Vì thành tích, chúng ta đã làm tổn thương con trẻ

Mộc Miên| 25/04/2022 08:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những tổn thương đó, dù năm tháng có phai dần thì vẫn còn là ký ức buồn, những vết sẹo tâm hồn hoàn toàn không đáng có trong hành trang khi các con bước vào đời.

vi-thanh-tich-chung-ta-da-lam-ton-tuong-con-tre.2.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Lao động

Những ngày gần đây thông tin về việc một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9, có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10 không chỉ còn là dư luận xôn xao nữa, mà giống như vết dầu loang khi lộ diện thêm nhiều địa chỉ cụ thể với những học sinh đang học tại một số trường, hoặc là cựu học sinh của các trường này.

Nhiều em học sinh, phụ huynh và cả thầy cô ở một số trường đã lên tiếng chia sẻ chính thức với báo chí. Ngay cả Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội cũng xác nhận, đã nhận được đơn thư của công dân với nội dung như báo chí phản ánh “Hiệu trưởng tại Hà Nội bị tố lạm thu, vận động học sinh yếu không thi tốt nghiệp vì thành tích”. Diễn biến này khẳng định một sự thật gây sốc tồn tại khá lâu trong một số nhà trường, trong khi những người trong cuộc thì lại không mấy bất ngờ.

Cụ thể, trên nhiều diễn đàn và trang thông tin cá nhân lan truyền thông tin một số trường học tại Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường sang tư thục hoặc cam kết không thi vào lớp 10. Dưới phần bình luận của các bài đăng, nhiều phụ huynh chia sẻ con, cháu mình cũng đang rơi vào tình trạng tương tự.

vi-thanh-tich-chung-ta-da-lam-con-tre-ton-thuong.jpg
Hình ảnh tin nhắn của phụ huynh chia sẻ câu chuyện con gái bị nhà trường yêu cầu chuyển trường hoặc phải cam kết không thi vào lớp 10 khi con có điểm tổng kết 7,2

Một phụ huynh chia sẻ câu chuyện con gái bị nhà trường yêu cầu chuyển trường hoặc phải cam kết không thi vào lớp 10 khi con có điểm tổng kết 7,2. Nhà trường đã mời phụ huynh đưa ra phương án chuyển trường hoặc ký cam kết không thi tốt nghiệp vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường.

N.Đ.H cựu học sinh Trường THPT Tự Lập (Mê Linh, Hà Nội) trao đổi với báo chí cho biết, khi học lớp 12 Trường THPT Tự Lập (Mê Linh, Hà Nội) vì học kém một số môn như Toán, Tiếng Anh, điểm thi thử các môn này thường xuyên ở mức thấp dưới trung bình, H. đã được nhà trường mời riêng lên phòng hội đồng để thông báo nếu điểm thi thử và lực học không tiến bộ thì không nên thi tốt nghiệp THPT.

Và cũng chính tại ngôi trường này không ít giáo viên trong trường cũng xác nhận đã nhận được chỉ đạo “miệng” từ Hiệu trưởng, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn rà soát từng lớp, với những học sinh học lực kém, vận động các em chỉ nhận giấy chứng nhận hoàn thành hết lớp 12 và không tham gia thi, tránh ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường.

Vẫn biết rằng, cha mẹ nào sinh con ra phần vì lo lắng tương lai của con, phần vì kỳ vọng làm rạng rỡ tổ tông đều muốn con mình giỏi giang, không thua kém bạn bè. Thế mới có câu chuyện “con nhà người ta” và những đứa trẻ vì áp lực học hành mà có suy nghĩ tiêu cực.

Thầy cô cũng vậy thôi bên cạnh việc nhận lại sự ủy thác mang kỳ vọng của phụ huynh, họ còn mang trọng trách “trồng người”, tạo nên thế hệ tương lai của đất nước, trực tiếp dạy dỗ, bồi dưỡng các con cả về kiến thức và nhân cách. Vì lẽ đó, làm sao các trường, lớp có thể đưa ra xã hội những thế hệ học trò không đảm bảo chất lượng được. Điều đáng tiếc là chất lượng ở đây đang được chứng tỏ phần nhiều bằng những thành tích, bảng điểm qua các kỳ thi.

Về mặt chủ trương Sở GD&ĐT Hà Nội đương nhiên khẳng định, Sở không đưa kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào tiêu chí đánh giá thi đua đối với các đơn vị. Chủ trương của thành phố Hà Nội được duy trì nhiều năm nay là tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi học sinh đủ điều kiện và có nguyện vọng đều được tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. Và Trưởng phòng Giáo dục phải chịu trách nhiệm nếu có tình trạng "ép học sinh không thi lớp 10".

Nhưng cũng có một thực tế đang diễn ra khó có thể phủ nhận là, điểm số qua các kỳ thi của các em một cách bất thành văn vẫn đang được dùng để soi chiếu đánh giá thi đua, hoặc xếp hạng các trường. Ngoài ra, các trường có thể cũng lấy điểm thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Đặc biệt trong bối cảnh ngành Giáo dục được tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cùng với chủ trương phân luồng mạnh sau trung học cơ sở, thì việc cạnh tranh đầu vào về chất lượng và số lượng học sinh giữa các trường là điều tất yếu. Bên cạnh việc đa dạng hình thức tuyển sinh, đào tạo thì việc nâng thứ hạng, tạo ra một “hồ sơ năng lực” đẹp đẽ, đủ hấp dẫn nhiều thí sinh vào trường là việc trường nào cũng chú trọng cũng là điều dễ hiểu.

Triển khai không đúng chủ trương, làm ảnh hưởng đến tâm lý, kết quả học và dậy của thầy và trò, đặc biệt đối tượng ở đây lại rất nhạy cảm- là các em học sinh còn đang ở tuổi chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần là điều cấm kỵ, tuyệt đối không nên có đối với ngành Giáo dục. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ thông tin, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.

Có sai phạm tất phải xử lý trách nhiệm, đấy là câu chuyện dành cho nhà quản lý, song điều dư luận quan tâm là chủ trương khẳng định là không có, và có lẽ cũng sẽ không tìm được câu chữ trong văn bản chính thức, nhưng thực tế lại diễn ra thời gian dài, liên quan nhiều đối tượng, tầng lớp trong chính nội tại của ngành Giáo dục-một ngành vốn có sứ mệnh cao quý, quyết định đến thế hệ tương lai đất nước vẫn bởi chỉ vì hai chữ thành tích. Bệnh thành tích trong ngành Giáo dục đã nhiều lần khiến dư luận, bức xúc, đặc biệt nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng Nhà nước đã không ít lần lưu ý, nhắc nhở. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong Hội nghị tổng kết, bàn phương hướng phát triển năm 2022 với Bộ GD-ĐT, hay trong cả bức thư gửi ngành Giáo dục nhân ngày khai trường năm học 2022-2023 cũng đã lưu ý, để cải cách giáo dục thành công, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, ngành Giáo dục cần khắc phục triệt để một số vấn đề hạn chế nội tại của ngành, trong đó Thủ tướng nhắc đến căn bệnh thành tích đã tồn tại quá lâu trong ngành cần phải được xóa bỏ hẳn.

Giờ đây, ngành giáo dục đang đứng trước những bước ngoặt trong cải cách, nếu câu chuyện bệnh thành tích đã nói nhiều mà vẫn còn nguyên tính thời sự thì dù có thay đổi, cải tiến bao nhiêu đi nữa. Và khi mà người dậy, người học vẫn chưa được đặt là vị trí trung tâm, chủ thể của cải cách, thì đó vẫn chỉ là những thay đổi hình thức, thiếu thực chất và e rằng sẽ kéo theo những biến tướng và hệ lụy nhiều hơn là hiệu quả.

Chúng tôi xin trích ra đây những chia sẻ của những cựu học sinh đã từng bị nhà trường ép “tự nguyện” không thi vào lớp 10. Những lời mà có lẽ phải một thời gian qua đi, các con mới có thể mở lòng về một ký ức buồn: "Em rất là tuyệt vọng, cảm thấy mình không có tương lai gì"- một bạn vừa học hết lớp 9 năm 2021.

"Nếu không được học tiếp em rất sợ, em cảm giác cuộc sống không còn cần mình nữa"- chia sẻ của em T.Đ.V, sinh viên Trường Đại học Mỏ Địa chất, Hà Nội.

vi-thanh-tich-chung-ta-da-lam-ton-tuong-con-tre.3.jpg
Ảnh cắt từ clip của VTV

Rõ ràng chỉ vì hai chữ thành tích mà chúng ta đã làm tổn thương con trẻ. Những tổn thương đó, dù năm tháng có phai dần thì vẫn còn là ký ức buồn, những vết sẹo tâm hồn hoàn toàn không đáng có trong hành trang khi các con bước vào đời.

Một kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT mới lại đang bắt đầu, mong rằng sở Giáo dục Hà Nội nói riêng và ngành Giáo dục nói chung một lần nữa cần cầu thị và quyết liệt hơn trong việc xử lý những tồn tại, yếu kém nội tại lâu năm của ngành để tạo ra những cải cách có tính đột phá, thực chất, đồng bộ, hiệu quả mang lại lợi ích và những thụ hưởng đáng có cho người dậy và học, xứng đáng với niềm tin của thầy cô, học sinh và người dân cả nước hằng trông đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì thành tích, chúng ta đã làm tổn thương con trẻ