Từ năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chính thức không được trực tiếp thực hiện hoạt động giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT cho hệ 9+. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn rõ các tiêu chí đánh giá việc giảng dạy văn hóa trong các trường nghề.
Từ năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chính thức không được trực tiếp thực hiện hoạt động giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT cho hệ 9+.
Hoạt động này sẽ phải chuyển về các Trung tâm Giáo dục thường xuyên quản lý. Quy định mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhanh chóng được các đơn vị triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, lại xuất hiện không ít bất cập. Thực tế, tại nhiều trường nghề, việc dạy văn hóa vẫn do nhà trường đảm nhiệm, việc quản lý của Trung tâm giáo dục thường xuyên mặc dù có nhưng chỉ là trên danh nghĩa.
Chất lượng đào tạo không đổi, việc phải thông qua thêm một đơn vị khác thay vì chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo như trước, gây ra sự chồng chéo, mất thời gian trong quản lý.
Chương trình văn hóa mà các trường nghề không được tổ chức giảng dạy là Chương trình Giáo dục thường xuyên bậc THPT với 7 môn học bắt buộc.
Còn trước kia, theo quy định, các trường nghề hay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn được quyền dạy chương trình văn hóa - nhưng là chương trình THPT với 4 môn bắt buộc.
Nếu học chương trình 4 môn văn hóa thì vẫn chưa rõ ràng các điều kiện để học sinh có thể học tiếp lên các bậc cao hơn thuộc hệ thống giáo dục đai học.
Bởi vậy, thực tế, phần lớn học sinh và phụ huynh khi lựa chọn mô hình 9+ vẫn luôn kỳ vọng việc học song song hai chương trình trung cấp nghề và THPT để có 2 bằng.
Điều này phát sinh nhu cầu học chương trình GDTX bậc THPT, tạo áp lực lên các trường nghề xây dựng chương trình học để phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh.
Khi lựa chọn chương trình 9+, gần 100% phụ huynh mong muốn các em được học song song hai chương trình học nghề và học chương trình GDTX bậc THPT để có 2 bằng sau khi ra trường.
Việc học song song hai chương trình trung cấp và THPT để có hai bằng sẽ khó đạt được mục tiêu gốc là đào tạo kỹ năng nghề cho các em.
Theo các chuyên gia, cần hạn chế dần việc học song song này. Để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mỗi học viên, thay vì chương trình 7 môn, khối lượng kiến thức văn hóa giảng dạy trong trường nghề cần sớm được làm rõ về khối lượng, thời lượng học tập tích hợp với hoạt động đào tạo kỹ năng nghề để khi hoàn thành, học sinh sẽ có bằng trung cấp, được công nhận tương đương trình độ THPT.
Đứng trước những bất cập, ngày 14/11 vừa qua Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thông báo nêu rõ: Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc giảng dạy và học tập văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo khối văn hóa nghệ thuật trước ngày 20/11/2022 theo đúng thẩm quyền và quy định.
Thời gian qua, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giảng dạy văn hóa ở các trường nghệ thuật, trường nghề đã được các bộ, ngành họp bàn, nhưng chưa có sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn tới việc tuyển sinh, thi, cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh các trường nghệ thuật, trường nghề gặp khó khăn.
Cho đến thời điểm hiện tại, khi một học kỳ nữa chuẩn bị kết thúc thì việc đánh giá học tập của các em tại trường nghề vẫn chưa có phương án phù hợp.
Do vậy, các trường nghề đều mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành thông tư hướng dẫn rõ các tiêu chí đánh giá việc cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động giảng dạy văn hóa.