Dù là địa phương được Chính phủ thống nhất chủ trương lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai bán tín chỉ carbon rừng ở địa phương này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Còn gặp nhiều vướng mắc
Năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng và phê duyệt kế hoạch hành động (REDD+) tỉnh Quảng Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT.
Trên cơ sở hồ sơ REDD+ (giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng-PV), cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ, tỉnh Quảng Nam đã lập báo cáo đánh giá khả thi về cơ hội đầu tư vào carbon từ REDD+ và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư/người mua tiềm năng, đồng thời xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ và được thống nhất về chủ trương cho tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng.
Tuy nhiên trên thực tế, đến nay tỉnh Quảng Nam vẫn chưa bán được tín chỉ carbon rừng.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là lĩnh vực rất mới đối với Việt Nam, dù trên thế giới đã làm; vì vậy hành lang pháp lý để đảm bảo việc bán tín chỉ carbon chưa có. "Việc xây dựng đề án mẫu, phù hợp với chuẩn quốc tế để mời các đơn vị tư vấn quốc tế tham gia xây dựng, giúp cho chúng ta chào bán trên thị trường quốc tế còn lúng túng", ông Thanh nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vướng mắc cơ bản nhất hiện nay là phải thực hiện theo luật đấu thầu. Trên thế giới chỉ có vài đơn vị thực hiện kinh doanh tín chỉ carbon; họ sẽ hoàn thiện hồ sơ, kết nối và bán tín chỉ. Tuy nhiên, luật quy định phải đấu thầu chứ không được chỉ định, mà một vài đơn vị đó họ không có nhu cầu đấu thầu.
Bên cạnh đó, việc xác định các vùng ưu tiên tập trung lưu trữ carbon, quản lý rừng bền vững…của tỉnh Quảng Nam còn phụ thuộc vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Các cơ quan cũng đang nghiên cứu để triển khai sao cho phù hợp nhất, vừa đảm bảo phát triển rừng bền vững, gắn với đảm bảo kinh tế rừng, phát triển nguồn dược liệu dưới tán rừng…
Ngoài ra, đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng tại tỉnh Quảng Nam trình Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được phê duyệt. "Quảng Nam là địa phương thí điểm đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm và chưa đảm bảo nguồn lực về kỹ thuật, tài chính để thực hiện kinh doanh tín chỉ carbon từ REDD+", ông Thanh chia sẽ.
Một khó khăn nữa, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam là hiện nay vẫn chưa có quy định về hạn mức đóng góp NDC (đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris) của từng địa phương, nên khi phát hành tín chỉ sẽ không thể xác định lượng tín chỉ có thể bán được là bao nhiêu.
Không những vậy, quyền sở hữu carbon rừng theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đã xác định rõ quyền tín chỉ là của địa phương, tuy nhiên hiện nay Nghị định vẫn chưa được ban hành.
"Có nhiều nội dung cần phải làm liên quan đến đề án bán tín chỉ carbon. Vì vậy, việc triển khai dự án tại Quảng Nam còn những hạn chế nhất định, do cả nguyên nhân chủ quan, khách quan. "Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tích cực làm việc với các bộ, ngành Trung ương để được hướng dẫn rõ hơn, tạo điều kiện trong việc xây dựng đề án và đăng ký tham gia bán tín chỉ carbon trên thị trường thế giới", ông Thanh nhấn mạnh.
Tiềm năng mỗi năm có thể thu về 130 tỷ đồng
Được biết, Quảng Nam là một trong các tỉnh có tỉ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước có tiềm năng về thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao trữ lượng carbon từ rừng. Năm 2022, diện tích đất có rừng của địa phương này được thống kê là hơn 680,8 ngàn ha với độ che phủ rừng là 58,71% trong đó rừng tự nhiên có tới hơn 463,5 ngàn ha.
Theo tìm hiểu, mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương (viết tắt là tCO2e). Đây là đơn vị mua bán trên thị trường tín chỉ carbon.
Trong khi đó, theo thống kê, giai đoạn 2005-2016, rừng của tỉnh Quảng Nam bình quân hàng năm phát thải hơn 4,2 triệu tCO2e/năm và hấp thụ gần 3,3 triệu tCO2e/năm, mức phát thải ròng trung bình hàng năm là hơn 938 ngàn tCO2e/năm; ước tính phát thải và hấp thụ hàng năm giai đoạn 2019-2030 lần lượt là gần 3,8 triệu tCO2e/năm và gần 4,5 triệu tCO2e/năm, mức hấp thụ ròng trung bình hàng năm là hơn 686 ngàn tCO2e/năm.
Như vậy, tiềm năng giảm phát thải từ rừng của tỉnh Quảng Nam là hơn 533 ngàn tCO2e/năm và tiềm năng hấp thụ là gần 1,2 triệu tCO2e/năm. Theo đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về 130 tỷ đồng; Tuy nhiên, khi triển khai hiện vẫn chưa được thực hiện mục tiêu này vì gặp vướng mắc về pháp lý, lựa chọn đơn vị tư vấn như nói ở trên.