Kể từ khi Bộ Y tế được giao “Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, đảm bảo an toàn VSTP”, cho đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng về bổ sung bao nhiêu vi chất vào sữa học đường.
Ngày 28/04/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 641/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030, để thực hiện Chương trình chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan (Chương trình 2 của Đề án); một trong các nội dung chủ yếu cần thực hiện đó là: Xây dựng và triển khai chương trình sữa học đường đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học.
Ngày 08/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Trong đó quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế: “Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Căn cứ theo theo quy định tại Quyết định 1340, ngày 28/9/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định giao Viện Dinh Dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình Sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học, để đáp ứng được Mục tiêu và Chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường đến năm 2020. Báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30 tháng 6 năm 2017.
Sau quyết định của Bộ Y tế, ngày ngày 06/7/2017, Viện dinh dưỡng Quốc gia đã có Công văn gửi Cục An toàn thực phẩm đề nghị tăng cường ít nhất 05 vi chất bắt buộc và 16 vi chất không bắt buộc vào Sữa học đường.
Hiện cả nước đã có 15 tỉnh, thành thực hiện Chương trình sữa học đường. Ảnh minh họa
Tháng 4/2018, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đăng tải công khai trên website của Cục về Dự thảo của Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Ngày 26/11/2018, Bộ Y tế ban hành Quyết định 7091/QĐ-BYT trong đó, giao cho Cục An toàn Thực phẩm chủ trì, phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng và ban hành quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020 đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng nhãn mác sản phẩm riêng cho các loại sữa tham gia Chương trình sữa học đường; Giao Viện Dinh Dưỡng chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng định mức quy định sữa phù hợp với lứa tuổi và hàm lượng vi chất bổ sung trong sản phẩm của Chương trình nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường.
Ngày 20/12/2018, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế tiếp tục có Công văn số 6173/ATTP-KN V/v lấy ý kiến về các sản phẩm sữa tham gia Chương trình Sữa học đường.
Ngày 13/5/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1783/QĐ-BYT 2019 quy định về logo cho sản phẩm sữa phục vụ Chương trình sữa học đường.
Ngày 18/6/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chủ trì cuộc họp góp ý Dự thảo Thông tư với các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế (Viên dinh dưỡng QG, Cục ATTP, Vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em) cùng với Hiệp hội sữa và các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sữa khác như TH Truemilk, Vinamilk, Nuti, Cô Gái Hà Lan, Ba Vì, Đà Lạt milk, đã thống nhất và có sự đồng thuận cao về các loại sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và 21 vi chất dinh dưỡng bắt buộc bổ sung.
Ngày 27/6/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông báo số 690/TB-BYT thông báo Kết luận của Thứ trưởng Trương Quốc Cường với các nội dung chính cho biết: Về các loại sữa tươi tham gia Chương trình Sữa học đường: Gồm hai loại là Sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và Sữa tươi tiệt trùng. Về các vi chất dinh dưỡng: Để đảm bảo thực hiện bốn (04) chỉ tiêu của Quyết định 1340/QĐ-TTg, bắt buộc đưa nhiều vi chất dinh dưỡng vào các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường (Theo Dự thảo điều chỉnh bắt buộc bổ sung 21vi chất dinh dưỡng). Giao Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em làm đầu mối phối hợp Cục An toàn Thực phẩm, Viện Dinh dưỡng và Vụ Pháp chế tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Thông tư.
Sau khi có kết luận của Thứ trưởng về cuộc họp, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Dự thảo 9.7 Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Ngày 10/7/2019, Bộ Y tế gửi Công văn hỏa tốc gửi Dự thảo 9.7 và đề nghị các doanh nghiệp liên quan góp ý trước ngày 12/7/2019.
Mới đây nhất, ngày 15/8, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ -Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết sau khi Thủ tướng phê duyệt Chương trình sữa học đường năm 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450 về Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện chương trình này tại địa phương.
Theo ông Vinh, Bộ Y tế được Chính phủ giao xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường chứ không phải ban hành quy chuẩn. Việt Nam đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1: 2010/BYT) và Bộ Y tế đã ban hành QĐ 5450 nêu trên.
Về nội dung còn đang chưa có được sự thống nhất nên bổ sung 3 vi chất hay 21 vi chất, ông Vinh cho biết, “Bổ sung 3 vi chất hay bổ sung thêm 18 vi chất theo khuyến nghị thành 21 vi chất, phải có cơ sở nghiên cứu khoa học. Bộ Y tế sẽ làm một cách công khai, minh bạch, lấy ý kiến các doanh nghiệp và ý kiến của các nhà khoa học tạo một sự đồng thuận cao nhất. Khi còn những ý kiến khác nhau, lúc đó vai trò quyết định sẽ là của cơ quan nhà nước”.
Sự cẩn trọng trước một quyết sách là điều cần thiết, tuy nhiên, việc kéo dài thời gian ban hành Quy chuẩn sữa học đường tới 2 năm đang là khó khăn cho nhiều Bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Hiện cả nước đã có 15 tỉnh, thành thực hiện Chương trình sữa học đường. Nếu như Quy chuẩn này được ban hành trước thềm năm học mới 2019-2020 chắc chắn sẽ có thêm nhiều địa phương vững tin nhanh chóng tổ chức các công việc cần thiết để triển khai Chương trình sữa học đường. Và như vậy, sẽ có thêm hàng triệu trẻ em trên cả nước được tiếp cận với nguồn định dưỡng thiết yếu cho sự phát triển này.