Thời gian gần đây, dư luận Bắc Kạn xôn xao về việc “đại gia chúa chổm” Na Rì Hamico được lựa chọn trong việc thăm dò trữ lượng mỏ vàng Pắc Lạng.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Nguyên, Phó Giám đốc Thường trực Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bắc Kạn - Phó Chủ tịch Hội đồng lựa chọn.
Thành lập Hội đồng lựa chọn để làm gì?
PV: Thưa ông, tại sao mỏ vàng Pắc Lạng đã được Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn thăm dò, nộp báo cáo lên Tổng cục Địa chất nhưng lại không được ưu tiên lựa chọn theo Nghị định 15 và Luật Khoáng sản?
Ông Trần Nguyên: Vấn đề ở đây chúng ta cần phải hiểu quy trình thăm dò phải gồm có 4 bước, nhưng Khoáng sản Bắc Kạn (lúc này đang nằm trong Liên danh ARP, chủ thể được cấp phép) mới chỉ thực hiện được đến bước 3. Bước 4 là rất quan trọng, nó là báo cáo về trữ lượng vàng Pắc Lạng để từ đó UBND tỉnh và các ban ngành có thể xác định được mức thu phí là bao nhiêu? Mỏ vàng Pắc Lạng đã trải qua hơn 100 năm khai thác kiểu thủ công, hiện nay tồn tại hơn 500 đường hầm có độ dài trung bình mỗi hầm khoảng 1,7 km, nếu nối dài các đường hầm này lại bằng quãng đường từ Hà Nội đến Huế. Địa bàn trải rộng trên 37km2, phân tán nhỏ lẻ, nếu không có báo cáo trữ lượng thì biết một năm doanh nghiệp đóng bao nhiêu tiền? Chúng ta đang áp dụng phương thức Thu tiền – Cấp quyền, nôm na là anh cam kết nộp cho tỉnh bao nhiêu một năm thì sẽ được cấp quyền. Quyền này gồm khai thác, thế chấp thậm chí là thừa kế nên việc thăm dò trữ lượng mỏ là rất quan trọng. Vì thế chúng tôi mới được giao nhiệm vụ lựa chọn các đơn vị có năng lực thăm dò
Ông Trần Nguyên
PV: Theo cách hiểu như vậy thì việc Khoáng sản Bắc Kạn bỏ ra 64 tỷ đồng trong suốt 5 năm để thăm dò, khảo sát là vô nghĩa?
Ông Trần Nguyên: Cũng không hẳn như vậy vì nó sẽ trở thành một điểm ưu tiên cho Khoáng sản Bắc Kạn, chứ không phải là yếu tố quyết định hay vì nó mà loại bỏ Na Rì Hamico khỏi cuộc cạnh tranh. Chúng tôi đã cân nhắc kĩ, cả hai đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, ngang nhau, nhưng Na Rì Hamico cũng có những điểm ưu của mình, ví dụ, theo hồ sơ thì họ có vốn chủ sở hữu lớn nhất so với tổng vốn bỏ ra thăm dò.
PV: Theo Thông báo của Hội đồng lựa chọn thì Na Rì Hamico do “nộp hồ sơ trước” nên được lựa chọn, điều này có vẻ khác so với “ưu điểm về vốn” của họ. Ông nhấn mạnh từ “theo hồ sơ”, như vậy chắc ông cũng nắm được thông tin về tình trạng tài chính của Na Rì Hamico, ví dụ như nợ đọng thuế triền miên hay đang bị nhiều cá nhân tố cáo chiếm đoạt hàng trăm tỉ tiền vay?
Ông Trần Nguyên: Chúng tôi khi xét duyệt thì có cả một Hội đồng gồm 12 người từ nhiều ban ngành đoàn thể, do Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn làm Chủ tịch Hội đồng. Nhưng vấn đề ở đây là “án tại hồ sơ”, hồ sơ của họ trình lên không có nợ đọng thuế (có xác nhận của Cục thuế Bắc Kạn), có hơn 300 tỷ trong tài khoản BIDV, nhiều hơn hẳn so với Khoáng sản Bắc Kạn, có kinh nghiệm trong khai thác khoáng sản, đáp ứng tốt 6 tiêu chí mà UBND tỉnh ra Thông báo 43/TB-UBND. Do đó chúng tôi chọn họ thì không có gì sai cả, còn nếu sai, ai xác nhận cho họ sẽ chịu trách nhiệm. Hội đồng không có thời gian đi làm việc xác minh hồ sơ của các đơn vị đăng ký vì việc này mất rất nhiều thời gian, công sức. Bên cạnh đó, thông báo Na Rì Hamico được lựa chọn chỉ là thông báo, không có tính pháp lý, nếu có tính pháp lí phải là Quyết định. Chính vì thế mà khi có khiếu nại thì tự động Thông báo đó không có hiệu lực
PV: Vậy cả một Hội đồng gồm 12 thành viên, gồm cả lãnh đạo tỉnh, Công an tỉnh, sở ban ngành được thành lập chỉ làm một việc duy nhất là nhìn hồ sơ và chọn, không cần kiểm tra, sau đó ra một văn bản không có tính pháp lí. Như vậy thì có cần thiết phải thành lập cả một Hội đồng lựa chọn cấp tỉnh cho Dự án này không vì thực tế kết quả làm việc của Hội đồng là không có tính pháp lý?
Ông Trần Nguyên: Chúng tôi làm việc nghiêm túc trên tinh thần tập thể, cân nhắc chi tiết từng ưu, nhược điểm của các bên tham gia.
Phúc tra và quy trách nhiệm
PV: Thưa ông, ở trên ông đã nhấn mạnh đến việc “án tại Hồ sơ”, như vậy, nếu Hồ sơ sai lệch thì trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Trần Nguyên: Đầu tiên trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp không trung thực khi khai sai hồ sơ, gian dối để được lựa chọn. Còn đơn vị nào kí, đóng dấu xác nhận thì phải chịu trách nhiệm ví dụ như BIDV họ xác nhận hơn 300 tỷ trong tài khoản thì họ phải chịu, hay như Cục thuế xác minh Na Rì Hamico hoàn thành mọi nghĩa vụ với nhà nước thì họ chịu. Hội đồng chúng tôi làm việc trên hồ sơ một cách minh bạch
PV: Theo thông tin chúng tôi có được thì rõ ràng Na Rì Hamico nợ thuế triền miên trong nhiều năm với số tiền lên đến hàng chục tỷ (Quyết định số 325/QĐ-CT về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền gửi tại Ngân hàng để nộp vào ngân sách nhà nước và Quyết định số 429/ QĐ-CT về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đình chỉ việc sử dụng hóa đơn, Quyết định phạt và nộp tiền nợ thuế 2,47 tỷ đồng của Chi cục thuế Chợ Đồn – PV). Vậy đại diện của Cục Thuế trong Hội đồng (ông Vũ Anh Lợi - Trưởng phòng Tổng hợp Nghiệp vụ Dự toán) có hay không báo cáo, trình bày về tình trạng tài chính của Na Rì Hamico trước Hội đồng?
Ông Trần Nguyên: Chúng tôi nhắc lại là lựa chọn trên tinh thần “án tại hồ sơ”, hiện nay UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng phúc tra, Hội đồng phúc tra sẽ xem xét kĩ trách nhiệm của các bên trong vấn đề này
Vĩ thanh
Như vậy đã rõ, UBND tỉnh Bắc Kạn đã thành lập ra một Hội đồng tới 12 thành viên đủ các thành phần từ lãnh đạo Tỉnh, Công an, các Sở Ban ngành, Cục thuế … nhưng lại không hề xem xét, điều tra hồ sơ các đơn vị nộp lên. Kì lạ hơn nữa, ông Trưởng phòng của Cục thuế (nơi đã xác nhận Na Rì Hamico hoàn thành tốt nghĩa vụ với nhà nước) không biết có hay không báo cáo về tình hình nợ đọng thuế bết bát của Công ty này với Hội đồng. Và cuối cùng là biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức của 12 vị trong Hội đồng này là vô ích vì họ đã ra một kết quả chẳng hề có tính pháp lý gì. Dư luận đặt vấn đề, nếu Thông báo Na Rì Hamico được lựa chọn không có ai phản ứng, báo chí không phát giác ra, thì hậu quả việc thay vì “chọn mặt gửi vàng” thành “gửi trứng cho ác” sẽ kéo đến hâụ quả gì cho tỉnh Bắc Kạn?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả về vụ việc này trong số báo tiếp theo.