Vì sao bị can đang bỏ trốn vẫn bị đề nghị truy tố?

Việt An| 14/11/2022 08:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, một số chuyên gia luật cho biết, việc đề nghị truy tố đối với bị can đang bỏ trốn là có căn cứ và đúng quy định pháp luật, dù đây là một trong những trường hợp rất hy hữu trong lịch sử tố tụng.

Có cơ sở pháp lý

Như Báo Công lý dã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “nhận hối lộ”, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.

Theo đó, C03 chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 36 bị can, trong đó có nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và cựu lãnh đạo AIC.

Nội dung đáng chú ý của kết luận là C03 đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu chủ tịch Công ty AIC - về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và tội đưa hối lộ. Bà Nhàn bỏ trốn trước khi bị khởi tố và bị truy nã đến nay đã hơn sáu tháng.

truy-na-nguyen-thi-thanh-nhan.jpg
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy nã

Nhiều độc giả thắc mắc, vì sao bị can đang bỏ trốn vẫn bị đề nghị truy tố? Việc truy tố, xét xử trong trường hợp bị can bỏ trốn được giải quyết ra sao?

Giải đáp vấn đề này, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết, đây là vụ án đầu tiên cơ quan điều tra đề nghị truy tố đối với bị can đang bị truy nã. Việc đề nghị truy tố đối với bị can đang bỏ trốn, đang bị truy nã là chuyện rất hi hữu, hiếm gặp nhưng vẫn có cơ sở pháp lý.

Chuyên gia luật lý giải, theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, trong quá trình điều tra vụ án hnh sự nếu bị can bỏ trốn thì cơ quan điều tra sẽ truy nã và có thể tạm đình chỉ một phần hoặc toàn bộ vụ án để chờ kết quả truy nã bị can.

Cụ thể, Điều 229 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: "Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra". Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

tien-si-luat-su-dang-van-cuong.jpg
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.

“Vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai với một số bị can trong đó có bị can thuộc công ty AIC là một vụ án rất đặc biệt, đặc biệt ở chỗ cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra và đề nghị truy tố đối với bị can đang bị truy nã. Đây là trường hợp hy hữu trong lịch sử tố tụng, dù bà Nhàn đang bỏ trốn nhưng C03 cho rằng đủ căn cứ để kết luận hành vi phạm tội của bà Nhàn”, luật sư Cường nhấn mạnh và cho biết khoản 2, Điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về việc xét xử vắng mặt đối với bị can đang bị truy nã.

Tương tự, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, đối với vụ án liên quan đến bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, mặc dù bà Nhàn đang bỏ trốn, hiện chưa bắt được nhưng cơ quan điều tra sẽ căn cứ kết quả thu thập tài liệu, các sổ ghi chép, phục hồi trích xuất dữ liệu, lời khai của các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các bị can khác để làm rõ hành vi.

“Nếu đủ cơ sở xác định bà Nhàn là chủ mưu, cầm đầu và chịu trách nhiệm chính trong vụ án, hành vi phạm tội đã rõ ràng, cơ quan tố tụng có quyền ra kết luận điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt”, luật sư Khuyên nhấn mạnh.

Chuyên gia luật cho biết, hiện tại bị can Nhàn đang bị truy nã toàn quốc do đã xuất cảnh, vì vậy để truy tố và xét xử bị can này cơ quan tố tụng sẽ áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Cụ thể, khoản 2 Điều 290 nêu trên quy định, tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp như bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả, bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa.

Yêu cầu 8 các bị can ra đầu thú

Liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và có quyết định truy nã đối với 08 bị can về hành vi phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật hình sự.

Cụ thể, 8 bị can gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN: 1969), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC); Trần Mạnh Hà (1971), Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC); Đỗ Văn Sơn (1977), Nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC); Nguyễn Thị Sen (1984), Nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế và Môi trường; Nguyễn Thị Tích (1962), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mopha; Ngô Thế Vinh (SN1965), Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiên; Nguyễn Đăng Thuyết (SN: 1970), Nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội; Đỗ Mỹ Hạnh (SN: 1982), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa;

Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu các bị can đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

“Nếu tiếp tục bỏ trốn, Cơ quan điều tra coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa. Nếu các bị can trên không ra đầu thú trong giai đoạn điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ điều tra, kết luận vụ án theo quy định của pháp luật”, thông báo của CO3 nêu rõ.

Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường cho biết, trong vụ án nêu trên, rất khó để bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn có thể trốn tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Đây là vụ án điển hình được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực tiếp chỉ đạo, nhiều tình tiết vụ án đã được làm sáng tỏ.

Theo quy định của pháp luật, trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội đã bị phát hiện hoặc trường hợp bị can đang bị truy nã mà trình diện với cơ quan chức năng thì có để được xem xét là tình tiết "đầu thú", đây là tình tiết có thể xem xét quy định tại khoản 2, Điều 51 bộ luật hình sự, cũng là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Việc bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm đầu thú, khai báo ra các tình tiết của vụ án, lập công chuộc tội, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, xuất trình các giấy tờ tài liệu để chứng minh có thành tích suất sắc, gia đình có công với cách mạng.. thì đó là những tình tiết giảm nhẹ đáng kể đối với trách nhiệm hình sự của bị can trong vụ án này.

“Hy vọng rằng với nội dung kết luận điều tra đã được công khai và các tình tiết của vụ án đã được làm sáng tỏ thì bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm sẽ nhận thức được sai phạm của mình, sẽ biết vận dụng các quy định của pháp luật để đưa ra các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Các bị can cũng có thể tự mình bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa trong vụ án nêu trên để đưa ra các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đề nghị tòa án có mức hình phạt phù hợp trong trường hợp bị kết tội”, chuyên gia luật bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao bị can đang bỏ trốn vẫn bị đề nghị truy tố?