Ngày 25/1, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, vừa thực hiện thành công kỹ thuật mở cơ qua nội soi đường miệng (peroral endoscopic myotomy - POEM) cho bệnh nhân bị co thắt tâm vị.
Đây cũng là cơ sở y tế đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công kỹ thuật mở cơ qua nội soi đường miệng.
Trước đó, nữ bệnh nhân 36 tuổi ở TP.HCM, bị nuốt nghẹn, nôn ói khi ăn cơm, uống nước, thường xuyên đau ngực sau xương ức kèm sụt cân nhanh. Khi tình trạng nuốt nghẹn và sụt cân xảy ra liên tục, người bệnh đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM và được chẩn đoán bị co thắt tâm vị.
Bệnh nhân đã được ê kíp bác sĩ thực hiện thành công mở cơ tâm vị qua nội soi đường miệng (POEM) để điều trị bệnh lý này. Lần tái khám tiếp theo, chị không còn nuốt nghẹn, đau ngực, viêm trào ngược dạ dày - thực quản. Có thể ăn uống bình thường, tăng cân, da dẻ hồng hào, tinh thần lạc quan.
Các bác sĩ tiến hành nội soi cho bệnh nhân
Bác sĩ Lê Quang Nhân - Trưởng Khoa Nội soi Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, co thắt tâm vị là một bệnh lý có tắc nghẽn đường thoát của thực quản liên quan đến tình trạng rối loạn vận động thực quản, khiến người bệnh gặp khó khăn về tiêu hóa.
Triệu chứng ở giai đoạn đầu, người bệnh thỉnh thoảng có cảm giác nặng ngực do bị viêm trào ngược dạ dày - thực quản, nuốt nghẹn với cả thức ăn đặc và lỏng, sau đó nuốt nghẹn tăng dần kèm theo nôn ói sau ăn uống. Người bệnh thường phải đứng hoặc ngồi nhiều giờ sau ăn để tránh tình trạng trên do thức ăn không thể đi xuống dạ dày như bình thường được, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ làm mất sức lao động và sụt cân.
“Hiện vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây co thắt tâm vị. Bệnh lý này phổ biến ở cả nam lẫn nữ đang có rối loạn lo âu. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh sẽ sụt cân, suy nhược cơ thể và mất sức lao động”, bác sĩ Nhân nói.
Cũng theo bác sĩ, trước đây, bệnh co thắt tâm vị được điều trị bằng phương pháp: nội soi nong tâm vị bằng bóng hoặc phẫu thuật Heller mở cơ tâm vị. Tuy nhiên, 2 phương pháp này có nguy cơ gây ra biến chứng cao.
Với việc ứng dụng kỹ thuật mới này, người bệnh không cần phải phẫu thuật, giảm thiểu rủi ro các biến chứng mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị như phẫu thuật.