Vết trượt của một cựu lính biên phòng

Nam Hoàng| 06/10/2016 05:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày còn trong quân ngũ, do thông thuộc địa hình và am hiểu văn hóa, phong tục của đồng bào, Vi Thanh Lịch vẫn thường được cấp trên cử xuống từng xã, bản vận động người dân nói không với ma túy. Vậy mà vừa hết nghĩa vụ quân sự, Lịch bập vào "hàng trắng".

Ước mơ làm bộ đội

Lịch sinh năm 1978, nhà ở Nà Phày, Mường Nọc, một “điểm đen” về ma túy của huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An). Từ nhiều năm trở lại đây, mảnh đất nằm dưới chân ngọn núi Pà Pùa này được đám “lái buôn tử thần” xem là nơi lý tưởng để trung chuyển ma túy từ biên giới về xuôi. Khắp các con đường cong cua rợn ngợp, khắp các cánh rừng rậm rịt thâm u, đâu đâu cũng thấp thoáng bóng những đại ca, ông trùm ma túy.

Ở Mường Nọc, hết đường dây này bị bóc gỡ, đường dây khác lại trồi lên; ông chủ này “ngã ngựa”, phải “dựa cột” hoặc “nhập kho” thì đã có lớp ông chủ mới tiếm quyền; lớp cửu vạn cũ trưởng thành thì lớp cửu vạn trẻ lên thay… Cứ thế, cái “vòng luân hồi chết chóc” ấy mỗi ngày một siết chặt vào những đồng bào đời đời sống sau nách núi. Thanh niên trai tráng Mường Nọc cứ lũ lượt rủ nhau bập ma túy để rồi cùng “dựa cột” hoặc vào trại giam “khoác áo sọc, ăn cơm Nhà nước”. Xã bản hiu buồn vì vắng bóng đàn ông...

“Ở đây có những gia đình ba bốn đời truyền nhau… nghiện; có những đôi vợ chồng chỉ vì muốn tránh “tai mắt” Công an mà lôi cả con ruột của mình vào việc buôn ma túy đi. Người nghiện già có, trẻ có, nhưng nhiều nhất phải kể đến những đối tượng từ 20 - 39 tuổi, chiếm tới 79%. “Con nghiện” cũng có đủ thành phần, từ dân thường đến cán bộ, nhưng đáng tiếc nhất là trường hợp của Vi Thanh Lịch, bởi Lịch vừa được ăn học đàng hoàng, lại đã từng có thời gian trong quân ngũ…”, anh Lương Trường Sơn, Trưởng Công an xã Mường Nọc chia sẻ.

Quả thật, ở cái mảnh đất từng được mệnh danh “Thung lũng tử thần của Quế Phong” như thế, thì những thanh niên học hết phổ thông như Lịch chỉ đếm trên đầu ngón tay. Qua nhiều năm đấu tranh phá án của lực lượng Công an đã làm bật lên một sự thật: Ở Mường Nọc, phần lớn những đại ca, ông trùm người Mông, người Thái không được ăn học đàng hoàng, không ít người còn mù chữ, nói tiếng kinh như nhặt thóc. Thậm chí, nhiều người không thể cầm bút ký nổi tên mình. Tất cả những biên bản lời khai, họ đều lăn tay điểm chỉ. Chính vì cái sự ít học, thiếu hiểu biết đến mê muội ấy, cộng với chuyện cả đời phải sống giữa núi cao với mây mù hoang liêu, diệu vợi, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài nên họ mới dễ dàng lầm lạc.

Vết trượt của một cựu lính biên phòng

Vi Thanh Lịch: “Em quyết tâm cai cho bằng được, để trở về…”

Nhưng Lịch khác. Dù gia cảnh chả có gì là khá giả, nhưng ông Vi Văn H (84 tuổi), bố Lịch, một cựu Trung đội trưởng dân quân xã trong thời kháng chiến chống Mỹ, vẫn cố gắng cho con mình ăn học đến nơi đến chốn. Khi hết phổ thông, Lịch không học tiếp lên cao mà xin gia nhập vào lực lượng bộ đội biên phòng với ước mơ cháy bỏng sau này sẽ trở thành người lính bảo vệ, giữ gìn biên cương của Tổ quốc. Sau thời gian huấn luyện, tháng 3/1996, Lịch được điều động về Đồn Biên phòng 519 và công tác ở đó cho đến đầu năm 2000 thì xuất ngũ.

Ngã rẽ sai lầm

Với bản lý lịch tương đối sáng sủa như thế, chỉ cần ở nhà vài tháng là Lịch cũng có thể đã được cấp uỷ, chính quyền mời gọi, tiến cử tham gia công tác tại địa phương. Bản thân ông H, bố Lịch cũng mong như vậy. Ông muốn cậu con trai sau khi xuất ngũ sẽ về làm anh cán bộ xã, để bố con được gần nhau, để ông còn có chỗ nương tựa lúc tuổi già. Nhưng oái oăm thay, ông tính không bằng… trời tính. “Thằng Lịch” mà ông H hết lòng nâng niu, che chắn, hy vọng, giờ nó cũng không thoát khỏi cái vòng kiềm tỏa của “con ma thuốc phiện”.

Ra quân, “buông súng” ở nhà với bố được ít ngày, Lịch bắt đầu theo chúng bạn bập vào ma túy. Lịch bảo: “Ngày trước, đi làm thuê mỗi ngày được khoảng trăm nghìn, sáng vác dao, cưa, đục lên rừng, chiều xòe tay đếm tiền, tối về ném hết vào “ống tiêm”! Mua ở đâu à? Vào bản Mông ở biên giới nhà nào chả có, mua thuốc phiện dễ hơn mua rau. Có khi chủ nó còn đi mua về bán nợ cho mình. Mình hút, mình có sức khỏe, mình lại làm được cho nó nhiều hơn, tội gì nó không bán?! Mà giữa rừng buồn lắm, ở rừng cả tuần, cả tháng không gặp một bóng người, không hút thì biết làm gì?”.

Tính đến giờ, thâm niên “ôm bàn đèn” của Lịch cũng ngót nghét 15 năm. Ngần ấy thời gian nghiện thì đến tỷ phú, đại gia cũng thành ăn mày. Suốt nhiều năm nay, nhà Lịch chưa bao giờ thoát khỏi cảnh nghèo. Tài sản trong nhà cứ lần lượt “đội nón ra đi”. Khi thì con gà, khi thì bao gạo, tất cả đều bị Lịch mang đi đắp đổi “cơm đen”. Đến khi trong nhà không còn vật dụng nào đáng giá, có chong đèn lật tung cả cột cái, cột con lên cũng không một đồng bạc trắng, thì Lịch bắt đầu đi chôm chỉa của bà con, hàng xóm. Một đồn năm, năm đồn mười, cái tin thằng “Lịch nghiện” chả mấy chốc mà vang xa khắp bản. Cứ nhác thấy bóng Lịch là gia đình nào cũng tâm tâm, niệm niệm đề phòng.

Biết tin con trai nghiện, ông H chết lặng. Chỉ qua vài đêm, tóc ông bạc trắng như sương. Hết van vỉ, vận động, thậm chí đánh đập, dọa “xích chân, trói tay, đóng chuồng, nhốt cũi” mãi không được, cực chẳng đã, cuối năm 2015, ông H phải đành nhờ các cơ quan chức năng lập hồ sơ rồi ra quyết định đưa Lịch vào Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội số 2 Nghệ An để cai.

Cố gắng trở về

Kể từ ngày Lịch “chuyển khẩu” vào Trung tâm với “bản án” cai nghiện bắt buộc 18 tháng, vợ Lịch cũng lặng lẽ gói ghém quần áo bỏ nhà đi biệt tích. Giờ, trong căn nhà còm cõi nằm rìa bản Nà Phay, còn có mỗi bố Lịch và mấy đứa trẻ lít nhít “trứng gà trứng vịt”, trong đó có một đứa con trai của Lịch. Gần đất xa trời, ông H vẫn phải cặm cụi chạy vạy lo miếng ăn cho đàn cháu. Bữa đói nhiều hơn bữa no, ngô sắn nhiều hơn cơm gạo.

Những tưởng người cựu Trung đội trưởng dân quân xã đã từng nếm trải hết thảy mọi sướng khổ, buồn vui của kiếp người như ông H thì có còn gì để đau buồn, thế nhưng, mỗi khi có người nhắc nhớ đến cậu con trai, ông H lại buông tiếng thở dài. Ông bảo: “Tôi sống đến ngần này tuổi đầu, cũng chả còn thiết tha gì, chỉ mong thằng Lịch nó tu tỉnh để mà quyết tâm cai cho bằng được. Chứ tôi già rồi, ngộ nhỡ có nằm xuống thì lũ trẻ biết trông cậy vào ai?”.

Ngày trước, ông H nổi tiếng là một cán bộ xã năng nổ, nhiệt tình. Giờ đây, ông suốt ngày chỉ loanh quanh trong căn nhà tối hủm nằm sau nách núi. Đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng mang ảnh con trai ra ngắm nghía và… trò chuyện. Thỉnh thoảng có việc gì cần lắm, ông mới ra khỏi nhà. Ông xấu hổ khi phải chạm mặt bà con, dân bản, những người từng “đốt đuốc đến nhà ông để nghe rao giảng về tác hại “con ma thuốc phiện”!”. “Con mình không dạy nổi, nói ai nghe?”, ông H cứ lặp đi, lặp lại mãi cái điệp khúc hiu buồn đó như tự trách mình. Nỗi ân hận vì đã “không dạy được con” cứ đay đả hắt mãi vào ông, ăn mòn cả tinh thần và thể xác.

Cũng chính vì quá đau buồn, tủi hổ, đã mấy lần ông H định ra bìa rừng “cưỡi lá ngón về trời”. Ông bảo, cũng may còn có mấy đứa cháu, chúng đã “kéo” ông lại với trần gian. Từ ngày bọn trẻ đến ở cùng, căn nhà cũng bớt phần hiu quạnh, ông dần thấy mình cần phải sống. Giờ ông chỉ có mỗi tâm nguyện đứa con trai biết chắt chiu, trân quý từng phút sống mà quyết tâm cai nghiện, gột rửa quá khứ để hoàn lương. Và, ông cũng mong, từ cuộc đời đầy nghiệt ngã và bi kịch của gia đình ông, sẽ là “bài học sống”, sẽ làm thức tỉnh được những ai đã và đang chuẩn bị lao đầu vào ma túy.

Còn Lịch, sau một thời gian “vật vã cắt cơn”, giờ cũng đã dần hòa nhập với cuộc sống không ma túy ở Trung tâm cai nghiện. Lịch bảo: “Những ngày mới vào đây, em “vật” quá, chả ăn được gì. Đứng không được, mà ngồi, nằm cũng không xong, nhiều lúc chỉ muốn giãy đành đạch, người cứ như bị phát điên. Toàn thân lạnh như ướp đá, nhưng mồ hôi lại chảy ròng ròng, nước mắt nước mũi giàn giụa. Mọi thứ nhớ nhớ quên quên bất chợt. Khóc ầm ỹ rồi lại cười đập phá. Mấy tuần liền, ngày nào em cũng phải dùng thuốc cắt cơn, cuối cùng cũng đỡ. Giờ thì khỏe rồi. Em sẽ quyết tâm cai cho bằng được, để còn được về với bố, với con chứ!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vết trượt của một cựu lính biên phòng