Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM dài hơn 47km đi qua địa bàn TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi, với tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng hơn 22.400 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 18.000 tỷ đồng, nguồn vốn theo tỷ lệ góp vốn 50% ngân sách trung ương và 50% ngân sách thành phố. Dự án được khởi công giữa tháng 6/2023, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm 14 gói thầu xây lắp, trong đó có 10 gói thầu xây lắp chính và 4 gói thầu phục vụ vận hành, khai thác. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 qua TP.HCM khoảng 410ha (trên địa bàn TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) có hơn 1.600 trường hợp bị ảnh hưởng. Ghi nhận của phóng viên, sau hơn 1 năm thi công, dự án đường Vành đai 3 qua TP.HCM đang được tăng tốc để đảm bảo tiến độ đã đề ra là hoàn thành dự án vào năm 2025 và thông xe toàn tuyến vào năm 2026. Những ngày này, tại gói XL1 (TP. Thủ Đức), hàng chục công nhân cùng thiết bị máy móc tất bật làm việc để đẩy nhanh tiến độ dự án. Gói thầu này có giá trị hợp đồng hơn 2.213 tỷ đồng, khởi công từ tháng 1/2024. Hiện, nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục kết cấu phần dưới công trình trên tuyến và triển khai đồng loạt công tác xử lý đất yếu. Nhà thầu cũng đang triển khai xây dựng nút giao vành đai 3 với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Sau khi hoàn thành, khu vực này sẽ được nối với đường dẫn qua cầu Nhơn Trạch về phía Đồng Nai, sau đó kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành tạo nên trục giao thông liên tỉnh. Bên cạnh đó, gói thầu XL3 thi công đường trên cao (đoạn qua TP. Thủ Đức) cũng được các đơn vị tăng tốc. Hạng mục gói thầu XL3 được khởi công tháng 7/2023, tổng mức đầu tư 2.068 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 1.018 ngày. Tại gói thầu này, nhiều trụ bê tông đã hoàn thành thân, xà mũ, chuẩn bị lao dầm trong thời gian tới. Cùng với các công trình giao thông trọng điểm của thành phố, dự án đường Vành đai 3 qua TP.HCM đang được chủ đầu tư, nhà thầu... huy động tối đa nhân lực, phương tiện, trang thiết bị máy móc thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả để sớm đưa vào phục vụ người dân thành phố. Công nhân hồ hởi khi được góp sức vào dự án đường Vành đai 3 qua TP.HCM. Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) cho biết, khó khăn lớn nhất của dự án là thiếu cát để gia tải các nền đường yếu. Tuy nhiên, sau quá trình nỗ lực của TP.HCM, những khó khăn về cát đã được tháo gỡ. Trước đó, nhà đầu tư đã cam kết sẽ đưa dự án về đích đúng tiến độ.
Giao các nhiệm vụ chung và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ phát triển lĩnh vực bán dẫn là đột phá chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, là việc cần làm, phải làm và quyết tâm làm bằng được, trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chiến lược của Việt Nam.