Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đưa việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc ra khỏi dự án Luật do đây là vấn đề mới và phức tạp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định rõ.
Sáng 26/11, tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri, nhân dân phường An Phú, quận Ninh Kiều, sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Cùng dự buổi tiếp xúc có ông Trần Quốc Trung -Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành uỷ, thành phố Cần Thơ; Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, cùng các thành viên trong Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ.
Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã báo cáo tóm tắt tới cử tri và nhân dân về kết quả Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.
Chủ tịch Quốc hội cho biết Kỳ họp thứ 6, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã thông tin những điểm mới, cũng như một số nội dung chủ yếu của 9 luật mà Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri phường An Phú bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng vào hoạt động Quốc hội nói chung, cho rằng tại Kỳ họp thứ 6, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được nâng lên, hoạt động lập pháp có nhiều tiến bộ.
Cử tri cũng đánh giá cao cách thức điều hành các phiên thảo luận, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với nhiều đổi mới, sáng tạo; tập trung bàn, quyết định, làm sáng tỏ hơn những vấn đề lớn mà cử tri quan tâm. Cử tri phường An Phú đồng tình, ủng hộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.
Có 11 ý kiến, kiến nghị của cử tri địa phương nêu các vấn đề về công tác phòng, chống tham nhũng, bảo hiểm y tế, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác đào tạo và đầu ra cho sinh viên đại học, vấn đề giáo dục, môi trường, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị
Cử tri cũng đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, cụ thể, trên tinh thần xây dựng với mong muốn thành phố Cần thơ và đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Cử tri tại phường An Phú tiếp tục đặc vấn đề làm sao để nâng cao đời sống của người dân đồng bằng sông cửu long, để không có sự chênh lệch quá lớn giữa người dân đồng bằng sông cửu long và các tỉnh khác; Giải pháp hạn chế tham nhũng trong xã hội bởi hiện nay tham nhũng đang tồn tại khắp nơi, khắp các ngành nghề; Làm thế nào để nâng cao dân trí hơn nữa của người dân đồng bằng sông cửu long.
Liên quan kiến nghị của Cử tri Nguyễn Ngọc Nga, phường An Phú, thành phố Cần Thơ về việc Làm sao Đảng và Nhà nước cần quan tâm và dành nguồn lực cho thành phố Cần Thơ phát triển tương xứng với nhiều thành phố trên cả nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Đây là vấn đề lãnh đạo thành phố và đại biểu Quốc hội thành phố Cần thơ hết sức quan tâm và kỳ họp nào cũng được đại biểu chất vấn các thành viên Chính Phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn cử tri cần có cái nhìn toàn diện hơn về sự phát triển của Cần Thơ trong những năm gần đây, Cần Thơ đã trở thành thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương. Đây là nỗ lực rất lớn của đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
“Cử tri cần nhìn vào mặt mạnh của thành phố. Nếu chúng ta so sánh với nhiều tỉnh thành trong cả nước thì thấy đời sống của người dân Cần Thơ đang từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, cơ sở hạ tầng từng bước phát triển, đang là thành phố năng động sánh vai với nhiều thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Đảng, Quốc hội và Chính phủ những năm gần đây luôn quan tâm và dành nguồn lực cho Cần Thơ. Vì vậy, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Cần Thơ cần đoàn kết để giải quyết những vấn đề đang là tồn tại của thành phố, giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nâng cao đời sống của người dân và đặc biệt người dân có thể sống và làm giàu từ nông nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.
Luật Phòng, chống tham nhũng được sửa đổi với nhiều điểm mới
Đối với việc Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đưa việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc ra khỏi dự án luật, dư luận còn nhiều ý kiến khác nhau. Làm rõ vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề cập thực tế cụ thể: nhiều bài báo đã gây sự hiểu lầm cho dư luận khi cho rằng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được thông qua còn lúng túng trong xử lý tài sản bất minh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đưa việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc ra khỏi dự án Luật do đây là vấn đề mới và phức tạp, vì thực tế tài sản, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức nói riêng và người dân nói chung trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, trong khi đó chúng ta chưa có biện pháp kiểm soát được tài sản, thu nhập của người dân kể cả công chức, viên chức. Nhưng không vì thế thế mà làm yếu đi mà tiếp tục thể hiện thái độ mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết: Lần này, Quốc hội đã sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng với rất nhiều điểm đổi mới quan trọng. Đó là đã mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực tư nhân. Nếu như Luật hiện hành chỉ là minh bạch về tài sản thu nhập thì lần này chuyển sang chế định kiểm soát, trong đó, hệ thống các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập được kiện toàn một bước chặt chẽ hơn, căn cơ hơn, qua đó việc xác minh tài sản thu nhập sẽ chặt chẽ hơn quy định hiện nay.
Cùng với đó, Luật cũng bổ sung quy định liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát thu nhập, bổ sung các nội dung khác bảo đảm tính đồng bộ và xử lý nghiêm trước pháp luật.
Rõ ràng, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã khắc phục những hạn chế, bất cập của 10 năm thực hiện luật phòng, chống tham nhũng, hoàn thiện một bước quan trọng về chế định kiểm soát tài sản thu nhập. Tất cả những đổi mới đó tiếp tục cụ thể hoá quan điểm của Đảng về chống tham nhũng như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Không bao giờ nhụt chí trong phòng, chống tham nhũng”.
Về việc Quốc hội thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội đã xem xét thận trọng, trên tinh thần xây dựng tổ chức bộ máy Bộ Công an tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng cường cho cơ sở theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” và đây là quan điểm xuyên suốt.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với ý kiến cử tri cho rằng mặc dù là vựa lúa nhưng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tại thành phố Cần Thơ nói riêng vẫn còn một bộ phận hộ nghèo.
Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ hiện nay, miền núi phía Bắc vẫn là vùng có nhiều khó khăn nhất cả nước. Đối với những vùng khó khăn, hộ nghèo, Nhà nước đã có chủ trương và từng địa phương đều có những giải pháp đặc thù.
Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện an sinh xã hội, bằng chính sách, Nhà nước có hai Chương trình mục tiêu Quốc gia là Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016- 2020 với những ưu tiên nguồn lực tập trung cho vùng lõi nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững một cách hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao ý kiến của cử tri phường An Phú cho rằng trong đóng bảo hiểm y tế, đối với những người đã tham gia đóng bảo hiểm y tế 5-7 năm nhưng không bị ốm đau để phải đến bệnh viện thì nên có chính sách cho người đó khám sức khỏe tổng quát. Chủ tịch Quốc hội cho biết khi sửa đổi Luật bảo hiểm y tế sẽ xem xét ý kiến này.