dân Việt Nam và thực thi pháp luật của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: Trên thực địa, các tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn tiếp tục kiềm chế chủ động tránh va chạm, nhưng kiên quyết, kiên trì các biện pháp hoà bình để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc phải rút khỏi vùng biển mà họ đang hoạt động trái phép; tiếp tục các hoạt động thực thi pháp luật trên biển, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư trường và hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển của Việt Nam.