Cả Nhật - Mỹ đều khẳng định có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên nhưng không làm vậy vì nhận thấy nó không gây nguy hiểm cho Bắc Mỹ và Nhật Bản.
Sáng hôm nay 30/8, Triều Tiên lần đầu xác nhận phóng tên lửa qua Nhật Bản để đáp trả tập trận Mỹ - Hàn và họ gọi đây là bước khởi đầu nhằm kiềm chế đảo Guam.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 29/8 đã chỉ đạo vụ phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12 từ vùng lân cận Sunan ở Bình Nhưỡng.
Tên lửa bay qua bầu trời phía trên bán đảo Oshima của Hokkaido và Mũi Erimo của Nhật Bản, theo đường bay đã được định trước và đánh chính xác vào vùng biển mục tiêu ở bắc Thái Bình Dương.
Triều Tiên công bố ảnh thử tên lửa vào ngày 29/8
Được biết, Triều Tiên từng hai lần phóng tên lửa bay qua các hòn đảo chính của Nhật Bản vào năm 1998 và 2009, nhưng trong cả hai lần, họ đều tuyên bố đó là các thiết bị phóng vũ trụ. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên xác nhận họ đã phóng tên lửa qua Nhật Bản.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết, tên lửa này bay qua vùng trời Nhật Bản và rơi xuống Bắc Thái Bình Dương. Ngay sau động thái này của Triều Tiên, Nhật Bản đã lên án mạnh mẽ và gọi đây là mối đe dọa nghiêm trọng và nguy hiểm nhất từ trước đến nay với Tokyo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trong một tuyên bố mới đây tiết lộ rằng Tokyo đã phát hiện tên lửa, nhưng quyết định không bắn hạ vì cho rằng nó không đe dọa tới nước này.
Phát biểu với báo giới, ông Itsunori cho hay, Radar của lực lượng phòng vệ đã theo dõi đường bay của tên lửa, nhưng không bắn hạ vì không nhận thấy có mối đe dọa tới Nhật Bản.
Trong khi đó, tình báo Mỹ cũng khẳng định đã phát hiện ra tên lửa vài giờ trước khi phóng sau khi phát hiện các động thái lạ từ bãi phóng Sunan. Cụ thể, các vệ tinh do thám làm nhiệm vụ giám sát các địa điểm Triều Tiên có thể phóng tên lửa đã nhận thấy các thiết bị tên lửa Hwasong-12 được di chuyển đến Sunan. Nhưng cũng như Nhật Bản, Washington không bắn hạ tên lửa Triều Tiên vì nó không đe dọa tới khu vực Bắc Mỹ.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua cuộc điện đàm ngay sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã đồng ý gia tăng sức ép đối với Triều Tiên.