Lần đầu bỏ nhà vì bố đánh, Mỹ trượt dài với cuộc sống bờ bụi và kết quả là sau 10 lần cứ bỏ đi vài tuần rồi trở về nhà, Mỹ trở thành phạm nhân vì tội tàng trữ ma túy.
Với bản án 24 tháng tù, Mỹ về trại giam Ninh Khánh cải tạo. Cuộc sống với kỷ luật, khuôn khổ và lao động đã khiến cô gái trẻ như chín chắn, già dặn hơn. Mỹ có vẻ ý thức hơn về cuộc đời của mình khi tâm sự đang xin bố mẹ dành tiền cho đi xuất khẩu lao động.
Với bố mẹ con lúc nào cũng là còn bé
Quả đúng không sai khi người ta nói rằng trong con mắt bố mẹ, con cái lúc nào cũng như vẫn còn bé thế nên mới có chuyện bố mẹ đi thăm con ở tù là lích kích mang theo nào khoai, nào sắn... Trong tâm trí của bậc làm cha mẹ, ký ức về tuổi thơ của con vẫn nguyên vẹn ngày nào với những sở thích mà có lẽ giờ đây được nhắc lại, những đứa con mới nhớ ra. Với phạm nhân Vũ Thị Mỹ, SN 1994, quê Thái Thụy, Thái Bình cũng vậy. Cô ào ra đón bố mẹ, vồ vập, hỏi han rồi reo lên sung sướng khi được mẹ bảo trong túi quà có mấy cân nhãn quả. Mẹ Mỹ thì cười còn bố cô thì ánh mắt đau đáu. Ông thương con cho dù đứa con ấy trước đây và ngay cả bây giờ lấy đi của ông bà không biết bao nhiêu nước mắt, tiền bạc và cả những đau khổ, nghĩ suy.
Phạm nhân Vũ Thị Mỹ trong buổi gặp bố mẹ lên thăm
Là con gái út trong nhà, trên là ba chị gái nên mọi việc trong nhà dường như chẳng bao giờ phải đến tay Mỹ. Bố mẹ làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, có cả xe tải chở hàng, người làm thuê nên so với mặt bằng cuộc sống ở vùng nông thôn, gia đình Mỹ thuộc diện khá giả. So với các chị, Mỹ xinh xắn và cũng thông minh nhất nhà, thế nên rất được mẹ chiều chuộng. Năm học lớp 6, trong khi các bạn còn phải đi bộ tới trường, Mỹ đã được mẹ tậu cho hẳn một chiếc mini Nhật mới cóng. Cuộc sống sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Mỹ vẫn biết nghe lời cha mẹ, ngoan ngoãn đi học mỗi ngày và cuối năm đem bằng khen về treo trên tường. Suốt thời kỳ học cấp 1, cấp 2, năm nào Mỹ cũng đạt học sinh giỏi. Cô là niềm hy vọng của bố mẹ.
“Cũng tại tôi nóng tính đánh nó làm nó bỏ nhà đi. Đi một lần được, lần sau nó quen chân, thế là tôi mất con”, ông Vũ Đức Hưng, bố phạm nhân Mỹ phân trần.
Thi đỗ vào trường cấp 3 với số điểm cao, Mỹ đòi mẹ mua cho mình xe máy, không thì cũng phải là xe đạp điện. Bố không đồng ý nhưng mẹ lại ngấm ngầm cho con gái tiền để tậu xe. Có xe đạp điện đi học, Mỹ tự cho mình có quyền nổi bật trước đám đông và không ai có quyền được ganh đua với mình. Vẫn chăm chỉ học nhưng điều mà Mỹ chú tâm nhiều nhất bây giờ là quần áo, là kiểu dáng mái tóc và để ý xem có cô bạn cùng khối nào dám cả gan chơi trội hơn mình. Nhớ lại ngày đó, Mỹ cười bảo cô ý thức được rằng mình đẹp, muốn đẹp hơn để mọi con mắt phải nhìn về phía mình chứ chưa thích chàng trai nào trong trường cả.
Tuổi ô mai nhiều khi bạn bè cãi chửi nhau chẳng vì lý do gì, với Mỹ cũng thế. Việc cô có xe đạp điện, nhiều quần áo đẹp trở thành đề tài để đám con gái trong trường bàn tán. Trong một lần kích bác nhau về những điều chẳng vào đâu, Mỹ tức quá tát cô bạn đồng niên một cái và thế là xảy ra xô xát. Kết quả là mặc dù cả hai túm nhau xé quần, dứt tóc ở ngoài đường nhưng ngay chiều đó, chuyện đánh nhau của Mỹ đã đến tai cô giáo chủ nhiệm. Sáng hôm sau, bố Mỹ được mời đến gặp Ban Giám hiệu.
Chẳng biết ở trường, bố Mỹ nghe được những gì, bị nhắc nhở những gì song vốn là người nóng tính nên vừa về tới nhà, nhìn thấy con gái, ông túm ngay lại rồi rút thắt lưng quật cho Mỹ một trận tơi bời mà không một lời hỏi nguyên do. Cứ nghĩ chưa bao giờ bị bố đánh, một trận đòn đau sẽ khiến Mỹ sợ đến già, ông Hưng đâu ngờ con gái mình đang tuổi học làm người lớn nên đã phản ứng lại bằng cách bỏ nhà đi. Cô ra quán net chát chít giải khuây rồi đồng ý đến nhà một người bạn vừa quen chỉ để “cho biết”.
Xin đi nước ngoài để cách ly bạn xấu
Sau lần bỏ nhà đi đầu tiên ấy, Mỹ quay về nhà tiếp tục đi học nhưng ánh mắt nghi ngại, tò mò của bạn bè đã khiến Mỹ trở nên mặc cảm. Không vượt qua được nỗi ngại ngùng, Mỹ quyết định bỏ học. Biết ý định của con, ông Hưng nổi giận lôi đình, mắng mỏ con gái một trận thậm tệ và những lời mắng mỏ nặng nề, xúc phạm của cha đã khiến Mỹ lại một lần nữa bỏ nhà đi. “Nó cứ bỏ nhà đi, gia đình tìm được là nó ngoan ngoãn leo lên xe về nhà ngay, không hề phản đối. Tưởng nó biết nghĩ đến bố mẹ, ai ngờ nó chỉ giả vờ ngoan được vài hôm rồi lại trốn đi tiếp”, ông Hưng than thở. Theo người đàn ông này thì chưa đầy hai năm, cô con gái út của ông đã bỏ nhà đi hơn chục lần, những lần sau, thời gian đi bụi nhiều hơn lần trước, lần nào đi cũng trộm tiền của bố mẹ, không được thì mang xe máy đi cầm đồ. Khắp các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng và cả Quảng Ninh, nơi nào Mỹ cũng có bạn, tụ tập với họ vài ngày cho tới khi gia đình tìm được, bắt về.
Cuộc sống không nhà cửa, sống bầy đàn đã biến cô gái ngoan, học giỏi trở thành một kẻ khác hẳn. Mỹ phờ phạc trông thấy sau những cuộc ăn chơi vô độ. Cô không muốn về nhà nữa vì thấy sống đời bụi bặm cũng có cái hay, đó là được sống hết mình, vui hết mình và nhiều khi cũng đói hết mình luôn. Từ nhóm bạn, Mỹ biết thế nào là rượu, là thuốc lắc và những đêm trắng vật vờ ngoài đường vì không có tiền thuê phòng nghỉ. Đầu năm 2012, Mỹ bị bắt với gần chục viên ma túy tổng hợp trong người. Theo lời Mỹ thì số thuốc đó nhóm của Mỹ mua về dùng dần và bán lại cho những ai vào hội.
Nhận được tin con bị bắt rồi chịu mức án 24 tháng tù, ông bà Hưng bàng hoàng, sửng sốt song bất ngờ hơn là khi họ gặp con gái. Mới có nửa năm thôi, Mỹ không còn vóc dáng mơn mởn của tuổi đôi mươi mà thay vào đó là dáng mệt mỏi của kẻ ăn chơi quá độ. Mẹ khóc, bố trầm ngâm, riêng Mỹ thì toe toét...
Về trại Ninh Khánh cải tạo ở đội đính hạt cườm tính ra đã hơn năm rồi nên Mỹ có vẻ hiểu đời và biết nghĩ hơn. Thấy xung quanh mình, các cô, các chị mỗi người một hoàn cảnh, Mỹ cũng nghĩ về mình, về cha mẹ. Mỹ bảo, thời gian cải tạo còn vài tháng nữa nhưng khi ra trại, cô sẽ xin mẹ đi xuất khẩu lao động, vừa có thu nhập, vừa cách ly được với đám bạn xấu.
“Em có tâm sự với mẹ và bố mẹ cũng đồng ý rồi. Ở đây về em sẽ đi xuất khẩu lao động. Ra nước ngoài, cách ly với đám bạn xấu, chắc chắn em sẽ sống tốt hơn và quan trọng là biết quý trọng đồng tiền hơn. Em muốn đoạn tuyệt với quá khứ để làm lại cuộc đời”.
Lam Trinh