Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm do NCTN thực hiện những năm gần đây có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.
Gia tăng tội phạm người chưa thành niên (NCTN) như hiện nay là nỗi lo lắng chung của toàn xã hội, cho nên việc thành lập Tòa GĐ&NCTN không chỉ mang tính răn đe, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em phạm tội mà còn giáo dục, cảm hóa trẻ lầm lỗi hoàn lương quay về hòa nhập cộng đồng…
Bài 3: Vướng mắc từ thực tiễn xét xử vụ án liên quan đến người chưa thành niên phạm tội
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm do NCTN thực hiện những năm gần đây có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Số vụ án do NCTN gây ra khoảng 14.000-16.000 vụ/năm, chiếm khoảng 15-18% tổng số tội phạm trên cả nước. Thống kê của TANDTC cũng cho thấy, năm 2012, các Tòa án đã xét xử 6.425 bị cáo là NCTN, tăng 1.853 bị cáo so với 2011. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dã man do NCTN thực hiện gần đây như vụ Lê Văn Luyện (Bắc Giang); Đào Thu Hương - My sói (Hà Nội)… đã làm cho dư luận hết sức bàng hoàng, bức xúc, lo lắng. Thực trạng này là hồi chuông cảnh tỉnh, là nỗi lo chung của toàn xã hội, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu và đồng bộ nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm do NCTN thực hiện.
Tình hình phức tạp như vậy nhưng thực tiễn xét xử các vụ án về NCTN phạm tội đang có những vướng mắc cần tháo gỡ, đây cũng là mấu chốt quan trọng phải sớm thành lập Tòa GĐ&NCTN.
Các chính sách pháp luật tố tụng hình sự, dân sự liên quan đến NCTN phạm tội đã được ban hành, nhưng vẫn chưa đầy đủ. Thực tiễn xét xử những năm gần đây cho thấy, nhìn chung, việc áp dụng các quy định pháp luật đối với NCTN phạm tội đã được TAND các cấp quan tâm và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bất cập, vướng mắc về việc áp dụng các quy định của pháp luật trong xét xử các vụ án này.
Về HĐXX và thành phần tham gia phiên tòa, thực tiễn xét xử cho thấy, phần lớn các Thẩm phán, đặc biệt là ở TAND cấp huyện, chưa được đào tạo hoặc mới chỉ được bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng xét xử đối với NCTN. Việc trang bị cho đội ngũ Thẩm phán các kiến thức, hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến NCTN chưa được cơ sở đào tạo cũng như hệ thống Tòa án các cấp quan tâm đúng mức. Mặt khác, theo quy định, thành phần HĐXX vụ án có bị cáo là NCTN phải có Hội thẩm đang là giáo viên hoặc cán bộ đoàn thanh niên. Tuy nhiên, Hội thẩm không phải là người được đào tạo chuyên môn về luật, không được bồi dưỡng kỹ năng xét xử đối với NCTN nên vai trò của họ trong HĐXX thường mờ nhạt và có tâm lý ỷ lại vào Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
Các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung chưa tôn trọng và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về sự tham gia tố tụng của người bào chữa trong các vụ án có bị can, bị cáo là NCTN. Không ít Điều tra viên, Kiểm sát viên… chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của người bào chữa, thậm chí có tâm lý ngại sự tham gia của họ vào quá trình tố tụng. Vì vậy, việc giải thích cho NCTN và người đại diện hợp pháp của họ về quyền có người bào chữa không được thực hiện một cách rõ ràng, đầy đủ mà thường là hình thức, chiếu lệ, thậm chí ép buộc, dọa nạt để họ từ chối bào chữa. Một số trường hợp xét xử NCTN nhưng không có người bào chữa tham gia phiên tòa với lý do bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa.
Các bị cáo vị thành niên trong một phiên tòa
Về phiên tòa và tổ chức xét xử, do đặc điểm tâm sinh lý, NCTN phạm tội cần được xét xử trong một môi trường thân thiện. Khi xét xử, Tòa án có thể sắp xếp lại vị trí của những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng nhằm làm giảm cảm giác căng thẳng, sợ hãi đối với NCTN. Việc thẩm vấn, xét hỏi các bị cáo là NCTN phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của bị cáo. Việc giải thích về quyền và nghĩa vụ, thủ tục xét xử cũng như các câu hỏi đưa ra tại phiên tòa cần đơn giản, rõ ràng để đảm bảo cho NCTN và đại diện của họ có thể hiểu và trả lời đúng câu hỏi. Tuy nhiên, trên thực tế, các phiên tòa xét xử các bị cáo là NCTN thường cũng được tiến hành tại phòng xử án chung, áp dụng trình tự, thủ tục tố tụng chung, vị trí của HĐXX và những người tham gia phiên tòa, thái độ đối xử, cách xưng hô tại phiên tòa… đều không có gì khác biệt so với các đối tượng đã trưởng thành. Cách thức tổ chức phiên tòa không phù hợp với lứa tuổi dễ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của NCTN phạm tội, vô tình làm sai lệch mục đích giúp đỡ, giáo dục NCTN phạm tội, sửa chữa sai lầm, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh và tái hòa nhập cộng đồng sau này của họ.
Theo TS. Nguyễn Đức Mai, nguyên Chánh tòa Tòa phúc thẩm TAQSTW, việc xử lý tội phạm NCTN nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm và có thể tiếp tục phát triển lành mạnh là một trong những nguyên tắc xử lý đối với NCTN vi phạm pháp luật, giúp họ có thể sớm tái hòa nhập cộng đồng. Mặt khác, chúng ta đang thực hiện việc chương trình CCTP theo tinh thần NQ số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Kết quả khảo sát do TANDTC thực hiện năm 2010 cho thấy, có 91% số người được hỏi ý kiến đều nhất trí thành lập Tòa chuyên trách về NCTN với tư cách là cơ quan chuyên trách giải quyết các vụ việc liên quan đến NCTN, bao gồm cả việc xử lý NCTN phạm tội. Nhiệm vụ chủ yếu của Tòa chuyên trách là giáo dục, cảm hóa NCTN phạm tội hơn là trừng phạt, đồng thời đưa ra phán quyết về các hình thức xử lý khác nhau, chủ yếu là áp dụng các biện pháp tư pháp, các hình phạt không tước quyền tự do đối với NCTN. Việc thành lập Tòa án này sẽ giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về sự phát triển của trẻ em và NCTN, đảm bảo cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Vì vậy, việc thành lập Tòa GĐ&NCTN tại Việt Nam là nhu cầu tất yếu, khách quan xuất phát từ nhu cầu cuộc sống và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Cũng theo ông Mai, trước mắt cần thành lập Tòa GĐ&NCTN ở ba cấp: TAND cấp huyện, tỉnh và TANDTC và nằm trong cơ cấu của mỗi cấp Tòa này. Sau khi hệ thống TAND được tổ chức ở 4 cấp thì Tòa GĐ&NCTN sẽ là Tòa chuyên trách của các Tòa án này. Tòa GĐ&NCTN có thẩm quyền giải quyết tất cả những vụ việc liên quan đến NCTN bao gồm: NCTN vi phạm pháp luật, những vụ việc về hôn nhân gia đình ảnh ưởng đến NCTN.
Cùng với đó là việc hoàn thiện đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất cũng như các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là các luật về tố tụng. Cơ sở vật chất tại các TAND (cấp huyện và cấp tỉnh - sau này là Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm) cần xây dựng một số phòng dành riêng để xét xử các vụ án liên quan đến NCTN. Bên cạnh đó là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định, trình tự, thủ tục tố tụng phù hợp với sự phát triển về tâm, sinh lý của NCTN để giải quyết hiệu quả hơn những vấn đề liên quan đến NCTN…
(Còn nữa)