Việt Nam đã có chiến lược phòng chống kháng thuốc kháng sinh

Mai Thoa| 14/06/2017 15:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhóm các vấn đề liên quan đến y tế như: y đức, quản lý giá thuốc, kế hoạch cho tình trạng kháng thuốc nguy hiểm hiện nay… là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ngày 14/6.

7.000 cán bộ y tế bị xử lý kỷ luật

Các đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên); Nguyễn Chiến (Hà Nội); Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh); Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre); Dương Minh Ánh (Hà Nội);... chất vấn về giải pháp ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế; giải pháp cải cách thủ tục chuyển tuyến; giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở; giải pháp nâng cao chất lượng y đức, văn hóa ứng xử, phục vụ người bệnh của y bác sĩ; vấn đề đầu tư trang thiết bị vật tư, y tế; giá thuốc, sự chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương; giải pháp hạn chế ảnh hưởng do giá viện phí tăng đối với bệnh nhân nghèo; giải pháp ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, bán thuốc không theo đơn của bác sĩ dẫn tới kháng thuốc; trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp quản lý thực phẩm chức năng; giải pháp đẩy mạnh tự chủ bệnh viện;...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: “Con sâu làm rầu nồi canh, đâu đó vẫn còn có cán bộ y tế thái độ không tốt”.

Tuy nhiên, theo bà Tiến, thời gian qua, ngành Y tế đã đưa ra chương trình đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh với nhiều biện pháp, từ tuyên truyền, giáo dục, qua đường dây nóng, thùng thư góp ý, quay camera, tăng cường giám sát chuyên môn và có một thông tư xử phạt nghiêm minh.

Việt Nam đã có chiến lược phòng chống kháng thuốc kháng sinh

Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến

“Thời gian qua hơn 7.000 cán bộ y tế trong toàn ngành bị xử lý kỷ luật, từ khiển trách, cảnh cáo đến buộc rời khỏi ngành. Kèm theo đó là đổi mới cơ chế tài chính, nâng mức thu nhập cho các cán bộ y tế thông qua điều chỉnh giá dịch vụ trên cơ sở tính đúng, tính đủ...”, Bộ trưởng Y tế cho hay.

Về chất vấn liên quan đến kết luận kiểm toán, theo Bộ trưởng, do ngân sách không đủ nên đúng là có việc có một số bệnh viện đúng là mua máy chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, đó là do dùng công suất quá lớn, đặc biệt ở tuyến tỉnh.

Một số máy đắp chiếu, có thể do máy đang trong thời gian bảo hành, bảo trì. Hiệu quả chưa cao vì Việt Nam là nước có công suất sử dụng máy khá lớn. Chênh lệch giá cao, một loại thiết bị, cùng một hãng có thể chênh đến 6-7 lần. Kiểm toán có quyền kết luận, các cơ sở y tế không đồng thuận với kết luận này, bà Tiến nói.

Theo Bộ trưởng Y tế, trang thiết bị vật tư y tế có thể rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, cách đóng gói, đặc biệt là sử dụng. Ví dụ, kim cánh bướm mà các bệnh viện mua sử dụng. Nếu kim thông thường, Bệnh viện Việt Đức mua giá  6.000-7.000 đồng nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy mua với giá cao gấp 7 lần. Cùng là kim cánh bướm nhưng loại của Chợ Rẫy có khoá, van, đầu vát hơn tránh đau cho người ghép tạng. Tương tự, dây truyền dịch và các hóa chất khác, tên cơ bản giống nhau nhưng từng chức năng sử dụng khác nhau thì rất khác nhau về giá.

Trả lời chất vấn về việc tăng giá dịch vụ y tế thì chất lượng có tăng không, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: theo Nghị định 16 thì trong năm 2017 thì phải hoàn thành tính đúng, tính đủ về yếu tố đầu vào trực tiếp, nhưng đến năm 2017 chúng ta chưa thực hiện được do phải xem xét CPI để chống lạm phát. Khi giá tính đúng, tính đủ, thay vì người dân bù thêm giá chưa được tính thì được BHYT chi trả, người dân sẽ đỡ mất tiền túi. Giá tăng thì chất lượng phải tăng.

Theo thống kê chưa đầy đủ đơn vị trực thuộc Bộ từ khi tính lương vào giá, thì ngành y tế không đưa phụ cấp vào lương khoảng 10 nghìn tỷ, đó là chưa lấy chi phí tái đầu tư theo Quỹ phát triển trích lại. TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn, giai đoạn đầu báo cáo chưa đầy đủ cũng đã tiết kiệm được 1.000 tỷ đồng không phải cho ngành y tế. Đó cũng là lợi cho người dân, nhà nước và các cơ sở y tế.

Giá thuốc Việt Nam không cao so với thế giới

Trả lời câu hỏi giá thuốc Việt Nam có cao hơn thế giới hay không, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, với các văn bản quản lý Chính phủ và Bộ ban hành thời gian qua thì giá thuốc trên thị trường Việt Nam là ổn định, không tăng cao. Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra đánh giá độc lập là thuốc biệt dược và một số loại thuốc khác ở Việt Nam thấp hơn 10% so với trung bình 6 nước ASEAN…

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2011 đã khảo sát giá thuốc theo phương pháp của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy: Giá thuốc tên gốc trúng thầu ở Việt Nam ở mức thấp so với mặt bằng chung quốc tế và giá thuốc biệt dược trúng thầu ở Việt Nam ở khoảng trung bình so với số liệu quốc tế.

Hiện tại trên cả nước có 56 tỉnh, thành phố tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương và 44 bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu vào thời điểm khác nhau, điều kiện giao hàng, khoảng cách địa lý, số lượng mua sắm khác nhau… nên có một số trường hợp giá thuốc trúng thầu khác nhau giữa các cơ sở y tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tuy có chênh lệch giá trúng thầu ở một số trường hợp nhưng mức chênh lệch không lớn và đã được kiểm soát chặt chẽ, cụ thể: Tất cả giá thuốc kế hoạch đấu thầu đều không được vượt giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước và giá kê khai do Tổ Công tác liên ngành của Bộ Y tế - Bộ Tài chính – Bộ Công Thương rà soát chặt chẽ và công bố; Giá thuốc trúng thầu đã qua cạnh tranh và cũng không được vượt giá kê khai.

Các quy định mới về đấu thầu thuốc đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí tiền thuốc tại các gói thầu thuốc generic (loại thuốc đã hết thời hạn bảo hộ phát minh), tuy nhiên các thuốc biệt dược gốc, đặc biệt các thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ việc giảm giá chưa thực sự hiệu quả, mặc dù Bộ Y tế đã bổ sung quy định về đàm phán giá cấp quốc gia với các loại thuốc này nhưng đang trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện, rút kinh nghiệm và nhân rộng vì đây là cơ chế mới.

Theo bà Tiến, Bộ Y tế đang triển khai sửa đổi Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 trong đó sửa đổi quy định về việc đấu thầu mua các thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ có nhiều thuốc thuộc nhóm có tiêu chuẩn, kỹ thuật tương đương (Nhóm 1 – thuốc sản xuất tại châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc), đã đáp ứng nhu cầu điều trị theo hình thức đấu thầu rộng rãi với gói thầu thuốc generic.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 698 thuốc biệt dược gốc đã được công bố, trong đó có khoảng 477 thuốc đã hết thời hạn bảo hộ và đã có các thuốc generic được cấp phép lưu hành. Ước tính sơ bộ, nếu đấu thầu rộng rãi khoảng 100 thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền, đã có từ 3 số đăng ký thuốc generic thuộc nhóm có tiêu chuẩn, kỹ thuật tương đương sẽ tiết kiệm khoảng 10% trị giá tiền thuốc mua sắm của các cơ sở y tế. Dự kiến Thông tư quy định việc đấu thầu thuốc sửa đổi, bổ sung các nội dung nêu trên sẽ ban hành trong tháng 7/2017.

Lạm dụng kháng sinh kháng sinh và nỗi lo kháng thuốc được nhiều ĐB chất vấn. Bộ trưởng cho hay, hiện Bộ Y tế đã trình Chính phủ xây dựng chiến lược chống kháng thuốc kháng sinh. Việt Nam sẽ xung phong là một trong những nước thí điểm chương trình của y tế thế giới. Và với sự hỗ trợ của các tổ chức thế giới, Việt Nam cũng đã tham gia nhiều hoạt động và các chương trình kháng kháng sinh đã được các nước kể cả nhóm G7 đưa vào nội dung thực hiện. Trong thời gian tới sẽ cố gắng khắc phục tình trạng này bằng cách hạn chế kê đơn kháng sinh không cần thiết, hoặc đơn điện tử, bệnh án điện tử để kiểm soát vấn đề này.

Trước tình trạng lãng phí, gây phiền hà cho người dân khi phải đi xét nghiệm nhiều lần, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đã ban hành thông tư công nhận các xét nghiệm lẫn nhau của bệnh viện tuyến Trung ương và cấp tỉnh. Đến năm 2018 tất cả kết quả xét nghiệm ở các cấp sẽ được công nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đã có chiến lược phòng chống kháng thuốc kháng sinh