Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lý giải, mức giảm này đã được tính toán, cân đối kỹ thu - chi, đảm bảo kích cầu tiêu dùng, tạo sức bật cho nền kinh tế.
Khi giảm thuế VAT, người tiêu dùng sẽ được giảm phần phải trả cho ngân sách, qua đó kích thích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, sẽ kích cầu gián tiếp, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
Việc giảm thuế VAT sẽ có tác động ngay, sức lan tỏa nhanh hơn nhiều so với các chính sách giảm thuế TNDN, vì vậy giảm thuế VAT để kích thích kinh tế sẽ có tác dụng rất tốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, việc giảm thuế VAT sẽ hiệu quả hơn khi nền kinh tế về cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường, các ngành phát triển trở lại. Với một số ngành có sức cầu yếu do dịch bệnh kéo dài, như ngành dịch vụ, du lịch… tác động của giảm thuế VAT sẽ không được nhiều.
Bởi nhiều khu du lịch giảm giá nhưng người dân vẫn sợ dịch bệnh nên không dám đi. Tất nhiên, nhìn trên phạm vi tổng thể, việc giảm thuế VAT sẽ kích thích cầu, doanh nghiệp sẽ bán được nhiều hàng hơn, tính lan tỏa lớn hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, dự kiến số giảm thuế khoảng 64.000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức của năm 2021.
Riêng chống dịch năm vừa qua là 74.000 tỉ đồng, trong khi dự phòng ngân sách là 34.500 tỉ đồng, mà giảm, hoãn và miễn các loại thuế, phí đã là 144.000 tỉ đồng, là mức rất lớn, nên khi đưa ra chúng tôi phải cân đối.
Ban đầu Bộ đề xuất mỗi năm là 1%, nhưng với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên dồn lại mức giảm thuế của cả 2 năm vì dự báo có lẽ năm 2023 là khó khăn, nên tính chung là 2%, trong năm 2022 sẽ triển khai thực hiện, tạo tiền đề cho kích cầu tốt hơn của năm 2023 và nền kinh tế bật lên.
Có ý kiến cho rằng, việc giảm 2% thuế VAT vẫn nhỏ, tác động không lớn đến kích cầu tiêu dùng, hiệu ứng không thực sự rõ ràng, cần giảm đến 5%, ông Phớc chỉ rõ, năm 2022 sẽ giảm 2% với mặt hàng có thuế suất 10% trừ một số ngành viễn thông, tài chính, bảo hiểm ngân hàng, bất động sản… Mức giảm này sẽ giúp giảm 49.400 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, nếu mức giảm thuế lớn hơn sẽ gây áp lực, mất cân đối ngân sách…
Về đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì giảm thuế VAT, Bộ trưởng cho rằng, việc giảm thuế VAT sẽ giúp kích thích tiêu dùng, tạo hiệu ứng lan tỏa tới sản xuất trong nền kinh tế. Trong khi nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, những doanh nghiệp thua lỗ không được hưởng để có thêm nguồn lực.