Ninh Kiều máu chảy thành sông, hôi tanh muôn dặm/ Tốt Động thây phơi đầy nội, nhơ để nghìn thu…" là hai câu trong bản thiên hùng ca bất hủ "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi nói về những địa danh gắn với chiến công lừng lẫy trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược nước ta. Theo dòng chảy lịch sử, Tốt Động vẫn in đậm dấu tích cách đây gần chục thế kỷ cùng những truyền t
Những câu chuyện nhuốm màu tâm linh
Sử sách chép lại thì vị tướng quân Lý Triện tham gia khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ XV quê ở Thọ Xuân - Thanh Hóa. Cho đến nay năm sinh của ông vẫn là một dấu hỏi nhưng chiến công và huyền thoại về ông thì được chép lại dày đặc trong nhiều trang sử của dân tộc. Trong đó, đặc biệt ông được nhắc tới là một vị tướng chỉ huy cùng với Đỗ Bí, Nguyễn Xí, Đinh Lễ… trong trận Tốt Động-Chúc Động lẫy lừng tháng 11 năm 1426. Thượng thư Trần Hiệp, Nội quan Lý Lương cùng 6,2 vạn quân Minh chôn thây ở Đồng Mô. Tổng binh Vương Thông bị trọng thương. Trận chiến có vai trò quyết định để Lê Lợi tiến vào vây hãm giặc ở Đông Quan.
Đình làng Yên Duyệt nơi thờ danh tướng Lý Triện
Ngày 7 tháng 2 năm Đinh Mùi 1427 giặc bất ngờ tập kích trại quân của Lý Triện, Đỗ Bí ở Cảo Động-Từ Liêm, trong trận chiến ác liệt này Lý Triện bị thương nặng.
Truyền thuyết kể lại, sau khi bị thương ông đã cưỡi ngựa chạy theo đường lai kinh. Đến bờ sông Giang Loan ông xuống ngựa hỏi bà hàng nước bên đường về vết thương của mình. Bà hàng nước đã vô cùng kinh hãi khi thấy rằng vết thương của ông quá nặng, cổ bị đứt lìa chỉ còn dính lại một chút da nhưng vẫn cưỡi ngựa và nói sang sảng. Lý Triện hỏi bà hàng nước rằng: "Bà có thấy ai bị thương như tôi mà sống được chăng?". Kinh hãi về vết thương bà hàng nước liền thành thật trả lời: "Thưa tướng quân, vết thương của ngài rất nặng, người bị thương như thế này thì khó mà qua khỏi được".
Lý Triện nghe nói vậy liền nhờ bà hàng nước băng bó lại vết thương cho mình rồi lên lưng ngựa tiếp tục đi thêm một đoạn đường nữa. Đến bờ sông Bùi thuộc địa phận làng Yên Duyệt, xã Tốt Động thì cả người ngựa đều thác ở đó. Để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân lập lăng mộ, đình thờ tôn ông là Thành hoàng làng. Bà hàng nước giúp đỡ băng bó vết thương cho tướng quân Lý Triện cũng được lập đền thờ gọi là đền nhà Bà.
Ông Đoàn Đình Chiến - "Mảnh đất địa linh Tốt Động đang bị lãng quên”
Ghi công lao của ông nhiều lần phá tan quân giặc mạnh, Lê Lợi cho phong quan tước cho cha và con của Lý Triện. Con ông về sau là đại thần trong nhà Hậu Lê. Năm 1428, Lý Triện được truy tặng chức Nhập nội tư mã. Năm 1460, ông lại được truy tặng làm Hữu tướng quốc. Năm 1484, Lê Thánh Tông truy tặng ông tước Thái bảo Kỳ quận công và sau đó là Tây Kỳ vương.
Trong chi chít, dày đặc những truyền thuyết về vị danh tướng này có không ít những câu chuyện rất ly kỳ mang tính tâm linh. Năm xây dựng ngôi đình cổ thờ Lý Triện trong sách sử không còn được chép lại nhưng nhân dân địa phương vẫn truyền lại nhau nghe những chuyện lạ kỳ. Ngôi đình cổ có hàng trăm đạo sắc phong và những báu vật quý giá nhưng đáng tiếc tất cả đều bị thiêu rụi. Năm 1954, một số kẻ đốt hết cả đình, chùa. Ngọn lửa đỏ rực cháy 3 ngày 3 đêm khiến ngôi đình chỉ còn lại tro bụi.
Cho đến tận năm 1967, nhân dân mới dựng lại được 3 gian để thờ phụng, trong đợt phục dựng này cũng xảy ra một sự lạ kỳ. Để dựng lại đình nhân dân trong làng đều nhất trí di dời đến một địa điểm khác cách nơi ngôi đình bị cháy gần 300 mét. Thế nhưng, trước đêm khởi công xây dựng trời đất bỗng nổi bão giông, mây đen kéo đến kìn kìn, mưa như trút, sấm sét đùng đùng xung quanh trắng một biển nước.
Sáng hôm sau tỉnh dậy dân làng bỗng bàng hoàng khi thấy số gỗ làm đình đã bị dòng nước lớn cuốn trôi. Càng kỳ lạ hơn tất cả số gỗ trên lại được nước cuốn đến chính địa điểm mà ngôi đình cũ đã bị giặc đốt cháy rồi nằm yên vị ở đó. Thấy điềm sự linh thiêng nhân dân thay đổi ý định và dựng lại đình trên khoảnh đất cũ.
Trước đó, khi ngôi đình cổ mới được xây dựng để thờ phụng danh tướng Lý Triện cũng xuất hiện những câu chuyện ly kỳ hơn. Chuyện kể rằng, những người của đất Chiềng, đặc biệt là quan làng, xã mỗi khi đi về khuya qua đình đều thấy xuất hiện một con ngựa trắng đứng giữa đường, chắn ngay trước cửa đình. Ai ai cũng kinh hãi cho rằng đó là con tuấn mã mà tướng Lý Triện sử dụng để xông pha trận mạc và thác cùng chủ khi ngã xuống trên đất Yên Duyệt.
Nhiều người không tin đánh liều đạp xe qua đều bị ngựa đá ngã chỏng vó, hoảng hốt cúi đầu rụp xuống đất vái lia lịa. Thất kinh, mỗi lần ngang qua đây, ai ngồi ngựa phải xuống ngựa, đi xe phải dừng xe, đội nón phải ngả nón mới dám đi ngang qua cổng đình. Những năm sau khi đình bị đốt cháy nhiều gia đình bị mắc bệnh lạ, điên điên, dại dại hết đời cha đến đời con. Người ta cho rằng đó là những người được giặc xúi giục đốt đình nên những ám ảnh chết chóc cứ nối tiếp nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không thể yên thân.
Bí ẩn kiệu quay
Lễ hội làng Yên Duyệt được tổ chức 3-5 năm một lần vào ngày 10- 12 tháng 2 Âm lịch. Trên đất Tốt Động cụm di tích gồm đình, chùa đều được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng từ rất sớm năm 1985.
Mỗi năm vào mùa hội là làng quê lại rộn rã, tưng bừng đón khách thập phương về chiêm bái vị thánh linh thiêng. Đặc biệt là bí ẩn kiệu quay chưa được giải mã một cách rành rõ gây hứng thú cho những người xem hội. Ông Đoàn Đình Chiến người đã từng là Trưởng ban tổ chức lễ hội và là người tích cực trong việc sưu tầm, gìn giữ những nét văn hóa độc đáo của làng Yên Duyệt cho biết: "Năm nào tổ chức lễ hội cũng đông vui, náo nhiệt. Đối với dân làng, tướng quân Lý Triện như một vị thánh linh thiêng. Truyền thuyết về ngài còn chứa ẩn không ít những điều huyền bí, nhân dân sùng kính. Từ xưa ngài đã được truy tặng là Thượng đẳng thần".
Giải thích về hiện tượng kiệu quay vô cùng kỳ thú ông Chiến cho rằng, những trai đinh trong làng được tuyển chọn vào đội rước kiệu đều là thanh niên chưa lập gia đình sức khỏe tráng kiệt, không trong thời gian có tang trở.
Trong 3 ngày hội, kiệu thánh được rước đi khắp các đền cảnh thổ trong 3 thôn của làng rồi đến lăng mộ tướng quân Lý Triện để tế lễ. Kiệu bay nhảy, quay trong như chóng chóng trong trạng thái phiêu bồng như mây gió. Có lúc, kiệu như tuột khỏi vai những người hàng đô bay lên không trung như có một lực siêu nhiên nâng lên đặt xuống nhẹ nhàng. Kiệu không thể đi nếu bị vấy bẩn, thiếu bất kỳ cái gì mà sinh thời vị thành hoàng thường mang ở bên mình, hay những vật dơ dáy cản trở đường đi của ngài.
Có người cho rằng, vì sự sùng kính thánh thần mà những người khiêng kiệu đã rơi vào một trạng thái vô thức, người cho rằng đó là thánh hiển linh, người lại cho rằng đó theo một định luật vật lý nào đó cần nghiên cứu. Nhưng rồi tất cả lại trở về với những bí mật vốn có từ trăm năm nay không thể giải mã.
Chia tay mùa hội, chia tay với mảnh đất địa linh với những cái tên đã đi vào lịch sử lẫy lừng của dân tộc, ông Đoàn Đình Chiến tâm sự: "Trên mảnh đất Tốt Động những chứng tích, di tích như một chấm son đậm đặc đánh dấu bước ngoặt của lịch sử dân tộc. Con suối Ninh Kiều nơi chứa máu của hơn 6 vạn quân Minh giờ đã bị khỏa lấp, Đồng Mô chôn thây giặc tựa như Gò Đống Đa giờ cũng dần dần mất dấu. Còn những tên tuổi khiến quân giặc chỉ nghe đã khiếp đảm, những chiến công oanh liệt một thời như đang bị lãng quên".
Biên Thùy