Khi ngược sông Hồng lên biên giới, qua nhiều đồn, trạm Biên phòng của Lào Cai, ở đâu tôi cũng bắt gặp dấu ấn của Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh BĐBP, Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Bằng sức lực và trí tuệ của mình, ông đã cùng đồng chí, đồng đội tạo nên nhiều thay đổi tích cực cho những bản làng nơi biên viễn xa xôi, khuất nẻo…
Đam mê áo lính
“Hơn 500 năm qua, các thế hệ người dân Giao Thủy quê tôi đã đổ bao mồ hôi nước mắt nối tiếp nhau quai đê lấn biển, khai hoang lập ấp để có được một vùng quê trù phú như hôm nay. Mùa tiếp mùa, dòng sông Hồng bắt nguồn từ biên giới mang phù sa về bồi tụ, để vùng đất ven biển Nam Định mỗi ngày một mở mang hướng ra phía biển. Nếu có dịp đến thăm Giao Phong quê tôi, mời các bạn đi trên con đê dài uốn lượn như cánh sóng để ngắm làng mạc, ruộng nương cùng những tháp chuông nhà thờ thanh tịnh, và ngắm lớp lớp sóng bạc đầu nối nhau đưa những cánh thuyền ra vào bến cát...”, bằng giọng nói trầm ấm, rủ rỉ như tâm tình, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh nói với tôi về miền đất tuổi thơ của mình như thế.
Quả thật, tôi đã có chút ngỡ ngàng bởi những câu nói đẹp như thơ ấy được nói ra từ tâm tư, tình cảm của một vị tướng có dáng vẻ bề ngoài như võ tướng. Song chợt hiểu, hình như người lính biên phòng nào cũng ẩn dấu phía sau vẻ bề ngoài thô nhám là một tâm hồn nhạy cảm trước cảnh vật non sông cẩm tú và một tấm lòng ấm áp, biết rung cảm trước bao cảnh đời thua thiệt chốn biên thùy. Hơn nữa, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh còn là một nhà giáo nên sức nghĩ, cách nói của anh chắc chắn sẽ có nhiều gợi mở hơn người khác cũng là lẽ đương nhiên.
Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh nhớ lại: “Hồi mới vào học tại Học viện Biên phòng, mình không có tham vọng sau này sẽ làm “người dẫn đầu” hay “chỉ huy” gì cả. Chỉ đơn giản mình là con nhà chài lưới ven biển, việc nặng nhọc đến mấy cũng đã từng làm qua, lại có thêm sức khỏe nên thường sốc vác nhận những việc nặng, việc khó để có thêm thành tích cho cả đại đội. Ngày đấy anh em học viên ai cũng nghèo, sống với nhau chan hòa, tình cảm và đầy tình đồng chí đồng đội, chia ngọt sẻ bùi nên khó khăn đến mấy cũng thấy vui. Bọn mình phấn đấu thi đua với nhau để cùng tiến bộ, và hẹn ước ra trường sẽ gặp nhau trên biên giới, được cống hiến cho đất nước và bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Niềm mơ ước ngày ấy chỉ giản dị vậy thôi”.
Cán bộ Bộ Tư lệnh BĐBP tặng hoa chúc mừng đồng chí Bùi Đức Hạnh (thứ 6 từ trái sang) được thăng quân hàm Thiếu tướng
Ảnh Lê Đồng
Nhưng phải mấy năm sau, niềm mơ ước của chàng sỹ quan trẻ Bùi Đức Hạnh mới được thực hiện. Chuyện là trong các khóa học, Ban Giám hiệu nhà trường luôn lưu ý lựa chọn những học viên có học lực xuất sắc và có năng lực truyền đạt để giữ lại trường làm giảng viên. Liên tục nhiều năm liền, Bùi Đức Hạnh luôn đạt loại giỏi, được bầu chiến sỹ thi đua 3 năm liên tục và được kết nạp Đảng và được giữ lại trường đào tạo thêm để trở thành giáo viên kế cận.
Năm 1982, Bùi Đức Hạnh được nhà trường cử đi thực tế tại tuyến biên giới Lạng Sơn. Là đảng viên trẻ, ông được điều về làm Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Mã. Thời gian này, tuyến biên giới phía Bắc còn nhiều căng thẳng và luôn tiểm ẩn những nguy cơ chống phá của đối phương. Nhân dân và chính quyền địa phương đã chuyển về tuyến sau, chỉ còn đồn biên phòng là bám trụ với từng cột mốc, đường biên. Vùng núi cao, vực sâu, thời tiết khắc nghiệt vốn đã thiếu thốn, khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi biên giới không còn bình yên như trước.
Tuy chỉ có một năm đi thực tế, song sự gắn bó, bám sát địa bàn, gần gũi anh em và ý thức tự nghiên cứu, tự tìm tòi và tự rút ra những vấn đề có tính khoa học có thể áp dụng vào công tác giảng dạy, Bùi Đức Hạnh đã trưởng thành hơn rất nhiều và đã có thể vững vàng đứng trên bục giảng để kế tục sự nghiệp giáo dục của những người thầy đi trước mà ông vô cùng kính trọng.
Xây dựng thế trận lòng dân
Năm 2009, với cương vị Phó rồi Chỉ huy trưởng BĐBP Lào Cai, Đại tá Bùi Đức Hạnh (ông được thăng quân hàm Thiếu tướng vào 8/1/2016) nhận thấy tiềm năng to lớn của vùng đất biên cương Tây Bắc. Là người có nhiều sáng tạo trong các hoạt động giáo dục, tư duy biện chứng và lý luận thực tiễn đầy đặn nên Bùi Đức Hạnh nhanh chóng thích ứng với cương vị mới. Ông đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ chỉ huy để cùng các đồng chí trong Bộ chỉ huy xây dựng các chương trình, hành động một cách cụ thể, thiết thực.
Để thế trận Biên phòng toàn dân ngày thêm vững chắc, bản thân ông và các cán bộ, chiến sỹ BĐBP Lào Cai đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân. Ông cũng đồng thời cho đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép hiệu quả các chương trình, các cuộc vận động như: “xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “xây dựng làng xã vững mạnh toàn diện, cụm tuyến an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu”, “xây dựng nông thôn mới”...
Thời điểm năm 2009, cũng là lúc toàn tuyến biên giới Việt Trung đã cơ bản hoàn thành công tác phân giới cắm mốc và bắt đầu bàn giao hiện trạng trên thực địa. Đây là vấn đề khó đòi hỏi việc xử lý phải hết sức tinh tế, khéo léo. Sau khi trực tiếp xuống nắm tình hình địa bàn, Chỉ huy trưởng Bùi Đức Hạnh đã tham mưu cho các huyện, xã biên giới đầu tư mua cây thảo quả cùng một số loại cây công nghiệp có giá trị cao để trồng trên khu vực vành đai biên giới đồng thời giao cho người dân khai thác, quản lý.
Khi chính sách xây dựng nhà đại đoàn kết của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào, Đại tá Bùi Đức Hạnh chỉ đạo cho cán bộ chiến sĩ góp công, góp sức trực tiếp đơn vị đứng ra thi công hàng trăm ngôi nhà đại đoàn kết cho người dân. Nhà của đồn biên phòng thi công luôn cao, thoáng chắc chắn bởi có thêm phần công sức và sự khéo léo, tinh thần trách nhiệm của những người lính vì dân. Vận dụng các mối quan hệ của đơn vị cũng như bản thân, vị chỉ huy trưởng giàu bản lĩnh và sức sáng tạo ấy cũng không ngần ngại vận động một số doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp vào quỹ để trên vùng biên cương này có thêm những mái ấm làm sáng rừng, sáng bản.
Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh chỉ huy diễn tập chống khủng bố giữa BĐBP Việt Nam và Công an Biên phòng Trung Quốc
Cuối năm 2013, điểm sáng Cốc Phương (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, Việt Nam) và Tam Bình Bá (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã lan tỏa ánh sáng của tình hữu nghị, đoàn kết giữa người dân hai bên biên giới trên khắp tuyến biên giới Việt - Trung khi trở thành cụm dân cư đầu tiên tổ chức kết nghĩa. Ngày nhân dân hai bản Cốc Phương và Tam Bình Bá cùng nhau kí kết biên bản kết nghĩa cũng là lúc Chỉ huy trưởng Bùi Đức Hạnh cười rạng rỡ. Bởi đây không chỉ là thành tích của riêng lực lượng BĐBP và chính quyền địa phương mà còn là dấu ấn quan trọng trong công tác đối ngoại nhân dân, đồng thời cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước về xây dựng biên giới hòa bình và ổn định.
Một trong những đột phá thành công khác của BĐBP Lào Cai là hoạt động tuần tra chung với những người lính biên phòng thuộc Tiểu đoàn Biên phòng trấn Nam Khê, Quân khu Vân Nam, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Thực ra hoạt động này đã được xúc tiến từ năm 2004, song Chỉ huy trưởng Bùi Đức Hạnh đã phát huy rất tốt những nền tảng mà người tiền nhiệm của mình đã xây dựng. Đến nay, 11 đồn biên phòng trên tuyến biên giới Lào Cai tổ chức thường xuyên hoạt động này và nhân rộng trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung.
Để “Tổ quốc không bất ngờ, bị động”
Nhận được sự tin tưởng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai và sự tín nhiệm của nhân dân, năm 2011, Đại tá Bùi Đức Hạnh vinh dự trở thành 1 trong bốn vị Đại biểu Quốc hội mang quân hàm xanh của lực lượng BĐBP tham gia đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Lào Cai và được phân nhiệm là Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Từng là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu lý luận sắc bén, ông hiểu rằng là Đại biểu Quốc hội tức là người đại diện của nhân dân, là sứ giả của nhân dân để chuyển tải tâm tư nguyện vọng của nhân dân đến lãnh đạo Nhà nước; đồng thời là người giám sát các hoạt động tại cơ sở, kịp thời phát hiện các vấn đề nổi cộm để tham mưu với Đảng, Quốc hội, điều chỉnh các chính sách hợp lý, bám sát và theo kịp thực tiễn. Vì vậy, dẫu việc quân luôn bận rộn, vậy mà ông vẫn cố gắng sắp sếp thời gian tiếp xúc với người dân nhiều hơn, thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, ông tích cực phát huy ưu thế và vai trò phản biện xã hội của mình trên nghị trường, tham gia đề xuất các ý kiến từ thực tế khó khăn của người dân để giúp Quốc hội ban hành văn bản pháp luật được toàn diện như tham gia xây dựng Hiến pháp; Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Tố tụng hình sự, Luật Nghĩa vụ quân sự… Ông cũng phát huy rất tốt vai trò Ủy viên Ủy ban đối ngoại của mình thông qua các hoạt động đối ngoại trên biên giới, góp phần thực hiện nhất quán và mạnh mẽ đường lối độc lập tự chủ, hòa bình hợp tác phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hóa của Việt Nam.
Với sự nỗ lực, phấn đấu hết mình trong học tập, rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh vinh dự được trao tặng nhiều huân chương chiến công, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, danh hiệu chiến sỹ thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác. Cuối năm 2015, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tư lệnh BĐBP phụ trách công tác cửa khẩu và trinh sát.
Tính đến giờ, người con của miền đất hình cánh sóng Giao Thủy đã có gần bốn mươi năm cầm súng và cầm phấn giờ đây có thêm trọng trách mới là cầm quân - một đội quân nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đội quân đó không chỉ đại diện cho dân tộc chào đón bạn bè năm châu đến với Việt Nam qua hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sắt và đường biển mà còn phải đảm đương nhiệm vụ âm thầm bám dân, bám đất để dựng lên thế trận lòng dân và nhất là để “Tổ quốc không bất ngờ, bị động”.