Giữa bạt ngàn cổ thụ, thanh âm trong trẻo của chim hót vọng về, hòa cùng khúc nhạc rì rầm của dòng suối len lỏi giữa những vách đá dựng đứng. Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin, "nóc nhà" của Tây Nguyên với vẻ đẹp hùng vĩ và sự đa dạng sinh học quý giá, đang được bảo vệ từng ngày, từng giờ bởi những con người thầm lặng.
Những "người hùng thầm lặng" giữa đại ngàn
VQG Chư Yang Sin là một trong những khu bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Nơi đây lưu giữ những hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng núi cao Tây Nguyên, là mái nhà chung của hàng ngàn loài động thực vật quý hiếm, nhiều loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cung cấp nguồn nước, là nguồn sống, là bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây.
Tuy nhiên, "viên ngọc xanh" này luôn phải đối mặt với muôn vàn thách thức. Áp lực từ việc khai thác gỗ trái phép, săn bắt động vật hoang dã, lấn chiếm đất rừng ngày càng gia tăng, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển bền vững của khu vực. Trong bối cảnh đó, vai trò của những người "lính canh rừng" càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Với diện tích quản lý rộng lớn gần 60.000 ha, nhưng lực lượng kiểm lâm của VQG Chư Yang Sin chỉ có khoảng 100 người. Điều này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi kiểm lâm viên phải gánh trên vai trách nhiệm bảo vệ hơn 600 ha rừng, một con số đầy thách thức.
Trạm Kiểm lâm số 10 là một minh chứng điển hình, trạm nằm cách trụ sở chính VQG Chư Yang Sin đến 120km đường đồi núi gập ghềnh. Để đến được trạm, các kiểm lâm viên phải mất hơn 4 giờ di chuyển đầy gian nan. Điều kiện sinh hoạt tại trạm vô cùng thiếu thốn, không điện lưới, không sóng điện thoại. Để liên lạc với thế giới bên ngoài, họ phải vượt qua quãng đường 16km đầy hiểm trở để tìm kiếm tín hiệu. Chợ búa xa xôi khiến việc có một bữa ăn "tươi" cũng trở thành "xa xỉ". Thức ăn chủ yếu của họ là đồ khô tự chuẩn bị, rau rừng hái vội. Những ngày mưa gió, đường đi bị chia cắt, cuộc sống của họ thêm phần khó khăn.
Anh Đỗ Văn Lâm, một trong 11 kiểm lâm viên đang bám trụ tại Trạm Kiểm lâm số 10, chia sẻ: "Chúng tôi không có nhiều tiện nghi, điều kiện sinh hoạt và làm việc vô cùng vất vả, nhưng vì nhiệm vụ giữ rừng, anh em động viên nhau khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao". Trong giọng nói của anh, người ta cảm nhận được sự kiên cường, tinh thần trách nhiệm cao và tình yêu sâu sắc dành cho những cánh rừng.
Anh Lê Quốc Thưởng, Quản lý Loài và Sinh cảnh tại WildAct, người thường xuyên đồng hành cùng lực lượng kiểm lâm trong các chuyến tuần tra, không khỏi xúc động trước những gì anh chứng kiến: "Trèo đèo, lội suối đến khu vực hiểm trở, biệt lập trong nhiều ngày liền là chuyện "như cơm bữa" đối với những người giữ rừng. Nhiều trạm kiểm lâm thậm chí không có nước sạch sinh hoạt. Dù vậy, nhiệt huyết với rừng của họ chưa bao giờ giảm"...
Họ còn phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy từ các đối tượng khai thác, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Những cuộc chạm trán nguy hiểm, những lời đe dọa, thậm chí là những vụ xung đột đổ máu đã trở thành một phần trong công việc đầy rủi ro này. Vượt lên trên tất cả những khó khăn và hiểm nguy đó, những người kiểm lâm của VQG Chư Yang Sin vẫn miệt mài bước chân tuần tra, băng qua những núi cao, vực sâu hiểm trở để giữ gìn an ninh cho những cánh rừng.
Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin, cho biết: "Hằng tháng, Vườn luôn sắp xếp lịch tuần tra, tuyến đi để các trạm, đội bố trí lực lượng tham gia. Những chuyến đi sẽ kéo dài từ 5 - 10 ngày, tiếp cận các vị trí có nguy cơ rừng bị xâm hại, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng"...
Tri ân những bước chân thầm lặng
Mới đây, Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) đã phối hợp cùng VQG Chư Yang Sin tổ chức Lễ trao Giải thưởng "Người giữ rừng Chư Yang Sin" mùa thứ 2. Gần 60 ứng cử viên, từ cá nhân đến tập thể, với những thành tích nổi bật trong việc bảo vệ hệ sinh thái với 10 giải thưởng được trao, tổng giá trị 100 triệu đồng.
Anh Trần Duy Mạnh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 7, một trong những người được vinh danh ở hạng mục Tuần tra chuyên trách, chia sẻ ngắn gọn: "Rất vinh dự được nhận giải thưởng này, đây là động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho công việc quản lý, bảo vệ rừng".
Giải thưởng đặc biệt này không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực phi thường của lực lượng kiểm lâm, mà còn là lời tri ân sâu sắc đến những người con của cộng đồng, những người đã và đang âm thầm cống hiến để bảo vệ "lá phổi xanh" của đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Nhà sáng lập và Giám đốc WildAct, khẳng định: "Năm nay chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng những người giữ rừng, giúp họ vững bước hơn trên hành trình bảo vệ thiên nhiên. Mỗi câu chuyện nghề, dù có những góc nhìn khác nhau, nhưng đều hướng đến một sứ mệnh chung, đó là gìn giữ lá phổi xanh và bảo vệ sự đa dạng sinh học của đất nước. Đằng sau mỗi cánh rừng được bảo vệ là những đêm ngày tuần tra gian nan, những khoảnh khắc đối mặt với hiểm nguy, nhưng cũng là niềm vui khi được cống hiến hết mình cho từng mảng xanh và muông thú nơi đại ngàn".
Điều đặc biệt ở Giải thưởng "Người giữ rừng Chư Yang Sin" là sự ghi nhận không chỉ dành cho lực lượng kiểm lâm, mà còn cho những cá nhân, cộng đồng địa phương tích cực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng. Họ chính là những "tai mắt" quan trọng của Vườn trong việc tuần tra, phát hiện vi phạm và tuyên truyền pháp luật về quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư sống gần rừng.
Anh Giàng Seo Thắng, thành viên Tổ cộng đồng tuần tra bảo vệ rừng ở xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, chia sẻ: "Trung bình mỗi tháng, tổ sẽ tham gia tuần tra cùng Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin hai chuyến, mỗi chuyến như vậy sẽ kéo dài 5 - 7 ngày. Các thành viên trong tổ sẽ dựa vào kinh nghiệm đi rừng của mình để tư vấn cho kiểm lâm những khu vực có nguy cơ xảy ra tình trạng săn bắn thú rừng để cùng nhau tuần tra và xử lý"...
Theo ông Lộc Xuân Nghĩa, công việc giữ rừng luôn đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm. Chính vì vậy, ngoài nỗ lực của lực lượng giữ rừng, rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu từ cộng đồng. Giải thưởng "Người giữ rừng Chư Yang Sin" không chỉ là sự công nhận cho những nỗ lực bền bỉ của lực lượng giữ rừng, mà còn là nguồn cảm hứng để lan tỏa tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ rừng đến với cộng đồng.