Xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, thì đồng nghĩa với việc chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi pháp luật, thay đổi chính sách và làm đảo lộn hoàn toàn trật tự xã hội.
Quốc hội khóa XV đã chính thức biểu quyết thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi sau 4 kỳ họp. Một trong những điểm rất quan trọng được quy định trong Luật Đất đai năm 2024 đó là: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Vì sao chúng ta cần phải sở hữu toàn dân về đất đai? Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
PV: Theo ông, vì sao chúng ta cần phải kiên định, giữ vững quan điểm, tư tưởng là cần phải sở hữu toàn dân về đất đai?
Luật sư Đặng Văn Cường: Việt Nam xác định đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện và Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân. Và đây là tư tưởng xuyên suốt, tư tưởng này, quan điểm này, nội dung này đã tạo cho Việt Nam một sự ổn định, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Và đó là niềm tin của người dân. Người dân đổ bao nhiêu xương máu làm cách mạng, để có được tư liệu sản xuất là đất đai. Với khẩu hiệu là người cày có ruộng. Đến bây giờ tài sản thuộc về nhân dân rồi. Không có lý do gì lại trở lại chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Có nghĩa là không thể để đất đai rơi vào tay một số người, hoặc một số nhóm người. Vì nếu như vậy sẽ tạo ra sự bóc lột, bất bình đẳng trong xã hội. Chính vì vậy, tư tưởng xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Tôi cho rằng, đây là quan điểm rất sáng suốt, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.
PV: Giả sử nếu chúng ta xoá bỏ sở hữu toàn dân về đất đai thì sẽ dẫn đế hệ luỵ như thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường: Nếu chúng ta xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, thì điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi pháp luật, thay đổi chính sách, làm đảo lộn hoàn toàn trật tự xã hội mà chúng ta đang thiết lập hiện nay. Phải lưu ý một điều là, đất đai là nguồn gốc của mọi cuộc tranh chấp. Thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai đều bắt nguồn từ tư liệu sản xuất, từ việc tranh giành đất đai. Cho nên nếu chúng ta không có chính sách đất đai phù hợp với lịch sử, với sự phát triển của xã hội, với mong muốn nguyện vọng của Nhân dân, thì chúng ta sẽ thất bại. Chính vì vậy, tôi cho rằng sẽ không có chuyện Việt Nam xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
PV: Như vậy, những quan điểm cho rằng, cần phải xoá bỏ sở hữu toàn dân về đất đai là phục vụ cho mưu đồ gì, thưa ông?
Luật sư Đặng Văn Cường: Tôi cho rằng, những người vì dân, vì nước, những người hiểu biết pháp luật thì họ sẽ không bao giờ có những suy nghĩ, có những quan điểm, đề xuất như vậy. Mà chỉ có những đối tượng chống phá, đi ngược lại quyền lợi của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân, thì họ mới đưa ra những quan điểm, rồi hô hào kích động, yêu cầu chúng ta phải xoá bỏ sở hữu toàn dân về đất đai. Tôi cho rằng, đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân. Không thể nào khác được. Đó là ý chí, nguyện vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam.
PV: Các đối tượng cực đoan, phản động đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, quyền dân chủ để kích động trên mạng xã hội biểu tình, phản đối Luật Đất đai 2024. Theo ông, điều này có vi phạm pháp luật không?
Luật sư Đặng Văn Cường: Đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định tại Điều 8, Điều 16, 17 và Điều 18 của Luật An ninh mạng năm 2018. Và bản thân hành vi này của các đối tượng đã mâu thuẫn chính những luận điệu trước đó. Các đối tượng kiến nghị đòi thay đổi chế độ sở hữu đất đai. Nhưng trước đó, bản thân các đối tượng lại kêu gọi mọi người đừng có góp ý vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Chính trong tư tưởng, trong mục đích của các đối tượng này chỉ là chống phá. Cho nên, những lời nói, những quan điểm, những tư tưởng của họ chứa đựng sự mâu thuẫn.
PV: Cụ thể thì những hành vi đó sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật Việt Nam?
Luật sư Đặng Văn Cường: Những thông tin này, những hành vi này là vi phạm pháp luật. Và các đối tượng sẽ bị xử phạt bằng các chế tài. Nếu chưa gây ra hậu quả gì thì sẽ bị xử lý hành chính. Còn nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, người dân tin theo, nghe theo, làm theo dẫn đến biểu tình, dẫn đến bạo loạn, dẫn đến hành vi chống đối ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội, thì các đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo quy định tại Điều 331, Bộ Luật Hình sự năm 2015, với chế tài có thể đến 7 năm tù. Còn nếu trong các nội dung mà có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân, thì các đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh theo Chương 13 của Bộ Luật Hình sự là tội xâm phạm an ninh quốc gia, và hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.
PV: Xin cảm ơn Luật sư Đặng Văn Cường.