Việt Nam kêu gọi công bằng và công lý trong ứng phó BĐKH, phát triển kinh tế xanh

PV| 01/11/2021 20:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam kêu gọi công bằng và công lý trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững. Phát triển xanh đòi hỏi sự hỗ trợ về công nghệ xanh, tài chính xanh từ các nước phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

viet-nam-keu-goi-cong-bang-cong-ly-trong-bdkh-phat-trien-kinh-te-xanh.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Sáng 1/11 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị đối thoại với Ngân hàng Standard Chartered, với hơn 300 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

Cuộc đối thoại với chủ đề “Kiến tạo tương lai thịnh vượng và bền vững thông qua đầu tư tư nhân” do Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sự quán Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh bên lề của Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26).

Cùng dự cuộc đối thoại có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Dưới sự chủ trì của ông Jose Vinals, Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered, Hội nghị thu hút hơn 300 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài là khách hàng của Standard Chartered và các doanh nghiệp là thành viên của Phòng thương mại Anh tại Việt Nam (Britcham). Các đại biểu tham dự trực tiếp tại sự kiện và thông qua hình thức họp trực tuyến.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích về các định hướng chính sách lớn của Việt Nam, chia sẻ về triển vọng môi trường đầu tư tại Việt Nam, mục tiêu của Việt Nam tại COP26 và kế hoạch phát triển bền vững; những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và định hướng phát triển bền vững.

Công bằng và công lý trong ứng phó BĐKH, phát triển kinh tế xanh

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam kiên định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam hiện đang tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư (đầu tư công, đẩy mạnh hợp tác công tư...), tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo hướng tăng quy mô, giảm đầu mối, tăng chất lượng; tái cơ cấu mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh...

Thủ tướng khẳng định, hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh là những vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng tới tất cả mọi người dân, do đó, cần cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân để giải quyết.

Theo Thủ tướng, trong nhiều vấn đề cấp bách mà thế giới phải đối mặt, Việt Nam là người đi sau, tuy có tiếp cận chậm hơn nhưng cũng có cơ hội của người đi sau nếu biết tranh thủ, học tập được kinh nghiệm từ những người đi trước, đồng thời tránh được những khó khăn mà người khác đã trải qua.

Liên quan tới biến đổi khí hậu, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên. Việt Nam có xuất phát điểm là một nước nghèo nàn, lạc hậu, trải qua nhiều cuộc chiến tranh và sau đó là cấm vận kéo dài, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam kêu gọi công bằng và công lý trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững. Phát triển xanh đòi hỏi sự hỗ trợ về công nghệ xanh, tài chính xanh từ các nước phát triển.

Trong điều kiện còn khó khăn, Việt Nam sẵn sàng cam kết mạnh mẽ về mục tiêu phát thải ròng, cắt giảm khí metan. Ông cho rằng, với cách tiếp cận bảo đảm công bằng và công lý của các nước phát triển, Việt Nam sẽ góp phần vào thành công chung của Hội nghị, cũng như thành công của Việt Nam trong phát triển bền vững.

Những cơ hội lớn tại Việt Nam

Phân tích về những cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng cũng cho biết, trong những tháng đầu năm 2021, Việt Nam vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn về thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu, năng lượng, lương thực-thực phẩm...

viet-nam-keu-goi-cong-bang-cong-ly-trong-bdkh-phat-trien-kinh-te-xanh1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao các biên bản ghi nhớ với tổng giá trị 8,5 tỷ USD cho 3 doanh nghiệp Việt Nam nhằm hỗ trợ các dự án phát triển bền vững

Thủ tướng nhấn mạnh một cơ hội khác của Việt Nam là yếu tố con người. Nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam cho rằng, con người là quyết định trong thu hút đầu tư. Việt Nam xác định con người vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Đặc biệt, tình hình càng khó khăn, phức tạp, người Việt Nam càng đoàn kết, nỗ lực để phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định và trưởng thành. “Chúng tôi không bao giờ hoang mang, lo sợ trước bất cứ kẻ thù, khó khăn nào, tất nhiên phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đối tác quốc tế trong xu thế hội nhập hiện nay”, Thủ tướng chia sẻ. Ông nhắc lại, từ tình thế vô cùng khó khăn, từ chỗ “làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập”, bình quân thu nhập bình quân đầu người chưa đến 100 USD, sau 35 năm đổi mới, đến nay Việt Nam đã có thu nhập bình quân đầu người đạt 3.500 USD.

Tại Hội nghị,Thủ tướng cũng chứng kiến lễ trao các biên bản ghi nhớ với tổng giá trị 8,5 tỷ USD cho 3 doanh nghiệp Việt Nam nhằm hỗ trợ các dự án phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam kêu gọi công bằng và công lý trong ứng phó BĐKH, phát triển kinh tế xanh