Doanh nghiệp - Doanh nhân

Văn hóa “biết ơn” tại Petrovietnam

Minh Anh 24/08/2023 15:23

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) có bề dày lịch sử xây dựng và phát triển hơn 60 năm. Nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây, Tập đoàn đã liên tục trải qua nhiều thăng trầm, biến động. Nhưng văn hóa “biết ơn” tại Petrovietnam chưa bao giờ mai một.

Cuộc “đại phẫu” bắt đầu từ trong tiềm thức của người dầu khí được triển khai với tên gọi “Tái tạo văn hóa Petrovietnam” để làm sống lại những truyền thống vượt khó, tinh thần đối mặt với thách thức, kiên trung với nhiệm vụ của Đảng, nhân dân giao phó được phát động, triển khai sâu rộng từ Công ty Mẹ đến các đơn vị thành viên trong Tập đoàn.

Cùng với cuộc chiến thay đổi tư duy là một loạt những phương án, giải pháp quản trị mới được Đảng ủy - Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn đưa vào áp dụng trong thực tế như tăng cường quản trị, đặc biệt là quản trị biến động, kiểm soát hiệu quả đối với từng phân ngành trong Tập đoàn từ khâu tìm kiếm thăm dò khai thác đến công nghiệp khí, lọc hóa dầu, công nghiệp điện,... đến dịch vụ.

hung-cuong.jpg
Lãnh đạo Petrovietnam và các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm cùng các cá nhân, tập thể đoạt giải cuộc thi "Tôi yêu Petrovietnam".

Chưa hết, để ứng phó với dịch Covid-19, toàn Petrovietnam đã liên tục tập trung xây dựng 22 chuỗi giá trị trong ngành Dầu khí, tăng tính liên kết và nâng cao khả năng cạnh tranh của các đơn vị trong Tập đoàn. Đặc biệt, việc xử lý các dự án chậm tiến độ trong ngành như Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1… được lãnh đạo Tập đoàn, người lao động toàn ngành Dầu khí tập trung tâm sức tháo gỡ vướng mắc và hoàn thành dự án theo đúng cam kết với Chính phủ.

Đến nay, Nhà máy Đình Vũ đã được đưa ra khỏi danh sách các dự án yếu kém ngành Công Thương, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 và đặc biệt là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hoàn thành đưa vào sản xuất đúng vào thời điểm cả nước thiếu điện trong mùa khô năm 2023, đóng góp tích cực cho an ninh năng lượng quốc gia.

Điểm lại những thăng trầm của Tập đoàn trong thời gian qua để thấy rằng vì sao cuộc thi có tính nội bộ như “Tôi yêu Petrovietnam” lại được người lao động trong Tập đoàn tham gia nhiệt tình đến như vậy.

Cuộc thi diễn ra trong 5 ngày, ngày đầu tiên chỉ có hơn 2 nghìn lượt người tham gia, đến khi cuộc thi kết thúc thì có đến hơn 23 nghìn lượt người tham gia “dự thi”. Trong đó, 800 người dự thi đáp đúng toàn bộ 50/50 câu hỏi trắc nghiệm.

Trong không khí phấn khởi từ cuộc thi “Tôi yêu Petrovietnam”, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã nhắc lại lịch sử ra đời của ngành Dầu khí Việt Nam, từ chuyến thăm khu Công nghiệp Dầu khí tại Ba Cu của Bác Hồ vào ngày 23/7/1959, lời tiên tri và mong ước của Người về ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam, quyết tâm của Đảng, Chính phủ thành lập ngành Dầu khí năm 1961 cho đến nay. Trải qua bao gian khó, thăng trầm với sự cống hiến hy sinh của lớp lớp thế hệ người dầu khí để có Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ngành Dầu khí Việt Nam lớn mạnh như ngày hôm nay. Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng bộc bạch, cuộc thi này là dịp để người dầu khí thể hiện lòng biết ơn Bác, với các thế hệ đi trước, với lịch sử và với chính chúng ta - những người lao động dầu khí.

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, nếu chúng ta không yêu nơi làm việc, tổ chức mà chúng ta gắn bó thì không thể tạo nên sức mạnh, sự kiên trung trước khó khăn thử thách. Lãnh đạo Tập đoàn đã nỗ lực định hướng phát triển Tập đoàn trong tương lại, trong đó tiếp tục củng cố xây dựng văn hóa Petrovietnam, củng cố lại hệ giá trị cốt lõi của Tập đoàn là “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”. Đặc biệt, mục đích cốt lõi của Petrovietnam là tập đoàn dầu khí quốc gia mang trên mình sứ mệnh của dân tộc, xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trên con đường đi lên hùng cường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa “biết ơn” tại Petrovietnam