Vẫn nóng câu chuyện minh bạch thông tin sản phẩm

P.V| 05/05/2015 11:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tháng 4/2015, Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã quyết định xử phạt 20 công ty vi phạm an toàn thực phẩm thì trong đó có đến 19 công ty vi phạm về quảng cáo thổi phồng sự thật, và rõ ràng câu chuyện về minh bạch thông tin chưa bao giờ là cũ.

Trên thế giới quyền được thông tin là 1 trong 8 quyền của người tiêu dùng theo bản hướng dẫn về bảo vệ NTD do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 9-4-1985. Ở một số nước quyền được thông tin của người tiêu dùng được đưa vào trong nội dung giáo dục như tiêu dùng tiết kiệm, tiêu dùng bền vững. Một số nước như Mỹ, Hàn Quốc còn có tuần lễ quốc gia về người tiêu dùng và luôn thu hút được sự quan tâm của xã hội.

Rõ ràng người tiêu dùng có quyền được cung cấp những thông tin cần thiết về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thế nhưng tại thị trường trong nước, việc doanh nghiệp cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thế nào mới là chuyện đáng bàn.

Trong một buổi hội thảo mới đây, ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, ở nước ta hiện nay, vấn đề minh bạch thông tin của sản phẩm hàng hóa, trong đó có thực phẩm còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng quyền được thông tin của người tiêu dùng bị xâm hại.

Vẫn nóng câu chuyện minh bạch thông tin sản phẩm

Người tiêu dùng lạc vào mê hồn trận thông tin sản phẩm. Ảnh minh hoạ

Thực tế, trong khâu bán hàng, các nhà cung cấp và phân phối cũng đã có ghi thông tin về gốc xuất xứ, cảnh báo về sản phẩm…trên sản phẩm. Tuy nhiên, những thông tin này chưa được đáp ứng về chất lượng thông tin như cung cấp không rõ ràng, không đầy đủ, dễ gây nhầm lẫn, hiểu nhầm.

Việc quảng cáo quá sự thật cũng đang tồn tại rất nhiều nếu không muốn nói là diễn ra hàng ngày, hàng giờ khiến người tiêu dùng lạc vào mê hồn trận. Trên các khung giờ vàng của các kênh truyền hình, những hình ảnh long lanh và  lời lẽ hoa mĩ tràn ngập và luôn trong xu thế nói quá sự thật. Ngay cả những chương trình khuyến mãi cũng được lợi dụng để quảng cáo trá hình cho dù đã có những quy định rõ ràng về các chương trình khuyến mãi cho các doanh nghiệp như đăng ký với Sở Công Thương hay Bộ Công Thương, tuỳ theo phạm vi của chương trình.

Đã có rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề sai phạm trong thông tin sản phẩm và người tiêu dùng chính là người chịu hậu quả cuối cùng. Rượu giả nhãn mác; thực phẩm chức năng giả; sữa nhiễm melamine…ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng cũng như gây hoang mang trên thị trường.

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đưa ra nhiều quy định trong đó có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng của doanh nghiệp như ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật; Niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh; Cảnh báo khả năng hàng hóa có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của NTD và các biện pháp phòng ngừa...

Luật đã có, thế nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp vi phạm. Có lẽ một phần là do chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe. Và trong lúc chờ lương tâm của các doanh nghiệp, người tiêu dùng đành phải học cách để trở nên thông thái hơn trong việc lựa chọn sản phẩm để bảo vệ chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn nóng câu chuyện minh bạch thông tin sản phẩm