Văn hóa thụt lùi, bạo lực tiến lên

Ninh Kiều| 02/03/2015 07:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cô gái có cái miệng xinh nhưng nói ra những lời không được xinh khiến dư luận sốc. Lễ hội là một hoạt động văn hóa nhưng đâu đâu cũng thấy gậy gộc, thấy dao kiếm và đổ máu khiến người ta bàng hoàng.

Thực ra thì, nói thụt lùi hay tiến lên cũng chưa hẳn là chính xác. Bởi lẽ, trong xã hội chúng ta đang sống tôi chưa thấy cái quy tắc nào quy định chuẩn mực rõ ràng về văn hóa. Thậm chí, cái quy chuẩn về gia đình văn hóa là gia đình như thế nào vẫn chỉ là tương đối.

Chưa biết gia đình văn hóa là thế nào thì làm sao biết được một xã hội văn hóa sẽ ra làm sao?. Một cô gái được gọi là diễn viên, người mẫu, người của công chúng đang khiến dư luận nổi sóng bởi những hành động, lời nói thiếu văn hóa. Cô được lên truyền hình, cô được lên phim ảnh, cô được nhiều người tung hô và cũng được gọi là “sao”.

Vì sao được gọi là “sao” thì phải hỏi những nhà báo viết về mảng giải trí. Bởi chính họ là người phong cho cô cái danh hiệu đó. Một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa mà thiếu văn hóa thì văn hóa thụt lùi cũng là điều dễ hiểu.

Cô có nhiều người yêu mến, có nhiều người hâm mộ và thậm chí nhiều người còn muốn "sao y bản chính" cách sống của cô. Và cá nhân tôi đã giật mình khi trên mạng xã hội, sau vụ việc cô "văng" đủ thứ từ "vốn tự có" cho đến những thứ bẩn thỉu, ô nhiễm nhất trần đời thì họ vẫn cho rằng cô là đúng. Tôi đồ rằng, họ cũng sẽ làm điều tương tự nếu gặp phải hoàn cảnh tương tự như cô. Lúc đó, văn hóa của một đất nước, của một dân tộc sẽ khó có thể vãn hồi.

Một đất nước mỗi năm có hàng chục ngàn lễ hội lớn nhỏ. Lễ hội là một hoạt động văn hóa dù nhìn nhận ở bất kỳ góc độ nào. Thế nhưng, hàng chục những bất cập đang tồn tại trong cái hoạt động văn hóa này đang khiến nhiều người bức xúc.

Văn hóa thụt lùi, bạo lực tiến lên

Đổ máu vì đánh nhau ở một lễ hội

Năm dê nhưng sa đà một chút vào chuyện con lợn. Con lợn ở ngôi làng nhỏ như Ném Thượng (Bắc Ninh) đã khiến cả dư luận thế giới lên tiếng. Một tổ chức đã yêu cầu chấm dứt cảnh chém lợn đầy bạo lực và man rợ. Họ cho rằng, đó không phải là một việc làm văn hóa cho dù nó là tín ngưỡng ngàn đời nay của địa phương này.

Thế nhưng, địa phương nhất quyết bỏ ngoài tai. Họ nói, đó là một tín ngưỡng truyền thống, văn hóa truyền thống. Tôi cho rằng, đó là sự bao biện hết sức bảo thủ và nguyên thủy. Bởi lẽ, văn hóa là sự kế thừa, vun đắp có chọn và có lọc. Văn hóa không phải thứ bất biến. Không thể dùng một hình ảnh bạo lực để bảo vệ hay truyền bá văn hóa.

Chẳng trách vì thế mà giữa lễ hội thanh niên dùng gậy phang nhau, giữa lễ hội hung hăng vung dao cướp lộc. Ơn giời, chưa có ai bỏ mạng.

Sau Tết, có một thống kê rất lạ. Một thống kê mà nhiều công dân ở đất nước yêu chuộng hòa bình, hiền lành chất phác này cần phải suy nghĩ: “6.200 người nhập viện vì đánh nhau”.

Chúng ta quá quen với cảnh ngoài đường, thay vì dùng lời lẽ thì họ thích dùng nắm đấm để giải quyết nhanh mọi mâu thuẫn. Và khi đã “lên gân” để giải quyết xung đột thì rõ ràng không có chỗ đứng của văn hóa. Khi đó, bạo lực ắt sẽ lên ngôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa thụt lùi, bạo lực tiến lên