Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị nội dung trên và cho rằng, khi hoàn thiện những vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, người dân đã quen với việc không tiếp tục có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì lúc đó mới bỏ.
Toàn cảnh phiên họp
Sáng 31/8, tại Nhà Quốc hội, diễn ra Phiên họp toàn thể lần thứ 29 của Ủy ban Pháp luật. Phiên họp này diễn ra theo hình thức trực tuyến để thẩm tra cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng.
Tham dự Phiên họp có: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh; đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an…
Báo cáo về một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng cho biết, đa số ý kiến nhất trí xóa bỏ các điều kiện riêng về đăng ký thường trú đối với các thành phố trực thuộc Trung ương. Bởi lẽ, việc đặt ra các điều kiện riêng như Luật hiện hành sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú. Trong khi đó, việc áp dụng các điều kiện riêng này trong thời gian qua cũng cho thấy chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn.
Bỏ sổ hộ khẩu khi hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, người dân đã quen
Cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), đại biểu Trần Thị Dung - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và nhiều đại biểu đề nghị cho phép người dân được tiếp tục duy trì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.
Bởi trong giai đoạn đầu khi việc bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú với các Bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, thì khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch tại các cơ quan, tổ chức chưa kịp triển khai xong việc kết nối liên thông hoặc với các tổ chức, cá nhân bên ngoài hệ thống các cơ quan nhà nước.
Lấy dẫn chứng về khó khăn đăng ký nhập học đối với học sinh phổ thông, đại biểu Trần Thị Dung cho biết, riêng TPHCM năm học này tăng lên 54.000 học sinh, không chỉ được học một buổi mà còn tăng lên 3 ca. Do đó, cần cân nhắc vấn đề này để đưa ra quyết định trong bối cảnh thực hiện quản lý theo phương thức mới thì sổ hộ khẩu vẫn còn tồn tại, do đó cần tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các cơ quan công quyền một cách thuận lợi hơn.
Các đại biểu thống nhất tinh thần đổi mới của dự án Luật, đó là đổi mới phương thức quản lý cư trú. Việc không tiếp tục duy trì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nhưng không có nghĩa là không quản lý cư trú mà đây là đổi mới từ phương thức thủ công, quản lý cư trú bằng sổ giấy sang quản lý cư trú theo phương thức ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, quản lý thông qua số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, trong giai đoạn chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo kết nối cơ sở dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước mà thực hiện cung cấp thủ tục hành chính như dịch vụ công cho công dân thì vẫn cho phép duy trì giá trị của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong một khoảng thời gian nhất định đến hết 31/12/2022.
"Khi hoàn thiện toàn bộ những vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, người dân đã quen với việc không tiếp tục có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì lúc đó mới bỏ, khi đó những cái giấy tờ đó hết giá trị. Như vậy đảm bảo tính khả thi và đảm bảo quá trình chuyển đổi, không dẫn tới những xáo trộn quá lớn trong cuộc sống của người dân”, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết.
Nhiều ý kiến khác nhau về điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp
Liên quan đến quy định về điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau.
Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người thuê, mượn, ở nhờ, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương, giúp giảm áp lực cho thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thì cần giao Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu trong trường hợp đăng ký thường trú này. Mức diện tích nhà ở tối thiểu này được giới hạn không thấp hơn 8m2 sàn/người.
Có ý kiến đề nghị lựa chọn tiêu chí về thời gian tạm trú nhất định tại địa bàn là điều kiện đăng ký thường trú, thể hiện sự gắn bó, sinh sống lâu dài, ổn định của công dân đối với nơi đăng ký, qua đó tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật ở tất cả các tỉnh, thành phố, không có sự phân biệt vùng, miền, địa bàn.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật đồng tình với việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú riêng tại các thành phố trực thuộc Trung ương. Thống nhất cho rằng, việc quy định cụ thể về điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không trái với quy định về quyền tự do cư trú của công dân được hiến định, vì Điều 23, Hiến pháp 2013 quy định quyền này được thực hiện theo quy định pháp luật, song các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng yêu cầu, cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân.
Một số ý kiến cho rằng, nếu quy định về điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ sẽ tạo ra sự không bình đẳng, bởi người đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc sở hữu của cá nhân sẽ không chịu ràng buộc này. Nhiều ý kiến tán thành với việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu vì đây cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong nhóm ý kiến này, cũng có một số đại biểu đề nghị, cần cân nhắc việc áp dụng tiêu chí diện tích nhà ở tối thiểu không dưới 8m2 sàn/người, hay sử dụng một tiêu chí khác.
Giải trình về nội dung này, đại diện Bộ Công an cho biết, quy định điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu trong đăng ký thường trú nhằm bảo đảm điều kiện sống của con người, không làm hạn chế quyền tự do cư trú của họ. Quy định này cũng nhằm tránh xảy ra tình trạng chủ hộ lợi dụng cho quá nhiều người đăng ký để trục lợi, thực tế đã nhận được thông tin có căn hộ cho thuê đăng ký thường trú không đủ 1m2 sàn/người.
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội để hoàn thiện quy định về điều kiện cụ thể đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.