Thủ tướng sẽ tham dự Hội nghị COP26 tại Anh

Xuân Lan| 30/10/2021 15:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về bến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam sẽ thể hiện vị thế là một nước tích cực chủ động trong ứng phó BĐKH và có đóng góp cụ thể cho ứng phó với BĐKH toàn cầu.

thu-tuong-pham-minh-chinh-se-tham-du-cpop-26-tai-anh.jpg

Nhận lời mời của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Boris Johnson và Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về bến đổi khí hậu (COP 26).

Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng sẽ thăm làm việc tại Vương quốc Anh đến ngày 3/11, thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp từ ngày 3 - 5/11/2021.

COP 26 diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) từ 31/10 đến 12/11 và được kỳ vọng mở ra trang mới trong ứng phó với BĐKH. COP 26 là kỳ hội nghị đánh dấu 5 năm Thỏa thuận Paris được thông qua; năm 2021 cũng là năm đầu tiên Thỏa thuận Paris đi vào thực hiện.

Liên quan COP 26, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Phó Trưởng đoàn Đàm phán về BĐKH của Việt Nam cho biết, thế giới đã thông qua thỏa thuận Paris vào tháng 12/2015. Đây là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các nước trong vấn đề thích ứng BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tăng cường năng lực và cung cấp tài chính hỗ trợ cho ứng phó BĐKH toàn cầu.

Trước Thỏa thuận Paris, Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH được thông qua năm 1992, có hiệu lực từ năm 1994 và Nghị định thư Kyoto được thông qua năm 1997, có hiệu lực từ năm 2005. Tuy nhiên, những văn bản này mới chỉ ràng buộc trách nhiệm của các nước phát triển. Còn với những nước đang phát triển như Việt Nam, thời điểm đó chúng ta ứng phó với BĐKH toàn cầu theo tinh thần tự nguyện, tức là khi có nguồn lực, khi có lợi ích thì chúng ta thực hiện.

Khác các quy định trước đây, với Thỏa thuận Paris, tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, đây là ràng buộc pháp lý. Các nước có 5 năm chuẩn bị để cùng triển khai từ năm 2021. Tại Hội nghị COP 26 lần này, các quốc gia sẽ cùng kiểm điểm tất cả các kế hoạch, hành động từ năm 2015 đến nay xem còn thiếu gì về quy định cũng như nguồn lực để ứng phó BĐKH.

Theo ông Phạm Văn Tấn, COP 26 có ý nghĩa hết sức quan trọng vì 3 lý do. Thứ nhất là để rà soát lại việc chuẩn bị của các quốc gia, trong đó có bộ Quy tắc hướng dẫn thi hành Thỏa thuận Paris, để thực hiện từ 2021 trở đi. Thứ hai, COP 26 sẽ đánh giá nỗ lực của các quốc gia trong giảm nhẹ, thích ứng với BĐKH và cung cấp phương tiện thực hiện (tài chính, công nghệ, hỗ trợ, kinh nghiệm…). Thứ ba, đề ra phương hướng phục hồi sau những tác động của dịch bệnh COVID-19 theo hướng thích ứng với BĐKH, thân thiện với môi trường.

Về vị thế và mục tiêu của Việt Nam khi tham gia COP 26, ông Phạm Văn Tấn cho biết: Có thể nói rằng Việt Nam là một trong những nước rất tích cực, chủ động ứng phó với BĐKH. Ngay sau khi Thỏa thuận Paris được thông qua năm 2015, Chính phủ đã giao cho các bộ, các ngành chủ trì là Bộ TN&MT xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Do có sự chuẩn bị cho nên khi Chính phủ thông qua Nghị quyết về gia nhập Thỏa thuận Paris thì chúng ta cũng thông qua kế hoạch thực hiện Thỏa thuận này. Đây là điểm rất khác biệt của Việt Nam so với các nước khác, vì có kế hoạch thực hiện ngay khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực.

Bên cạnh đó, ngoài kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris từ năm 2016 đến năm 2030, Việt Nam đã đưa nội dung cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris vào trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2020. Trong Luật có 1 chương về ứng phó với BĐKH, chỉ rõ thích ứng với BĐKH phải làm gì, làm thế nào để thu hút nguồn lực xã hội và huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia và ứng phó BĐKH.

Đây cũng là điểm sáng thứ 2 của Việt Nam đối với việc thực hiện Thỏa thuận Paris.

Tại COP 26, chúng ta có thể khẳng định, Việt Nam là một trong các nước đang phát triển đầu tiên đưa quy định thực hiện Thỏa thuận Paris vào quy định pháp luật để toàn dân thực hiện.

Việt Nam tham dự COP 26 có đoàn cấp cao và đoàn kỹ thuật. Đối với đoàn cấp cao, Việt Nam sẽ thể hiện vị thế là một nước tích cực chủ động trong ứng phó BĐKH và có đóng góp cụ thể cho ứng phó với BĐKH toàn cầu.

Đối với cấp kỹ thuật, ông Phạm Văn Tấn cho biết thêm sẽ tập trung vào việc đóng góp, thảo luận để cùng với các quốc gia hoàn thiện và đi đến thống nhất ban hành Bộ quy tắc thi hành Thỏa thuận Paris. Đoàn kỹ thuật cũng sẽ mang đến các kinh nghiệm, chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong các hành động triển khai thích ứng BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Đánh gia cao Việt Nam, đồng thời kỳ vọng vào những chia sẻ của Việt Nam khi tham dự COP 26, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, ông Nitin Kapoor cho rằng, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang ý nghĩa quan trọng. Việt Nam có vị trí địa chính trị chiến lược với hệ sinh thái đa dạng sinh học, ông Nitin tin tưởng, nhiều đại biểu tham gia COP26 sẽ mong muốn được nghe và học hỏi từ Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về mục tiêu trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi hy vọng rằng sự tham dự và chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 sẽ nâng cao nhận thức của người dân về những cuộc đối thoại quan trọng này và truyền cảm hứng cho cộng đồng tại các địa phương thực hiện các sáng kiến mạnh mẽ hơn”, Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam bày tỏ.

Cũng theo ông Nitin, Việt Nam đã có những sáng kiến đột phá trong việc áp dụng và tận dụng năng lượng tái tạo trên cả nước, trở thành một điển hình hàng đầu ở Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Nhiều dãy tua-bin gió ở các vùng ven biển Bình Định, Ninh Thuận… đã đánh dấu một kỷ nguyên mới về sản xuất và tiêu thụ điện có ý thức hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng sẽ tham dự Hội nghị COP26 tại Anh