Theo các chuyên gia, một trong những khó khăn của việc xử lý thuốc lá nhập lậu là công tác giám định, đánh giá chất lượng thuốc lá lậu không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, căn cứ để đánh giá.
Phát biểu tại hội nghị bàn giải pháp thực hiện Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế cho biết, kể từ khi có Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương, các lực lượng chức năng đã tiến hành đồng bộ các mặt công tác và bước đầu đã kiềm chế, đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá trên địa bàn cả nước…Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như: Long An, An Giang, Tây Ninh…
Một trong những khó khăn của việc xử lý thuốc lá nhập lậu là công tác giám định, đánh giá chất lượng. Ảnh minh họa
Theo kết quả báo cáo các Bộ, ngành và địa phương, từ ngày 1/10/2014 đến hết tháng 10/2019, các lực lượng chức năng trong cả nước đã tiến hành xác lập hàng trăm chuyên án, hàng ngàn kế hoạch nghiệp vụ, hàng chục ngàn cuộc kiểm tra nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh quyết liệt với các đường dây, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn cả nước; kết quả đã bắt giữ, xử lý 52.375 vụ. Số lượng thuốc lá nhập lậu bị tịch thu: hơn 39 triệu bao. Khởi tố hình sự: hơn 917 vụ/1.150 đối tượng.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý thuốc lá nhập lậu tịch thu Thực hiện theo Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/4/2018 Quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Thiếu tướng Đàm Thanh Thế cho biết, hiện nay, tổng số lượng thuốc lá nhập lậu bị tịch thu chưa xử lý còn tồn đọng trong cả nước, tính đến hết tháng 10/2019 là trên 9,5 triệu bao thuốc lá các loại. Hiện tại trong 9 tỉnh, thành phố là các địa bàn trọng điểm về thuốc lá lậu mới chỉ có tỉnh Long An đã thực hiện tiêu huỷ được 672.644 bao thuốc lá nhập lậu đã tịch thu theo Quyết định 20, còn lại các địa phương khác vẫn chưa tiêu huỷ và đấu giá được số thuốc lá bị tịch thu tồn đọng.
Nói về khó khăn vướng mắc trong việc tiêu hủy, đấu giá thuốc lá, ông Trương Văn Ba - Phó Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia cho biết công tác giám định, đánh giá chất lượng thuốc lá lậu không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, căn cứ để đánh giá. Bởi hàng thật trên thị trường chưa được cơ quan chức năng xác nhận. Do đó đến nay vẫn chưa có đơn vị, tổ chức thực hiện được chức năng giám định, đánh giá chất lượng. Cùng với đó, việc phân loại và xác định thuốc lá nhập lậu còn chất lượng đến khi đưa ra bán đấu giá thường phải qua nhiều giai đoạn, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo chất lượng thuốc lá….
Cũng theo ông Ba, các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tham gia mua bán đấu giá, vì thuốc lá là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, rất khó tìm được doanh nghiệp đủ điều kiện để tham gia đấu giá thuốc lá còn chất lượng xuẩt khẩu ra nước ngoài.
Theo đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong thời gian Quyết định 20 còn hiệu lực thì việc thực hiện quy trình thủ tục xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu cần thống nhất giữa các ngành, các lực lượng, địa phương. Bên cạnh đó cần có Hội đồng giám định chất lượng thuốc lá ở Trung ương và các địa phương, có các tiêu chí về tiêu chuẩn, chất lượng giám định thuốc lá.
Theo đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, hiện nay thuốc lá ngoại nhập lậu tại thị trường Việt Nam có khoảng 180 loại khác nhau và do nhiều nước trên thế giới sản xuất do đó, các cơ quan trong nước khó có thể giám định được về chất lượng.
Để tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định 20, tháo gỡ các khó khăn bất cập trong việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu cho các địa phương, các ý kiến tại hội nghị cho rằng, cần phải có sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt từ trung ương tới địa phương để việc triển khai thực hiện Quyết định 20 được thống nhất tại các địa phương trên cả nước.
Để tiếp tục thực hiện Quyết định 20, Chánh Văn Phòng Ban chỉ đạo 389 đề nghị các địa phương cần thực hiện bảo quản tang vật thật tốt đối với các sản phẩm còn chất lượng và thực hiện tiêu huỷ đối với hàng hoá không đảm bảo chất lượng. Đối với vướng mắc về đánh giá chất lượng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ làm việc lại với Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ để tháo gỡ, phối hợp tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.