Tư vấn pháp luật

Vấn đề pháp lý trong vụ xe ô tô "ủi" hàng loạt xe máy ở Hà Nội

Hà An 06/04/2023 - 12:24

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, trích xuất dữ liệu camera xung quanh, lấy lời khai của những người làm chứng và những người liên quan, giám định tỷ lệ thương tích các nạn nhân, định giá tài sản thiệt hại… để có căn cứ xử lý.

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông ở ngã tư Xuân La-Võ Chí Công (Tây Hồ, Hà Nội), ngày 6/4, Công an quận Tây Hồ đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 BLHS.

Đồng thời, cơ quan Công an cũng tạm giữ hình sự ông Hoàng Ngọc Vĩnh (SN 1960), tài xế điều khiển xe ô tô.

hinh_anh_tngt.jpg
Hiện trường vụ tai nạn

Kết quả xác minh ban đầu, khoảng 16h07 ngày 5/4, tại khu vực ngã tư Võ Chí Công-Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ xảy ra tai nạn liên hoàn giữa xe ô tô 4 chỗ nhãn hiệu Kia-Forter màu đen BKS: 29A-083.xx với 17 xe máy.

Hậu quả vụ tai nạn khiến hàng chục người bị thương phải nhập viện cấp cứu. Đến nay may mắn chưa có người tử vong.

Theo lời khai của tài xế, đầu giờ chiều cùng ngày, ông Vĩnh điều khiển xe ô tô chở người nhà từ phố Nguyễn Sơn, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội đến Bệnh viện Tim tại đường Võ Chí Công để khám bệnh.

Khoảng hơn 16h cùng ngày, ông Vĩnh ra về, và trong khi điều khiển phương tiện, bản thân đã nhầm chân phanh với chân ga, dẫn đến mất kiểm soát tốc độ, gây tai nạn.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên (Văn phòng luật sư Nhân Chính, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho hay, vụ tai nạn xảy ra ở thời điểm lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn do bắt đầu giờ cao điểm, dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng.

Qua camera ghi lại được cú đâm liên hoàn và không kiểm soát được của tài xế dẫn tới hàng loạt phương tiên đang lưu thông bị hất văng, hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong, nhưng nhiều nạn nhân bị thương nặng phải cấp cứu và nhiều phương tiện hư hỏng nặng.

“Để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật, trong sự việc này cơ quan chức năng sẽ xác định nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng này, yếu tố lỗi thuộc về những ai, tiến hành khám nghiệm hiện trường, trích xuất dữ liệu camera xung quanh vụ tai nạn, lấy lời khai của những người làm chứng và những người liên quan, giám định tỷ lệ thương tích các nạn nhân, định giá tài sản thiệt hại”, luật sư Khuyên cho biết.

Theo luật sư Khuyên, động thái khởi tố vụ án hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tạm giữ hình sự đối với vị tài xế, điều cho thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật là có. Tuy nhiên có hay không hành vi vi phạm của tài xế phải thông qua hoạt động điều tra để có căn cứ khởi tố hay không khởi tố bị can đối với tài xế này.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 118 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì thời hạn tạm giữ tài xế này sẽ là 3 ngày, nếu cần gia hạn thời hạn nhưng tổng cộng không quá 9 ngày. Nếu trong khoảng thời gian 9 ngày nêu trên không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do cho tài xế.

luat-su-ha-thi-khuyen.jpg
Luật sư Hà Thị Khuyên

Đối với tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 cơ quan điều tra phải chứng minh được tài xế trên đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ như: vi phạm về tốc độ, vi phạm về khoảng cách giữa các xe, về chú ý quan sát, vi phạm về vượt xe, vi phạm về làn đường, vi phạm về chuyển hướng, vi phạm về qua đường, vi phạm về không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ… và những quy định bắt buộc đối với tài xế khi điều khiển phương tiện phải tuân thủ như có giấy phép lái xe đúng quy định, không sử dụng rượu bia và chất kích thích…

Phân tích cụ thể hơn, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc đối với tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Đây là tội có cấu thành tội phạm vật chất, tức là vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với hành vi phạm tội khi có hậu quả xảy ra.

Cụ thể tại khoản 1 Điều 260 quy định cấu thành tội phạm cơ bản xác định hậu quả của hành vi phạm tội có thể là: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Luật sư Đồng nhấn mạnh: “Chỉ khi có hậu quả xảy ra và hậu quả đó phải là gây thiệt hại cho tính mạng cho người khác, gây thương tích hoặc sức khỏe cho người khác với một tỷ lệ nhất định hoặc gây thiệt hại về tài sản ở mức độ nhất định, thì người phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Nếu hậu quả càng lớn, thì hình phạt mà vị tài xế sẽ đối mặt sẽ càng lớn hơn”.

Ngoài ra, trong vụ việc này có thiệt hại cụ thể về người và tài sản, nên nếu xác định yếu tố lỗi thuộc về tài xế lái xe ô tô thì tài xế này phải thực hiện trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân và chủ phương tiện khác bị thiệt hại theo quy định

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề pháp lý trong vụ xe ô tô "ủi" hàng loạt xe máy ở Hà Nội