Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm”, diễn ra ngày 14/1 tại Hà Nội.
Dựa trên thống kể của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), ô nhiễm không khí không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề bất ổn về kinh tế xã hội trên toàn cầu, đặc biệt là các thành phố lớn.
Ấn Độ điêu đứng khi ô nhiễm không khí cao hơn 50 lần mức độ cho phép; Thái Lan phải đóng cửa hơn 400 trường học… Tại Trung Quốc, ô nhiễm không khí từ khói bụi, trong đó có o-zon và các hạt mịn đã tiêu tốn 267 tỷ NDT (38 tỷ USD) mỗi năm.
Theo PGS.TS Đinh Đức Trường - Giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, mỗi năm Việt Nam có hàng chục nghìn người tử vong do ô nhiễm môi trường, 2/3 trong số đó tử vong do ô nhiễm không khí.
Riêng trong năm 2018, 71.000 người chịu tác động của ô nhiễm môi trường, trong đó 50.000 người tử vong vì ảnh hưởng bởi không khí độc hại. Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ở thời điểm này ước tính 10,82-16,63 tỷ USD, tương đương 240.000 tỷ đồng, chiếm 4,45-5,64% GDP cả nước.
Chất lượng không khí ở Hà Nội nhiều ngày ở mức báo động. Ảnh minh họa
Về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí từ góc nhìn kinh tế, ông Đinh Đức Trường cho rằng, có 3 nhóm chính. Đầu tiên đến từ việc sử dụng tài nguyên của nền kinh tế Việt Nam. Nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 90% năng lượng và không có nhiều thay đổi theo thời gian. Đặc biệt, tiêu thụ than ở Việt Nam trước đây chiếm 36% thì bây giờ ngày càng tăng.
Nguyên nhân thứ 2, Việt Nam cũng giống như các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, thường có sự chậm trễ tương đối trong các tiêu chuẩn môi trường. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tăng trưởng và ưu tiên gia tăng nguồn lực sản xuất, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, hệ lụy là đã có nhiều dự án trả giá đắt về ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân thứ 3 là thứ bậc thấp trong phân công lao động quốc tế. Hiện nay các nước đã phát triển chiếm vị trí cao trong chuỗi giá trị. Những hoạt động sản xuất chế biến, chế tạo gây ô nhiễm được đẩy về Việt Nam.
Từ thực trạng trên, các chuyên gia tại toạ đàm thống nhất quan điểm: Cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm các hoạt động gây ô nhiễm không khí.
PGS Đinh Đức Trường chỉ ra 4 nguồn thu chính có thể sử dụng để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, đó là: thuế carbon; phí ô nhiễm môi trường; trái phiếu môi trường và hợp tác công tư (PPP) - trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường. Các khoản thu này cần được sử dụng để chi cho giám sát và hệ thống xử lý vi phạm; đầu tư cho năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hỗ trợ đầu tư hạ tầng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh.
Đề xuất một số giải pháp tại toạ đàm, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đề xuất: Cần tăng cường hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách pháp luật ở Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quan trắc và kiểm kê nguồn thải, yêu cầu lắp đặt các hệ thống quan trắc trực tuyến, kết nối dữ liệu về sở, công khai thông tin quan trắc với 4 ngành nhiệt điện chạy than, sắt thép, xi măng, hoá chất…