Ai sinh ra vốn cũng đã có một chốn đi về. Vinh hiển về quê để rạng rỡ tổ tiên. Và cũng có lúc “mắc kẹt”, nhiều người lại trở về quê như bản năng sinh tồn, chưa biết ngày mai sẽ ra sao, có thể tương lai mịt mùng hơn thế, nhưng về nơi sinh ra và lớn lên thì chuyện dù có xấu hơn, họ vẫn thấy yên lòng.

Người dân ùn ùn từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An trở về quê tại Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau... miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc là những cảnh thường thấy trong những ngày này. Đây có lẽ là những cuộc di dân “ngược” lớn nhất từ trước tới nay. Có địa phương tiếp nhận hàng chục nghìn người trở về chỉ trong vài ngày.

Về quê lần này không giống lẽ thường mà những người làm việc cả đời trên thành phố, về hưu muốn về sống yên tĩnh nơi quê nhà, càng không phải chuyến thăm người thân chóng vánh của người trẻ bận rộn, tham công tiếc việc nơi thành phố.

Lần về quê này, với nhiều người là thoát khỏi nơi mà mới đây còn là tâm dịch. Có thể thoát tử là điều may mắn, nhưng giờ đây họ lại “mắc kẹt” ở hiện tại và phải vật lộn để vượt qua đoạn đường khó đi trong những ngày tới.

Về quê, bởi vài tháng qua, rất nhiều người lao động đã cùng chia sẻ với chính quyền sở tại, “ai ở đâu ở yên đó” để chống dịch và giờ họ đã "sức cùng lực kiệt" không còn khả năng duy trì cuộc sống tối thiểu nữa.

Với một số khác, về quê còn giống như bản năng sinh tồn, chưa biết ngày mai sẽ ra sao, có thể tương lai mịt mùng hơn thế, nhưng về nơi sinh ra và lớn lên, thì chuyện dù có xấu hơn họ vẫn thấy yên lòng.

Dịch bệnh hiểm ác, bất thình lình, đến nhanh và cướp đi nhịp sống bình yên. Sẽ không thể có phương án tốt nhất mà chỉ có phương án xấu ít nhất cho những người lao động, khi mà cần câu cơm của họ đã mất, sức người bị bào mòn và số tài sản tích lũy vốn mong manh giờ cũng bị cuốn phăng.

ve-que-1.jpg
Nhiều gia đình công nhân rời Nghệ An về quê  gom cả “gia tài” và con cái cũng chỉ vỏn vẹn trên một chiếc xe máy. Ảnh VOV

Gói cứu trợ thứ 3 đã và đang được Chính phủ cùng các cấp, ngành, cơ quan chức năng khẩn trương bằng mọi cách tiếp cận chia sẻ hỗ trợ những người dân, doanh nghiệp gặp khó. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc phối hợp tổ chức đưa đón người dân có nhu cầu di chuyển lên thành phố, hoặc về quê được chu đáo, an toàn.

Mọi thứ đã ổn định hơn đôi chút, thế nhưng đó cũng chỉ giải quyết được những khó khăn trước mắt. Tinh thần “tương thân tương ái”, chủ trương “không bỏ ai lại phía sau” đang giúp cho những người dân tay trắng vì dịch bệnh được no bụng, ấm lòng. Nhưng tương lai ngày mai vẫn là điều khiến cho nhiều người trăn trở.

Giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, quan hệ lao động và quản lý thị trường lao động một cách tổng thể với những biện pháp căn cơ dài hạn. Dự báo xu hướng, trang bị thông tin giúp doanh nghiệp, người lao động tăng khả năng chống chịu dường như vẫn còn là những bài toán có lời giải, nhưng lại không ra đáp án nào.

Trên thực tế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp tại các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế là rất lớn. Rất dễ nhận thấy phần công sức chủ yếu do những lao động ngoại tỉnh đầu quân tại các doanh nghiệp này. Ước tính lao động trong các khu công nghiệp tại một số tỉnh, thành có đến 60-70% là người ngoại tỉnh. Làm việc ở đây người lao động giải quyết được vấn đề việc làm, cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, sự thiếu thốn các công trình phúc lợi như nhà ở xã hội, nhà trẻ… khiến phần đông người lao động chưa thực sự yên tâm an sinh xã hội.

Điều này phản ánh rõ thực tế chưa tương xứng giữa đóng góp của người lao động và mức độ đầu tư ngược trở lại cho nhóm đối tượng này. Bởi thế nên dù có sống và cống hiến gần cả đời trên thành phố thì công việc của rất nhiều lao động ngoại tỉnh vẫn chỉ là tạm thời, ngụ cư vẫn là ngụ cư, họ không xác định sẽ gắn bó lâu dài, nên khi dịch bệnh xảy ra việc mất đi đồng lương ít ỏi hàng ngày, người dân không còn sức kháng cự phải về quê để tự cứu mình.

ve-que.jpg
Tối 30/9, hàng nghìn người lỉnh kỉnh đồ đạc, chở theo con nhỏ đổ về quê trên quốc lộ 1 để qua chốt kiểm soát giáp ranh giữa Long An và TP HCM. Trong ảnh,  Lực lượng chức năng phát bánh, nước suối, sữa cho người dân để ăn lót dạ. Ảnh Vnexpress

Trong khi các cơ quan chức năng còn loay hoay, thì chuyện lao động ùn ùn về quê là hiện thực. Giờ đây không còn là lúc cân nhắc, lợi hại, mà là lúc để chúng ta cần có những động thái quyết liệt và thiết thực hơn. Cùng với việc đẩy nhanh hơn những chính sách hỗ trợ cụ thể trong và sau khi dịch Covid-19 kết thúc, Chính phủ và các ban, ngành chức năng càng cần đưa ra được chiến lược tổng thể mang tính căn cơ một cách thực chất, nhằm đảm bảo về an sinh xã hội cho người lao động trong dài hạn.

Đây cũng là lúc các doanh nghiệp cần nghiêm túc nhìn nhận lại giá trị cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp cần lấy con người là yếu tố trung tâm, nhân lực là yếu tố sống còn. Từ đó có chính sách về lương, thưởng phụ cấp khác và môi trường làm việc để thu hút và giữ chân người lao động.

Đồng thời cũng không thể thiếu vai trò của chính quyền địa phương trong việc xác định vai trò của lao động nhập cư. Khi địa phương có chủ trương thu hút người lao động ngoại tỉnh đến làm việc thì cần có cơ chế hỗ trợ, chăm lo khuyến khích để người lao động thực sự gắn bó dài lâu và yên tâm lao động với hiệu suất công việc cao nhất có thể.

Nhiều thách thức đặt ra trước những cuộc di chuyển lao động quy mô lớn tại thời điểm này, song, cùng với những động thái cần thay đổi từ chính quyền, doanh nghiệp và địa phương đã nói trên, chúng ta hãy xem đây là một cơ hội nhằm phân bổ lại lao động giữa các vùng miền; đồng thời quyết liệt đầu tư vào đào tạo lực lượng lao động có tay nghề, kỹ năng và chất lượng cao, phục vụ hiệu quả hơn cho tái cấu trúc, phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới, đủ sức đương đầu trước những cuộc khủng hoảng lớn như hiện nay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về quê