Vaccine nào đẩy lùi COVID-19?

Mộc Miên| 21/12/2020 19:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vaccine là công cụ quan trọng và hiệu quả góp phần chấm dứt dịch bệnh. Tuy nhiên, vaccine không phải là công cụ duy nhất.

Sáng chủ nhật mấy chị em cùng khu líu tíu rủ nhau đi chợ, tôi bỗng trở nên lạc lõng khi một mình đeo khẩu trang giữa 3 người.

Buột miệng hỏi và tôi nhận được câu trả lời rất hồn nhiên: “Ngày nào cũng đi chợ ù cái còn đến cơ quan, có phải lúc nào cũng nhớ đeo khẩu trang đâu”.

Chị kia có phần còn lạc quan hơn “Ôi, chợ nhà mình không có dịch đâu mà sợ”.

Tôi nghiêm túc nói: “Không biết được đâu chị, dịch có lúc chẳng có triệu chứng gì nên cẩn thận thì hơn”.

Chị hàng xóm tiếp tục hồn hậu: “Việt Nam mình giờ làm gì có dịch, mà vaccine thì mình cũng sắp có rồi, cô lo gì”!?

vaccine.jpg
Ảnh minh họa

 Vaccine phòng COVID-19 ư? Đó còn là câu chuyện dài. Ừ thì cũng biết ngày 17/12 vừa qua, Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự thuộc Học viện Quân y đã tiến hành tiêm mũi “vaccine made in Việt Nam” đầu tiên trong giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng trên người. Và theo những người đứng đầu cơ quan chức năng thì vaccine Nano covax cũng đã qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ đều cho kết quả an toàn. Ngoài ra vaccine chúng ta đang thử nghiệm còn bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), ưu việt hơn vaccine của một số hãng nước ngoài đang sản xuất phải bảo quản đến nhiệt độ âm 75 độ, khó khăn trong việc vận chuyển.

Rõ ràng, khi một số loại vaccine phòng ngừa dịch bệnh đã đươc bào chế và thử nghiệm trên diện rộng và cấp phép lưu hành, thì không chỉ riêng chị hàng xóm nhà tôi, mà ắt khiến cả thế giới thấp thỏm những tia sáng lóe lên, sự ám ảnh về một đại dịch thế kỷ dường như đang dần có lối thoát.

Tuy nhiên, tôi rất tâm đắc với câu nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi họp với lãnh đạo Bộ Y tế và Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) về tiến độ thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 Nano Covax rằng: “Vaccine vẫn là câu chuyện của tương lai”. Thật sự là một câu nói có tâm và có tầm của vị lãnh đạo đứng đầu trận tuyến phòng chống dịch COVID-19 của đất nước. Trong đó hàm chứa cả sự lạc quan chính đáng và những lo ngại có cơ sở.

Nhìn vào năng lực thực tế, hiện Việt Nam hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19, một trong 3 đơn vị đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắc xin trên động vật là Công ty NANOGEN vừa qua đã phối hợp với Học viện Quân y tiến hành giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng trên người.

Theo vị Trưởng ngành Bộ Y tế cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm đảm bảo đúng yêu cầu đề ra về tiến độ, chất lượng, an toàn… Song song với hướng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước, Bộ Y tế cũng đang triển khai đàm phán với các đối tác nước ngoài. Nếu thuận lợi, phải đến quý II/2022, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vaccine COVID-19.

Đấy là theo lộ trình dự kiến, hiện, trên thế giới một số vaccine Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức, Sputnik V của Nga… đã chính thức được cấp phép lưu hành. Tổ chức Y tế Thế giới mới đây cũng tuyên bố gần 1 tỷ liều vaccine tiềm năng phòng COVID-19 đã được đảm bảo theo chương trình COVAX nhằm cung cấp vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, có chắc chắn chúng ta có thể tiếp cận vaccine theo cách thông thường, bởi ngay chính nhưng quốc gia được coi như có nguồn vaccine ở thời điểm này, còn đang chạy đua về cả số lượng, chất lượng do nhiều yếu tố, để cố gắng đưa đất nước thoát khỏi ngập sâu trong dịch bệnh.

Thêm nữa, thế giới cũng đang xuất hiện một số ý đồ và động thái ở một số nơi tranh giành vaccine và chiếm độc quyền vaccine khiến cho viêc cung ứng và phân phối vaccine không thể công bằng. Thậm chí, một số nơi, vaccine đã trở thành công cụ chính trị đối nội và đối ngoại riêng, cũng như nhằm đến vị thế ảnh hưởng chính trị thế giới. Nước giàu tìm cách sở hữu vaccine lớn hơn cần thiết, vì thế các quốc gia hạn hẹp về khả năng tài chính rất khó có thể tiếp cận kịp thời về vaccine.

Và rồi, cứ cho là chúng ta chắc chắn sẽ có vaccine đi, vậy thì cuối cùng chúng ta sẽ được tiêm vaccine để chống lại con virus này vào lúc nào? Còn tùy vào việc chúng ta sẽ có nguồn vaccine nào trước, và cả việc nguồn vaccine đó có đủ cung ứng cho toàn dân không. Bởi tương tự như các nước khác, việc tiêm vaccine còn phải được ưu tiên cho các nhóm dễ bị tổn thương vì virus nhất.

Cân đong thực tế này, Việt Nam chúng ta không khác gì nhà nghèo đông con đi chợ không biết làm sao cho mọi thứ được vẹn toàn.

Rõ ràng, vaccine là công cụ quan trọng và hiệu quả góp phần chấm dứt dịch bệnh. Tuy nhiên, vaccine không phải là công cụ duy nhất. Vì vậy, mỗi cá nhân hãy hiểu sâu sắc, thấu đáo về bối cảnh của đất nước và cá nhân mình trong đó.

Mỗi người tự giác, trách nhiệm, đoàn kết, và tin tưởng thực hiện tốt những biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai. Đó chính là kháng thể tạo ra vaccine mà dân tộc ta vốn đã có và khai phá từ sớm, thứ vaccine mà mỗi khi đất nước gặp khó khăn là hàng triệu người Việt lại nắm tay nhau cũng vượt qua.

Tôi tin rằng, đó đã và sẽ vẫn chính là loại vaccine phòng COVID-19 hiệu quả cho 100 triệu người Việt chúng ta, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vaccine nào đẩy lùi COVID-19?