Văn hóa- Thể thao

Vai trò của người phụ nữ trong văn hóa hôn nhân mẫu hệ của người Churu

Lê Hiếu 17/07/2024 - 10:53

Trong văn hóa đời sống của người Churu, phụ nữ giữ vai trò trung tâm trong gia đình và dòng tộc. Khi kết hôn, người con trai sẽ về sống cùng gia đình vợ và con cái sẽ mang họ mẹ. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với vai trò của phụ nữ mà còn khẳng định sự liên kết chặt chẽ trong dòng tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Churu là một trong 54 dân tộc Việt Nam, thuộc hệ ngôn ngữ Malaysia – Polynesia, có nguồn gốc từ người Chăm cổ. Hiện nay, có khoảng 24.000 người Churu sinh sống tại nhiều tỉnh thành khác nhau trên khắp cả nước, nhưng phần lớn tập trung ở tỉnh Lâm Đồng tại các xã Đà Loan, Ninh Loan, Tà Hine, Tà Năng, Đạ Quyn (Đức Trọng); xã Tu Tra, Pró, Ka Đơn, Lạc Lâm, Lạc Xuân (Đơn Dương). Đồng bào Churu vẫn còn giữ nhiều phong tục tập quán truyền thống, đặc biệt là chế độ mẫu hệ trong hôn nhân, gia đình.

z5622773501165_51797c7f0a34dca60eb8b441985af10a.jpg
Vào ngày cưới, nhà gái sang nhà trai tiến hành các thủ tục làm lễ và rước rể về nhà.

Người Churu định canh định cư và làm ruộng từ lâu đời, thực hiện hôn nhân một vợ một chồng. Người Churu có tiếng nói riêng, nhưng không có chữ viết, họ lưu truyền quan niệm, tri thức của mình thông qua ngôn ngữ, sinh hoạt cộng đồng.

Có thể dễ dàng thấy trong vốn ca dao, tục ngữ khá phong phú; nổi bật là những bài hát, dân ca,... ca ngợi chế độ mẫu hệ, vai trò người phụ nữ trong xã hội.

Vì vậy, quan niệm hôn nhân của người Churu cũng đậm chất chế độ mẫu hệ, tạo nên nét độc đáo riêng. Trong mỗi bản làng Churu, phụ nữ nắm giữ quyền lực vượt trội so với nam giới, điều này được thể hiện rõ qua thủ tục cưới xin của họ. Khác với các thiếu nữ người Kinh, người Thái,… thường được các chàng trai đưa cha mẹ đến nhà đặt lễ cầu hôn, các cô gái Churu lại tự mình tìm kiếm hạnh phúc.

Nghệ nhân ưu tú Ma Bio (thôn Diom, Lạc Xuân, Đơn Dương) cho biết, phụ nữ Churu chủ động trong hôn nhân, khi đến tuổi lấy chồng, nếu tìm được đối tượng mà mình ưng ý, họ có quyền “bắt chồng”.

Họ sẽ thưa với cha mẹ và nhờ người mai mối, cùng với ông cậu hoặc người chị cả mang lễ đến nhà trai làm lễ xem mắt. Nếu nhà trai bằng lòng thì hai bên quy định ngày giờ cưới hỏi. Khi nhà gái đến “bắt chồng” phải tặng nhẫn bạc, vòng cườm, khăn cho các thành viên trong dòng họ nhà trai. Số lượng nhẫn, vòng và khăn phụ thuộc vào nhà trai, ít nhất cũng phải 50 chiếc nhẫn bạc, vòng cườm và khăn.

“Các chàng trai có quyền từ chối, bằng cách trả lại nhẫn cho những cô gái, tuy nhiên, nếu bên nhà gái muốn, họ sẽ vẫn kiên trì theo đuổi và tìm cách đeo bằng được nhẫn cho đến khi chàng trai đồng ý gả mới thôi”, Nghệ nhân ưu tú Ma Bio chia sẻ.

Trước ngày cưới, cô dâu sẽ ở nhà chồng một tuần. Trong thời gian này, cô dâu phải trổ tài nội trợ, cũng như làm các công việc nặng nhọc khác. Đồng thời, cô dâu mới phải bỏ tiền túi để sắm sửa các đồ dùng cần thiết cho chồng.

Đến ngày thứ 8 hoặc ngày thứ 10, nhà gái mang các lễ vật, gồm lễ vật dẫn cưới và lương thực, thực phẩm và một con heo đến để nhà trai làm 5 – 7 mâm cổ thiết đãi bà con, họ hàng. Kết thúc bữa tiệc, nhà gái đưa con về nhà mình.

Vào ngày cưới, nhà gái sang nhà trai tiến hành các thủ tục làm lễ và rước rể về nhà, họ cùng lắng nghe hai bên cha mẹ, dòng họ dặn dò, răn dạy về đạo nghĩa vợ chồng, về dựng xây tổ ấm gia đình.

Những ngày đầu sau khi kết hôn, người đàn ông sẽ theo bố vợ lên rừng lấy củi, đi săn, ra đồng cày ruộng, cùng vợ đi rẫy, tỉa bắp, gieo hạt, tham gia vào các công việc lao động sản xuất.

Một năm đầu sau khi kết hôn, chàng rể ở chung với gia đình nhà vợ, ăn chung, làm chung. Sau đó, hai vợ chồng trẻ có thể làm nhà ra ở riêng, ăn riêng tùy theo ý mình. Mọi việc lớn, nhỏ trong gia đình từ nuôi dạy con cái, làm ăn, lao động sản xuất đều được hai vợ chồng bàn bạc, thảo luận; nhưng quyền quyết định cuối cùng là của vợ, mẹ vợ.

z5622773477687_6a7498d94c0617954914a13c3f1836da(1).jpg
Nhẫn cưới là vật khá quan trọng đối với người Churu.

Theo nghệ nhân ưu tú Ma Bio, từ xưa đến nay, phần lớn đàn ông Churu khi đã được “bắt” làm chồng sẽ toàn tâm toàn ý sống với gia đình nhà vợ, sống làm người nhà vợ, chết làm ma nhà vợ. Những ngày đầu mới về, chàng rể sẽ sống cùng gia đình nhà vợ, có khi là 3 - 4 thế hệ. Nhưng mối quan hệ giữa bố vợ và con rể rất hòa hợp, gần gũi bởi họ cùng làm, cùng ăn, cùng uống rượu cần mỗi đêm bên bếp lửa. Còn mẹ vợ lại quý con rể để chàng rể chăm chỉ làm ăn, yêu thương con gái mình, toàn tâm toàn ý chăm lo cho cuộc sống.

Thực tế, không chỉ trong phong tục cưới hỏi, ngay cả cuộc sống gia đình của người Churu, cũng dễ dàng thấy được địa vị của phụ nữ. Họ thường sống 2-3 thế hệ trong một ngôi nhà lớn, mà tại đó, vai trò của người mẹ và người cậu (em trai của mẹ) hay được gọi là “miăh” sẽ có quyền lực lớn. Con cái sinh ra mang họ mẹ; gia tài, ruộng vườn được truyền cho con gái.

Tuy nhiên, người Churu đi theo chế độ mẫu hệ chứ không phải nữ quyền, cho nên, người phụ nữ đi kèm với vị thế, cũng là những trách nhiệm vô cùng nặng nề. Khi đã có gia đình, người phụ nữ đóng vai trò người chồng, người cha, trở thành “trụ cột” trong gia đình, họ không chỉ có trách nhiệm sinh con đẻ cái, giữ mọi của cải, mà còn phải thạo cả việc lên nương, làm rẫy; thừa kế, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ đẻ lúc tuổi già.

Hiện nay, chế độ mẫu hệ trong cuộc sống của người Churu đã có nhiều thay đổi để phù hợp với thời đại. Trai gái Churu ngày nay học hành, lao động và công tác ở khắp nơi, họ sống tự lập và tự xây dựng ngôi nhà riêng của mình, họ chủ động trong hôn nhân, tự do lựa chọn bạn đời, nhiều người đàn ông Churu đã cưới vợ về ở nhà mình.

Tuy nhiên, chế độ mẫu hệ vẫn là nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc Churu, những giá trị tốt đẹp về đạo nghĩa vợ chồng, thủy chung, son sắt trong hôn nhân mẫu hệ của người Churu vẫn được gìn giữ. Qua đó, không chỉ giúp bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú cho bức tranh văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của người phụ nữ trong văn hóa hôn nhân mẫu hệ của người Churu