Ủy ban Tư pháp: Tỷ lệ giải quyết án đạt 99,5%, không có án oan

Bình Nguyên| 25/03/2021 11:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 25/3, sau khi Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC báo cáo công tác nhiệm kỳ trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày báo cáo thẩm tra công tác đối với 2 cơ quan.

qh-25.jpg
Toàn cảnh hội trường Quốc hội ngày 25/3

Trước khi đi vào những nội dung cụ thể, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga đã đánh giá về tình hình chung trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của hai cơ quan. Theo đó, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức của nhiệm kỳ 2016-2021 nhưng VKSNDTC, TANDTC đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ. Nhìn chung kết quả công tác của VKS, Tòa án các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu trong các Nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện; góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Vẫn còn nhiều trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố

Về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của VKSNDTC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: UBTP tán thành với Báo cáo của VKSNDTC về những kết quả đã đạt được trong công tác này. Tỷ lệ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được kiểm sát tăng qua các năm, giảm mạnh số lượng tố giác, tin báo quá hạn giải quyết. Công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn về cơ bản được thực hiện đúng pháp luật. VKSND các cấp đã kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; kéo giảm tỷ lệ oan, sai trong giai đoạn điều tra.Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh qua các năm đều đạt 99,9%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội.

Tuy nhiên, vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của VKSND. Số vụ Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà Viện kiểm sát chấp nhận còn khá lớn trong đó có nhiềutrường hợp Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới, phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án này còn chưa đáp ứng yêu cầu.

VKSND cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Số bị can bị VKS truy tố mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội đã giảm nhiều theo từng năm.Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được Tòa án chấp nhận năm 2019, năm 2020 và tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm được Tòa án chấp nhận trong nhiệm kỳ vượt chỉ tiêu của Quốc hội.Công tác đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải quyết án tham nhũng đạt cao; tỷ lệ thu hồi tài sản năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, vẫn còn để xảy ra một số trường hợp bị truy tố oan; truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt; VKSND phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa.Một số kháng nghị thiếu căn cứ, sau đó VKSND cấp trên phải rút kháng nghị của VKSND cấp dưới.

Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và tỷ lệ giải quyết án một số năm còn chưa đạt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Đáng lưu ý, năm 2020, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo giảm mạnh so với năm 2019;tỷ lệ giải quyết án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chưa đạt chỉ tiêucủa Quốc hội. Bên cạnh đó, số vụ án khởi tố trung bình 50 vụ/1 năm thì dư luận cử tri cho rằng, số lượng các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp đã được phát hiện, khởi tố, điều tra chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

le-nga.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội

Đối với công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, UBTP nhận thấy, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính đạt được một số kết quả. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm của VKSND ngang cấp tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận một số năm chưa đạt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội, đáng lưu ý, năm 2020, tỷ lệ kháng nghị được Tòa án chấp nhận giảm mạnh so với năm 2019. Một số Kiểm sát viên còn có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong một số vụ án hành chính khi thực hiện chức năng kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án hành chính.

Vẫn còn trường hợp VKSND chưa kiên quyết yêu cầu Công an áp giải người phải thi hành án đi thi hành, nên nhiều trường hợp chưa thực hiện nghiêm túc. Một số VKSND chưa kịp thời phát hiện vi phạm trong quản lý người bị tạm giữ, tạm giam, dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam trốn, tự sát, phạm tội mới.Trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính: công tác kiểm sát việc phân loại án có điều kiện thi hành và án chưa có điều kiện thi hành trong một số trường hợp chưa chặt chẽ…

Tỷ lệ giải quyết các vụ án của Tòa án vượt 11,5% Quốc hội giao

Về Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, UBTP tán thành với báo cáo của TANDTC và nhận thấy, trong nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự. Tỷ lệ giải quyết án đạt 99,5%, vượt 11,5% so với chỉ tiêu của Quốc hội. Đã căn bản khắc phục được việc để án quá thời hạn, hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định; riêng án kinh tế, tham nhũng, không có vụ án nào để quá thời hạn. Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản nghiêm minh, đúng pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%) và giảm dần qua các năm. Đã đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng, chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ thu hồi tài sản.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan. Một số trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo chưa chính xác. Qua khảo sát cho thấy, số lượng kháng nghị giám đốc thẩm của TAND cấp cao đối với TAND cấp huyện ít hơn so với trước đây khi thẩm quyền này thuộc TAND cấp tỉnh.

Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự (bao gồm các vụ việc dân sự, hôn nhân – gia đình, kinh doanh – thương mại, lao động), vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

chanh-an(2).jpg
Ủy viên Bộ Chính trị báo cáo công tác Tòa án nhiệm kỳ 2016-2021 trước Quốc hội

Theo UBTP, số lượng vụ việc dân sự thụ lý tăng cao so với nhiệm kỳ trước và tính chất ngày càng phức tạp, song tỷ lệ giải quyết án vượt 19,3% so với chỉ tiêu của Quốc hội. Hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định, đến ngày 30/9/2020, chỉ còn 56 vụ án để quá thời hạn. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%) và giảm dần qua các năm. Giảm mạnh các bản án tuyên không rõ, khó thi hành; cơ bản làm tốt công tác hòa giải.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan. Một số vụ án kinh doanh thương mại, giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp thời gian giải quyết còn dài. Có trường hợp sau khi tuyên án, đương sự phản ứng bức xúc với kết quả xét xử.

Công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận của ngành Tòa án.

UBTP nhận định, TAND các cấp đã khắc phục được nhiều hạn chế của công tác này. Tỷ lệ giải quyết án hành chính sau nhiều năm đạt thấp, thì đến năm 2020 đã giải quyết đạt 68,8%, vượt 8,8% so với chỉ tiêu của Quốc hội. Theo Báo cáo, đến năm 2020, không còn vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan. Đã khắc phục căn bản việc tuyên bản án không rõ, khó thi hành. Số lượng vụ án phải thụ lý, giải quyết tuy tăng cao, song tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với đầu nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, một số vụ án hành chính thời gian giải quyết còn dài. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội; một số vụ án, Thẩm phán có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, bà Nga cho biết.

Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, trong nhiệm kỳ, TANDTC đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Tỷ lệ đơn đã giải quyết tăng qua các năm và tăng mạnh so với đầu nhiệm kỳ (tăng 26,2%). Đã khắc phục căn bản việc có văn bản trả lời không có căn cứ kháng nghị, sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội.

Về công tác xây dựng pháp luật, hướng dẫn thi hành luật, công tác xây dựng ngành, công tác đầu tư xây dựng cơ sở, vật chất: UBTP tán thành với những kết quả đã được nêu trong Báo cáo của VKSNDTC, TANDTC và đánh giá cao chỉ đạo nghiêm túc, khoa học, hiệu quả của đồng chí Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC trong các công tác này. Đồng thời, tán thành với các báo cáo về tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Từ nhận định đó, UBTP có 06 kiến nghị cụ thể đối với VKSNDTC, TANDTC và đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Tư pháp: Tỷ lệ giải quyết án đạt 99,5%, không có án oan