Lâu nay người ta vẫn đồng tình với nhận xét rằng đội ngũ công chức - viên chức của ta “đông như quân Nguyên” mà không sao giảm được. Câu chuyện tinh giản biên chế vẫn như chuyện anh chàng Đôngkysốt bên Tây Ban Nha chiến đấu với cối xay gió.
Chẳng hạn gần đây lãnh đạo Hà Nội phải kêu lên vì giảm biên chế quá khó, cả năm ngoài mới giảm được khoảng 20 người nhưng dôi ra mấy chục Phó phòng phải sang ngang làm chuyên viên chính, ăn lương Phó phòng nhưng chỉ là chuyên viên. Có lẽ chỉ ở Hà Nội, cấp phường đã có Thạc sĩ, Tiến sĩ, ai nỡ nào giảm biên chế đối với hạt giống trí tuệ với bằng cấp đầy mình này?
Nhìn rộng ra cả nước càng choáng với câu chuyện biên chế vì lạm phát lãnh đạo đến nỗi quan đông hơn quân, lãnh đạo nhiều như nhân viên. Xin dẫn chứng, Gia Lai là một trong những địa phương có tổ chức biên chế cấp sở và phòng “phình” to nhất nước… Lúc cao điểm, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch có tới 7 Phó Giám đốc và 1 Giám đốc. Sau khi 2 vị Phó sở nghỉ hưu, đến nay vẫn còn 5 Phó Giám đốc. Vấn đề đáng nói ở chỗ, hiện tại Sở có 45 cán bộ, nhân viên mà có 1 Giám đốc, 5 Phó Giám đốc và 15 Phó, Trưởng phòng. Vậy là số cán bộ lãnh đạo hưởng trợ cấp trách nhiệm cho chức vụ lên tới 21 người, số lượng “sếp” chỉ ít hơn nhân viên 3 người. Cũng ở Gia Lai, Sở Xây dựng có 33 cán bộ, nhân viên thì có 1 Giám đốc, 4 Phó Giám đốc, 12 Phó, Trưởng phòng.
Lý do có nhiều “sếp” như thế được giải thích là việc bổ nhiệm lãnh đạo Sở thuộc về Thường vụ Tỉnh ủy, còn số lượng, trợ cấp trách nhiệm như thế nào thuộc quản lý của Sở Nội vụ. Hóa ra, lãnh đạo tỉnh Gia Lai quên hay cố tình bỏ qua Thông tư liên tịch của Bộ VH-TT&DL - Bộ Nội vụ (năm 2008 và 2015) về tổ chức lãnh đạo của Sở VH-TT&DL là chỉ có 1 Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc.
Nghe đâu một số tỉnh khác cũng có tình trạng tương tự khi các cơ quan cấp sở đang phình to số cán bộ lãnh đạo. Ngờ rằng người ta ban phát đặc ân cho các chức danh này theo kiểu cả nể, họ hàng dòng tộc hay là mua bán chức sắc!
Có chức vụ nghĩa là có lương và hệ số phụ cấp trách nhiệm (Giám đốc Sở được nhận thêm phụ cấp 0,9 x với mức lương cơ bản; Phó Giám đốc Sở 0,7 mức lương cơ bản… Số cán bộ lãnh đạo tăng lên đồng nghĩa với việc quỹ lương tăng theo. Hậu quả kép xảy ra: cán bộ có chức danh lãnh đạo tăng và ngân sách chi cho bộ máy tăng.
Người dân bình luận nếu số cán bộ lãnh đạo bằng số nhân viên thì còn lấy đâu ra người làm việc! Vì sao các địa phương bổ nhiệm nhiều cán bộ lãnh đạo vượt quá với quy định mà không chấn chỉnh được? Ông Nội vụ nào được hỏi cũng trả lời là bổ nhiệm đúng quy trình!? Lại phải chỉ ra một nguyên nhân là trên thế nào dưới cũng vậy. Ngay một số cơ quan ở Trung ương cũng đã có tiền lệ như thế nên không thể làm gương cho cơ sở noi theo. Có cơ quan cấp vụ ở một cơ quan Trung ương có hơn chục người mà vụ trưởng và vụ phó đã chiếm 5 người và 2 người hàm vụ trưởng, 3 vị hàm vụ phó, chỉ còn 2 nhân viên. Đôi khi vụ trưởng đi vắng mấy ông “hàm” vẫn đóng dấu ký tên.
Cán bộ cấp dưới được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo thì phấn khởi quá rồi, vì vừa được chức tước vừa thêm bổng lộc. Nhưng cấp trên làm sai quy định, bổ nhiệm tràn lan mà không ai bị kỷ luật gì thì làm gì mà chả lắm quan, thiếu quân và tăng chi ngân sách!
Nghèo đất nước là đây! Mất lòng dân cũng là đây. Ước gì có một trận cuồng phong biên chế đủ mạnh để đẩy ra khỏi cơ quan nhà nước những cán bộ dôi dư, lương cao mà làm việc hiệu quả thấp!