Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa thực hiện một kỹ thuật khó khi ghép đồng thời gan và thận cho một bệnh nhân người Lào.
Ngày 25/12, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết các bác sĩ của Bệnh viện vừa thực hiện thành công một loạt ca mổ lấy - ghép đa tạng từ người hiến chết não, gồm tim, 2 phổi, gan, 2 thận. Trong đó có 2 ca ghép rất đặc biệt, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.
Ca thứ nhất là ghép 2 phổi đồng thời với mổ tim hở trên nền bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh (sửa tim - ghép phối).
Nữ bệnh nhân P.T.H. (30 tuổi) mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ lỗ lớn, phát hiện muộn nên bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối, không còn giải pháp điều trị. Bệnh nhân tiên lượng tử vong do suy chức năng tim - phổi nếu không được ghép tạng.
Theo Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đối với trường hợp này, có 2 phương án là khắc phục khuyết tật của tim bằng phẫu thuật tim hở đồng thì với ghép phổi (nếu chức năng của tim còn khá tốt) hoặc ghép đa tạng cả tim và phổi (nếu tim mất chức năng). Do chức năng tim của bệnh nhân H. khá tốt, nên được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật theo hướng thứ nhất.
Lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức ghép cùng lúc 2 tạng cho 1 người bệnh
Ca ghép đặc biệt thứ 2 là cho người bệnh M.S. (59 tuổi, quốc tịch Lào). Bệnh nhân vừa suy gan vừa suy thận, có chỉ định ghép 2 bộ phần này, có thể ghép từng tạng hoặc đồng thời.
Ngày 17/12 vừa qua, sau 12 giờ ghép (từ 8-20h), với sự tham gia của gần 100 chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng, ca ghép đã thành công, gan. Đây là lần đầu tiên bệnh viện triển khai kỹ thuật này và đặc biệt trong kíp mổ phải các bác sĩ vừa ghép gan vừa phải tiến hành lọc máu liên tục để hỗ trợ thận đã bị suy.
Hiện tại, các bệnh nhân được ghép tạng sức khỏe ổn định, chức năng dần phục hồi. Sau mổ, bệnh nhân không cần lọc máu, tỉnh táo, rút nội khí quản sau 3 ngày.
Ghép đồng thời gan - thận là một kỹ thuật khó trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi có đủ kinh nghiệm trong ghép gan và thận. Việc thay thế cũng lúc 2 tạng sẽ kéo dài thời gian phẫu thuật, sử dụng nhiều kỹ thuật phức tạp (như lọc máu liên tục trong mổ) và đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhóm phẫu thuật.
Thành công bước đầu của ca ghép (lần đầu tiên tại Việt Nam) càng chứng tỏ trình độ của ngành ghép tạng Việt Nam nói chung và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng đã đạt tầm cao mới, có thể sánh với các trung tâm ghép trạng trên thế giới.