Tại dự thảo Nghị định mới nhất (đang được Bộ Tư pháp thẩm định), Bộ Công an bỏ đề xuất giảm mức phạt tiền đối với vi phạm về nồng độ cồn ở mức tối thiểu.
Rút đề xuất giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn tối thiểu
Trong dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe trước đó, Ban soạn thảo đề xuất giảm mức phạt tiền còn từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng (thay vì 6-8 triệu đồng) với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định mới nhất (đang được Bộ Tư pháp thẩm định), Bộ Công an bỏ đề xuất giảm mức phạt tiền đối với vi phạm về nồng độ cồn ở mức tối thiểu.
Cụ thể, Ban soạn thảo đề xuất phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm còn bị trừ 3 điểm giấy phép lái xe.
Đối với xe mô tô, gắn máy, dự thảo mới nhất cũng đề xuất phạt tiền từ 2-3 triệu đồng (tức giữ nguyên mức đang áp dụng) đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá mức tối thiểu. Ở dự thảo nghị định hồi tháng 8, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng.
Tại dự thảo mới nhất, Bộ Công an cũng đề xuất phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người lái xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá mức tối thiểu. Tại dự thảo trước đó, Bộ Công an đề xuất mức phạt dành cho hành vi này giảm còn từ 0,8-1 triệu đồng.
Lý giải về nguyên nhân bỏ đề xuất giảm tiền phạt người vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu, lãnh đạo Cục CSGT cho biết, ngay sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân và các nhà khoa học, trong dự thảo mới nhất, Bộ Công an vẫn giữ nguyên mức xử phạt về nồng độ cồn như trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Đề xuất hợp lý
Trước đó, ban soạn thảo cho rằng, đề xuất giảm mức phạt phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Giảm mức phạt, nhưng là cần thiết. Vì đây là một chính sách trong tổng thể các chính sách được đề ra nhằm ngăn chặn việc người dân đã uống rượu bia mà vẫn điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thiệt hại tính mạng và tài sản cho người khác và chính mình.
Tuy nhiên trong thực tế, cả hai đề xuất hạ và giữ nguyên mức phạt về nồng độ cồn của Bộ Công an đều đã và đang có những ý kiến trái chiều.
Quan điểm ủng hộ hạ phạt cho rằng mức phạt hiện hành từ 6-8 triệu đồng là khá cao, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp.
Việc giảm mức phạt xuống còn 800.000 - 1 triệu đồng giúp giảm bớt áp lực tài chính cho người vi phạm, tạo điều kiện cho họ dễ dàng chấp nhận và nộp phạt, giảm tình trạng phản kháng, khiếu nại, giúp người vi phạm dễ dàng chấp nhận và tuân thủ hơn.
Quan điểm ủng hộ việc giữ nguyên được lý giải: Giảm mức phạt sẽ tác động tiêu cực đến ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Bởi mức phạt nồng độ cồn hiện tại được cho là có tính răn đe cao. Việc giảm mức phạt có thể làm giảm tính răn đe, khiến người dân lơ là hơn trong việc tuân thủ các quy định về nồng độ cồn khi lái xe.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C08), việc Bộ Công an rút lại đề xuất trước đó và giữ nguyên mức xử phạt về nồng độ cồn như trong Nghị định 100 là tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, các nhà khoa học.
Xét về quá trình soạn thảo luật, việc đề xuất hay rút lại một đề xuất về một chủ trương trong dự thảo luật có tác động lớn đến đời sống nhân dân sau khi lắng nghe các góp ý, phản hồi từ người dân, chuyên gia, nhà khoa học… là chuyện bình thường, không có gì lạ.
Có một thực tế là thời gian qua, khi cơ quan chức năng đẩy mạnh xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn với mức phạt tiền khá nặng, tình hình vi phạm đã giảm, số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia cũng giảm đáng kể. Điều này phần nào cho thấy những chuyển biến rất tích cực trong ý thức người dân.
Chúng ta vẫn nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu đã có cồn, tức là lái xe sau khi đã uống rượu bia. Đó là một thái độ dứt khoát và cần thiết. Nhưng để pháp luật đi vào cuộc sống, để người dân nhận thức và tự giác chấp hành pháp luật, không chỉ là phạt tiền, mà cần đồng bộ nhiều biện pháp.
Thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa, tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông, để người dân hiểu việc giảm mức phạt nêu trên không có nghĩa là nương nhẹ cho các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.